Triển lãm lưu động của Quỹ quốc tế tiếng nói và chữ viết Slavơ đang giới thiệu tên tuổi các Mạnh thường quân Nga, những người đóng vai trò lớn trong hoạt động từ thiện. Tại triển lãm này khách tham quan có thể thấy những văn kiện và những tấm ảnh độc đáo từ các bộ sưu tập gia đình. Đại diện các dòng họ thương gia nổi tiếng sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi thắc mắc của khách tham quan.
Trước cách mạng, nền văn hóa, nghệ thuật và giáo dục ở Nga được tư nhân tài trợ đến 40%. Ông Leonid Redkyi, phó giám đốc Quỹ quốc tế tiếng nói và chữ viết Slavơ cho biết:
"Đó là con số rất lớn lao. Đi dạo ở Matxcơva, chúng ta thấy bảo tàng Bakhrushinski, bệnh viện Botkin... Đó là dấu tích mà cha ông để lại cho chúng ta. Cần phải thường xuyên nhớ đến những điều đó để học tập. Đó là sách giáo khoa cho các doanh nhân và những người không tham gia doanh nghiệp mà hoạt động trong các lĩnh vực khác. Đó cũng là trạng thái tự nhiên của con người, khi anh ta không chỉ làm việc cho mình, mà cho cả các thế hệ mai sau".
"Hãy sống ngoan đạo, tránh xa những chốn xấu xa, không được lăng nhục bất cứ người nào, không cười chê khuyết điểm của người khác mà hãy soi xét các thói xấu của mình. Đừng sống vì sự sang giàu mà hãy sống vì Chúa Trời, đừng xa hoa mà hãy khiêm nhường". Di huấn đó của ông Vasili Prokhorov - người sáng lập công xưởng T'rekhgornaya, nhà máy dệt nổi tiếng ở Matxcơva - đã trở thành phương châm sống của nhiều gia đình thương nhân Nga cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
Đặc thù của đại diện các dòng họ nổi tiếng như Bakhrushinski, Morozov, Prokhorov, Soldatenkov, Firsanovyi...là trung thành với sự nghiệp phục vụ xã hội, sống theo phương châm lời nói đi đôi với việc làm. Mặc dù con đường đi tới thành công của mỗi người trong số họ rất khác nhau, nhưng họ có một nét chung là đều có nguồn gốc nông dân. Thậm chí khi đã trở thành các nhà công nghiệp nổi tiếng, họ vẫn nhớ tới môi trường xuất thân của mình. Có thể vì lí do đó mà họ đã chi rất nhiều tiền từ thiện cho người nghèo khổ. Bệnh viện, trại tế bần, trường học, viện bảo tàng dược xây dựng bằng tiền bạc và của cải đóng góp của những người xưa kia từng giàu có nhất nước Nga.
Nhiệm vụ mà cuộc triển lãm đặt ra là giới thiệu với công chúng hiện đại những truyền thống tốt đẹp của tầng lớp thương gia Nga. Mỗi dòng họ đều có giá trưng bày riêng để triển lãm lưu trữ riêng. Ông Leonid Redkyi nói tiếp:
"Có người ra sách về tổ tiên mình. Có người trình bày những quyển nhật ký vẫn còn lưu giữ được. Có người mới đây không hề biết mình là hậu duệ một dòng họ nổi tiếng. Chẳng hạn, nhà thơ Alikhanov giới thiệu tập thơ khá hay. Hóa ra ông là cháu chắt của các nhà công nghiệp dầu mỏ Ba Cu, từng phục vụ triều đình Nga Hoàng. Đó là điều mà ông đã phát hiện ra cho mình và cho mọi người".
Triển lãm "Các giá trị gia đình trong lịch sử doanh nghiệp và thiện nguyện đế chế Nga" sẽ kéo dài tới ngày 30.8 tại thành phố Voskresensk, ngoại ô Matxcơva. Sau đó, triển lãm sẽ lên đường tới các thành phố của Nga, Pháp và Đức.
Theo Đài TNNN