Cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là cây đại thụ, bậc thầy của các thầy dạy nhạc, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Hơn trăm năm tuổi đời, gần trăm năm tuổi nghề gắn bó với ngón đờn điệu nghệ, tiếng đờn của “đệ nhất danh cầm” Nguyễn Vĩnh Bảo đã vang vọng khắp năm châu, mang niềm tự hào của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ bước ra thế giới. Có thể nói, ở Việt Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo.
Huy chương Nghệ thuật và Văn chương (Médaille des Arts et des Lettres) cấp bậc “Officier” của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. |
Với những đóng góp đó, ông đã vinh dự được đích thân Đại sứ Pháp tại Việt Nam thay mặt Bộ Văn hóa Pháp tặng huân chương Nghệ thuật và Văn chương. Ðây là phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp trao tặng cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vào năm 2008.
Tháng 4/2008, Tòa Ðại sứ Pháp ở Hà Nội gởi thư đến nhạc sư Vĩnh Bảo với nội dung: Bộ Văn hóa Pháp đã quyết định tặng nhạc sư Huy chương Nghệ thuật và Văn chương (Médaille des Arts et des Lettres) với cấp bậc Officier. Việc trao tặng này nhằm: “Tuyên dương công trạng của ông làm rạng danh nhạc Việt khắp nơi trên thế giới và những cộng tác của ông với nước Pháp từ nhiều năm qua”. Ngày 12/1/2009, Ðại sứ Pháp tại Việt Nam khi đó là ngài Hervé Bolot đã trao Huy chương danh giá này cho nhạc sư lúc ông đã 92 tuổi.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được Bộ Văn hóa Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và Văn chương cấp bậc “Officier”. |
Được biết, ở Pháp có 3 loại huy chương quan trọng là: “Médaille de la Légion d’Honneur” (Bắc đẩu bội tinh), “Ordre national du Mérite” (lĩnh vực nghiên cứu khoa học) và “Médaille des Arts et des Lettres” (lĩnh vực Văn chương, Nghệ thuật).
Huy chương “Nghệ thuật và Văn chương” do Bộ Văn hóa quản lý, dùng để tuyên dương “những người nổi danh trong địa hạt nghệ thuật hay văn chương và đã đóng góp rất nhiều vào việc làm rạng danh nghệ thuật và văn chương tại Pháp hay trên thế giới”.
Huy chương này có 3 cấp bậc: Chevalier, Officier, Commandeur (theo thứ tự tăng dần). Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã vinh dự không cần phải qua cấp bậc Chevalier mà được trao tặng trực tiếp Officier. Qua đó, có thế thấy, Chính phủ Pháp đã đánh giá cao công lao của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đối với văn hóa Việt Nam và thế giới, nhất là đối với nước Pháp.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Ðồng Tháp, cho biết, Hội rất trân trọng kỷ vật quý của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mà bà Nguyễn Thu Anh (con gái cố nhạc sư Vĩnh Bảo) trao tặng. Hội sẽ lưu giữ, bảo quản cẩn thận và sẽ phát huy giá trị hiện vật này trong những sự kiện phù hợp, nhằm góp phần tôn vinh người con tài hoa của quê hương Sen Hồng.
Theo ông Thuận, bà Nguyễn Thu Anh còn vừa gửi tặng Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp 2 cây đàn: 1 cây đàn tranh và 1 cây đàn kìm có chữ ký của nhạc sư. Trong đó, cây đàn Tranh được đóng năm 1993. Cả 2 đều được làm bằng gỗ cây Kiri của Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thu Anh (con gái cố nhạc sư Vĩnh Bảo) tặng 2 cây đàn của nhạc sư cho Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp. |
Đồng thời, ông Thuận còn cho biết, những năm cuối đời, nhạc sư Vĩnh Bảo rất gắn bó với Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp. Thầy đã tặng cho Hội rất nhiều tư liệu quý và đang được lưu giữ, trưng bày tại Trung tâm Tư liệu lịch sử Văn hóa phương Nam. Trung tâm trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhưng trụ sở được đặt tại Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp.
“Dù Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp không có chuyên môn sâu về cổ nhạc, đờn ca tài tử nhưng thầy Vĩnh Bảo là người con tài hoa đất Cao Lãnh, có nhiều đóng góp to lớn cho âm nhạc cổ truyền dân tộc. Những câu chuyện của thầy là tư liệu vô cùng quý giá.
Dù thầy chỉ nghiên cứu âm nhạc nhưng quá trình làm việc, tiếp xúc của thầy đã hun đúc cho thầy những kiến thức, trải nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau. Những tư liệu qua câu chuyện của thầy không chỉ là âm nhạc mà còn là lịch sử, văn hóa, xã hội… Điều đó rất cần thiết và có giá trị trong việc nghiên cứu”, ông Thuận chia sẻ.