Các biến chứng có thể là: Sốt cao co giật, nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm trùng gây hoại tử ống thận bể thận, nguy cơ suy thận mạn...
Theo CNĐD. Dương Thuý Nga - Khoa Nhi Bệnh viện TƯQĐ 108, nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ em thường gặp đó là do vi khuẩn như E.Coli, Enterococcus, Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa...
Các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu như bị chít hẹp bao quy đầu ở bé trai, tuy nhiên bé gái nguy cơ cao hơn bé trai do cơ chế miễn dịch chưa đầy đủ, dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh. Hoặc do điều kiện vệ sinh kém, thói quen chăm sóc hoặc cha mẹ chăm sóc chưa đúng cách. Bên cạnh đó thói quen nhịn tiểu và uống nước ít của lứa tuổi nhà trẻ cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu.
Các biểu hiện trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu là khi trẻ có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện như; đái khó, đái buốt, đái dắt, khi đi tiểu phải rặn, trẻ đái nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục (có khi trẻ đái toàn ra mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường… Cha mẹ có thể để ý thấy bàn tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm hoặc kéo dương vật, âm hộ khi đái. Đôi khi trẻ kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỉ kèm theo sốt. Tùy tính chất , chủng vi khuẩn mắc phải mà trẻ sốt nhẹ hay sốt cao.
Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em hiệu quả, đó là cần vệ sinh vùng kín đúng cách; Với trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vệ sinh vùng kín, nhất là bé gái. Lưu ý cha mẹ nên rửa tay sát khuẩn sạch sẽ trước khi thực hiện, cần vệ sinh từ trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập ngược gây bệnh.
Cha mẹ, nên hướng dẫn dần dần để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc vệ sinh vùng kín cũng như biết cách tự vệ sinh từ sớm.Thường xuyên thay bỉm, lau khô và chú ý dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ.
Đồng thời, khi trẻ nhỏ chưa kiểm soát được việc đại tiểu tiện nên trong thời gian sử dụng bỉm, cha mẹ lưu ý thường xuyên thay bỉm, lau khô cho trẻ sau khi vệ sinh. Do đó cần thường xuyên quan sát kỹ màu sắc bỉm có bất thường không, có đọng cặn trắng hay dịch nhiễm khuẩn không.Nên thường xuyên thay bỉm tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ
Đối với bé trai cần kiểm tra và xử lý hẹp bao quy đầu. Bên cạnh đó, cha mẹ cần kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ bao quy đầu xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu không. Hiện tượng phồng bao quy đầu khi trẻ đi tiểu cũng là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên lưu ý vệ sinh và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.
Cần cho trẻ uống đủ nước và tập thói quen cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đa dạng với các loại nước canh, nước súp, nước hoa quả bên cạnh nước lọc.Ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.
Tập thói quen đi tiểu khoa học cho trẻ. Nên dặn trẻ không nên nhịn tiểu, có thể tập thói quen đi tiểu đúng giờ để tạo phản xạ tự nhiên.
Cuối cùng là cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu.