Mọi người quen biết vợ chồng anh chị đều cho rằng chị tốt tính, biết nhẫn nhịn bởi anh là con người gia trưởng, không muốn ai “trái lệnh” mình. Thậm chí, cô bạn gái thân yêu của anh còn nói thẳng trước mặt mọi người trong một bữa ăn thân mật: “Em mà như chị thì không chịu đựng được một ngày!”.
Ai cũng khen chị, cho rằng anh có một người vợ tuyệt vời và tỏ ý phê phán (biểu lộ khác nhau tế nhị hoặc nói thẳng) tính độc đoán của anh. Trong mắt chị, anh cũng chẳng có gì mà đáng chê trách, thậm chí chị còn tự hào là mình có một người chồng quyết đoán, tính cách đàn ông.
Thế nhưng, qua thời gian và qua tiếp xúc với bạn bè rõ ràng chị nhận thấy là mình “thua chị, kém em” trong cái gọi là bình đẳng vợ chồng. Ví dụ như anh bảo chị cái gì thì chị cứ răm rắp nghe theo, món ăn nào chị nấu, anh bảo không ngon thì chị cũng tin là không ngon, từ bài trí cửa nhà đến công to, việc nhỏ trong gia tộc, đối ngoại anh sắp xếp thế nào thì chị làm theo như vậy.
Giờ đây chị mới thấy là mình dường như không để lại dấu ấn đáng kể gì trong gia đình cũng như quan hệ xã hội. Và, chị tìm cách để khẳng định mình.
Trước hết, chị thể nghiệm trong lĩnh vực “độc quyền” từ trước đến nay là nấu nướng. Chị tự sắm sửa và bài trí cái bếp theo ý mình mà không hỏi ý kiến anh. Tiếp theo là các món ăn không cần biết đến sự khen chê của chồng, cũng không để ý xem khẩu vị của anh nữa, các món ăn mà anh không bao giờ đụng đũa vẫn thản nhiên có mặt trên bàn ăn như khẳng định uy quyền của bà chủ bếp.
Dần dần, cái nề nếp giỗ chạp, lễ tết mà anh duy trì theo truyền thống gia đình cũng bị chị thay đổi dần, ví dụ như phải hóa quần áo trước đến để các cụ diện Tết chứ không đợi đến ngày hóa vàng như thường lệ. Rồi cúng Rằm vào ngày mười tư, trước thiên hạ một bước…
Hình minh họa |
Trước sự im lặng của anh, chi thừa thắng xốc tới tham gia vào những chuyện trọng đại trong gia đình chồng, phê phán cái này cái khác, tỏ ra mình thông thạo lĩnh vực nọ kia. Tiếp tục, những thứ anh bảo con làm thì chị xui con không làm và làm ngược lại…
Cứ như vậy, việc nọ nối tiếp việc kia trong một tình trạng không ra mặt phản đối như cứ ngấm ngầm phản kháng và chị thấy rõ là vai trò trong gia đình của mình được khẳng định.
Điều tuyệt vời hơn cả, theo chị, đó là anh đã bớt gia trưởng, độc đoán hơn nhiều, rõ ràng đó là do công sức “cảm hóa” của chị. Những đứa con vốn được anh rèn giũa vào khuôn phép cũng dần dần ngả theo mẹ mà lên án sự nghiêm khắc, thiếu “dân chủ” của bố.
Anh không nói và cũng không biểu hiện tiêu cực gì, chấp nhận vai trò thứ yếu trong gia đình. Cho đến một ngày xấu trời chị nhận ra từ lâu vợ chồng không chuyện trò và chia sẻ gì nữa. Không hề tuyên bố ly thân mà chuyện phòng the đã lạnh lùng từ lâu. Có thể anh đã có người đàn bà khác. Chị chủ động gần gũi nhưng vấp phải sự lạnh lùng của chồng. Tự thâm tâm chị muốn trở lại ngày xưa, cái ngày mà anh còn… gia trưởng!
Nhiu Nhíu