Năm 2013, Cục KTVBQPPL đã tiếp nhận tổng số 3.985 văn bản (trong đó có 658 văn bản cấp Bộ, 3.327 văn bản địa phương). Trên cơ sở số văn bản tiếp nhận, Cục đã phân loại và kiểm tra 2.130 văn bản, bước đầu phát hiện 673 văn bản vi phạm pháp luật. Thông qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, năm 2013 Cục đã có 55 thông báo kiểm tra văn bản đối với 61 văn bản sai về nội dung hoặc thẩm quyền ban hành văn bản.
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục KTVBQPPL - khẳng định: Trong bối cảnh Nhà nước đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chấp lượng, hiệu quả công tác soạn thảo, ban hành, thẩm định VBQPPL tại các Bộ, ngành và địa phương, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật ngay từ khi mới ban hành đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong việc xây dựng và ban hành văn bản; từng bước hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật không chỉ trong phạm vi các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra mà còn đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện đối với cả các VBQPPL khác như luật, pháp lệnh, nghị định.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2014 Cục KTVBQPPL tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nghiệp vụ; đẩy mạnh tổ chức các Đoàn liên ngành về kiểm tra VBQPPL đến một số Bộ, địa phương theo thẩm quyền có liên quan, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp hoặc có văn bản trái luật, không kịp thời, không triệt để; triển khai tích cực công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản. Cùng với đó, Cục chú trọng tham mưu xử lý quyết liệt, triệt để các văn bản trái pháp luật đã được kiểm tra và phát hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ghi nhận những kết quả mà Cục KTVBQPPL đã đạt được trong năm vừa qua. Bộ trưởng nhận định: Công tác kiểm tra, tự kiểm tra bước đầu đi vào nền nếp và đã phát huy được những “quả ngọt”.
Bộ trưởng biểu dương sự nỗ lực của toàn Cục, từ đó góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Bộ Tư pháp, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế cần sự nỗ lực hơn nữa của công tác này như: công tác kiểm tra văn bản chưa thật sự bài bản, cơ chế kiểm tra, tự kiểm tra còn yếu; công tác thống kê còn chưa khoa học; rà soát văn bản còn mang nặng tính hình thức; ứng dụng công nghệ thông tin chưa được chú trọng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong năm 2014, Cục KTVBQPPL cần phải chuyển hướng chiến lược sang quản lý nhà nước, huy động toàn bộ hệ thống tăng cường phát huy vai trò của Bộ và địa phương; tham mưu để ban hành VBQPPL có sự thiết thực, lâu dài hơn”. Bộ trưởng cũng yêu cầu cần có công cụ kiểm tra hữu dụng hơn, hiệu quả hơn, kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền phải trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với biểu hiện của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.