Lo ngại mạng ảo tấn công trẻ nhỏ
Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet. Theo UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 - 13 tuổi có sử dụng internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch COVID. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay.
Hầu hết, những người thực hiện clip, trò chơi độc hại khi xác định đây là nghề kiếm tiền đều nhận thức được điều này và lạm dụng các chiêu trò để “câu view”, bất chấp các chuẩn mực đạo đức khiến chính cộng đồng mạng lên tiếng. Các ứng dụng làm video trên điện thoại di động và độ mở của các mạng xã hội đang tạo điều kiện cho nhiều người có thể làm clip, video. Tuy nhiên, với xu hướng “câu view” kiếm tiền, ngày càng nhiều video có nội dung không lành mạnh, thậm chí phản cảm, bạo lực đang tác động đến suy nghĩ, hành vi và định hướng của trẻ nhỏ.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.
Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của trẻ nhỏ.
Theo nghiên cứu trên thế giới, cứ 100 trang web có 12 trang liên quan đến nội dung khiêu dâm, tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên ghé thăm các trang web này rất lớn, dần dần dẫn đến việc nghiện xem các trang web này. Nguy hại hơn, các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là "trầm cảm mạng xã hội, rối loạn tư duy do web độc, hại". “Tuổi trung bình ghé thăm các trang web khiêu dâm là 11 tuổi, có em từ 9 tuổi… con trai nhiều hơn con gái”.
Việc tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện internet. Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Vì vậy, có không ít các vụ án xâm hại trẻ nhỏ gây ra từ đây.
Hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn. |
Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường số
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” đã được Chính phủ ban hành năm 2021, với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra hệ miễn dịch số để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Tháng 11/2022 vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức Hội thảo với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin và đề xuất các kiến nghị cho cơ quan quản lý. Đồng thời, cũng mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp trong phát triển các công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Chương trình không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách hiệu quả và an toàn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Vũ Quốc Khánh, Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sớm tham gia xây dựng chính sách và đề xuất nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Một trong số đó là cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin năm 2022” đã thu hút gần 700.000 học sinh THCS tham gia.
Nhằm phòng tránh những trường hợp không đáng có, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thanh, thiếu niên, phụ huynh, giáo viên cùng những đối tượng liên quan cần nhận thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật trong môi trường mạng. “Trong thời đại 4.0, mọi thông tin con trẻ đăng lên mạng đều rất dễ bị kẻ xấu lưu về, lan truyền rộng rãi, vậy nên cần cài đặt đối tượng cũng như quyền riêng tư thật cẩn thận. Ngoài ra, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cũng như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung quanh để giúp đỡ các em”.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - ông Đặng Hoa Nam cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được rất nhiều cuộc gọi của trẻ em và các bậc phụ huynh. Trong đó, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc con em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài, điều này thể hiện mối quan tâm rất lớn của gia đình đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, internet là một phương tiện cung cấp thông tin, giải trí, không thể thiếu trong đời sống, kể cả với trẻ em. Vì thế phụ huynh, người làm giáo dục, những nhà hoạch định chính sách cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Những thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần hoạt động kiên quyết hơn nữa để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Để tận dụng điểm tốt của công nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online…
Hiện nay, một phương pháp học tập thông minh đang được nhiều cha mẹ và học sinh lựa chọn là học online. Với cách học này, con hoàn toàn có thể chủ động thời gian, không gian ôn bài. Ngoài ra, trẻ có thể học nhóm với bạn bè để tăng sự hứng thú. Hơn nữa, bố mẹ có thể theo dõi tiến độ và kết quả học của con một cách nhanh chóng.
Các phụ huynh, giáo viên và thanh, thiếu niên, trẻ em có thể liên hệ tới những mạng lưới hỗ trợ như:
- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
- Trình báo tới Cơ quan công an các cấp hoặc gọi Đường dây nóng của Công an 113.
- Liên hệ Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680.
- Liên hệ Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.