Từ ngày 1/1/2013, phương tiện tham gia giao thông phải đóng phí bảo trì đường bộ. Và, để chứng nhận cho việc đã đóng phí đối với xe máy, phải có giấy biên nhận của UBND xã/phường/thị trấn. Thế nhưng, theo luật định, giấy tờ mang theo khi lái xe không có loại này. Giải quyết sự “tréo ngoe” này thế nào?.
Ảnh minh họa |
Xe máy: phạt tiền triệu
Theo quy định đã được ban hành, kể từ 1/1/2013, khoảng 35 triệu xe máy sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ với mức từ 50.000 - 150.000 đồng (với xe mô tô có dung tích xylanh dưới 100cm3 trong khung từ 50.000 - 100.000 đồng/năm; với xe máy trên 100cm3 từ 100.000 - 150.000 đồng/năm) tại UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú.
Tuy nhiên, Nghị định 71/2012 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mức phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Như vậy, khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ, chủ xe không đóng phí bảo trì sẽ bị phạt nặng; với xe máy, mức đóng phí chỉ tiền trăm nhưng nếu không đóng mức phạt là tiền triệu.
Nhiều người dân thắc mắc, khi đóng phí tại UBND phường/xã/thị trấn nơi cư trú thì lấy gì để chứng nhận việc đã nộp phí để trình với CSGT khi bị kiểm tra giấy tờ. Bởi theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển xe cơ giới phải mang theo các giấy tờ sau: đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (ô tô) và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như thế, luật không quy định người dân phải có giấy chứng nhận đã đóng phí bảo trì đường bộ, đồng nghĩa với việc khi làm nhiệm vụ, CSGT cũng không có quyền yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận nộp phí bảo trì đường bộ để kiểm tra làm căn cứ xử phạt do luật không bắt buộc.
Được biết, nhìn nhận về vấn đề này, Vụ Pháp chế của cả Bộ Công an và Bộ GTVT đều thừa nhận đây là vấn đề khó có lời giải đáp ngay, do đó các ngành sẽ bàn lại với nhau xem nên thế nào vì nó tác động rất nhiều người nên phải lấy ý kiến theo quy trình.
Không tìm thấy chủ cũ: Được sang tên xe?
Từ ngày 10/11/2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực; trong đó, có quy định về phương tiện chính chủ. Rất nhiều người dân băn khoăn vì xe máy đang sử dụng là xe cũ đã được mua bán sang tay nhiều lần, nên việc tìm lại đúng người chủ sở hữu ban đầu theo đăng ký là bất khả thi, đồng nghĩa với cơ hội được sang tên chính chủ phương tiện của họ bị “khép cửa”.Trong khi đó, tại các địa phương, số xe được làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tăng lên.
Để phù hợp với thực tế và nhằm giải quyết thủ tục chuyển quyền sở hữu cho số lượng lớn xe này, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) đã trình Bộ Công an xem xét và lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung trong Thông tư số 36/2010/TT-BCA liên quan đến quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Theo đó, Thông tư này sẽ giải quyết các trường hợp xe mua bán qua nhiều chủ mà thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng. Cụ thể, nếu xe mua bán, cho, tặng qua nhiều chủ, nhưng người đang sử dụng không thể liên hệ với chủ sở hữu xe trước đó nên thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng, thì người đang sử dụng phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe (theo mẫu) và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú (thay cho chứng từ chuyển nhượng xe).
Nếu người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, muốn sang tên chính chủ phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe (theo mẫu của Thông tư) và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của người đang sử dụng xe…
Theo dự thảo Thông tư, sẽ giải quyết cho xe đăng ký từ ngày Thông tư có hiệu lực trở về trước và việc giải quyết này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/06/2013.
Hồng Minh