Một trong những nội dung được người dân quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là các quy định về chính quyền địa phương được thiết kế như thế nào để bảo đảm chính quyền thực sự của người dân, do người dân, vì người dân.
Có thể nói, các quy định này cơ bản bám sát và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về chính quyền địa phương, song để thực sự khắc phục những tồn tại, bất cập trong các quy định hiện hành của Hiến pháp 1992 về chính quyền địa phương thì vẫn còn phải hoàn thiện khá nhiều.
Khép lại khả năng đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương
Điều 115 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về việc phân định đơn vị hành chính lãnh thổ và việc thành lập HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính lãnh thổ. So với các quy định của Hiến pháp hiện hành thì vẫn giữ nguyên cách phân định đơn vị hành chính lãnh thổ ở Việt Nam. Cụ thể, ngoài việc chia nước thành tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì các đơn vị hành chính lãnh thổ dưới tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương được chia thành những đơn vị được định danh rõ ràng theo 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Theo tinh thần đó, các khái niệm như “thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương” sẽ không được chấp nhận.
Bình luận về quy định trên tại Hội thảo “Góp ý các quy định về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và đề xuất của Chính phủ” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (5/3), PGS.TS. Nguyễn Minh Phương (Bộ Nội vụ) tán thành với nhiều đề xuất nêu ra ở Dự thảo sửa đổi, các quy định trong Dự thảo sửa đổi cũng ngắn gọn, khái quát hơn khi rút từ 8 điều xuống còn 5 điều.
Tuy nhiên, theo ông Phương, mặc dù đổi tên chương là “Chính quyền địa phương” song toàn bộ nội dung đề cập cũng chỉ có HĐND và UBND. Đặc biệt, việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ như vậy vẫn tạo cảm giác HĐND là “cơ quan lập pháp, là cấp dưới của Quốc hội”, đồng thời khép lại khả năng đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương cho dù chúng ta đã thí điểm thành công việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
PGS.TS. Võ Kim Sơn (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực sự đổi mới thì trước hết trong Hiến pháp phải định nghĩa được chính quyền địa phương là gì. “Khi công bố Dự thảo sửa đổi, việc đổi tên Chương thành “Chính quyền địa phương” khiến nhân dân cả nước mừng nhưng thật ra nội dung bên trong không đổi”, ông Sơn nói và đề xuất, nếu xác định tổ chức lại thì phải theo nguyên tắc chính quyền địa phương do người dân ở đó bầu ra và trong lịch sử nước ta từng có Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đừng sợ mất “liều thuốc an thần”
Để thể hiện được tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương, rất nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi không nên tiếp tục quy định “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa (HĐND tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nên tư duy theo hướng trao quyền tự quản theo nghĩa đầy đủ cho chính quyền địa phương. “Đa phần HĐND các tỉnh, thành sợ mất đi chữ “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, nhưng đó chỉ là “liều thuốc an thần” mà thôi, bản thân nó không làm cho HĐND mạnh lên”, bà Hoa nhấn mạnh. Từ đó, cần hiến định giao nhiệm vụ thì phải giao ngân sách cho chính quyền địa phương, chính quyền địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm, đồng thời tăng kiểm tra, giám sát của trung ương.
Ngoài ra, theo bà Hoa, trong thời gian tới nếu không đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương thì nên gọi là UB hành chính, chứ không tiếp tục gọi là UBND.
Còn TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) kiến nghị, Dự thảo sửa đổi cần nói rõ chính quyền địa phương gồm những thiết chế nào, mối quan hệ giữa trung ương và chính quyền địa phương… Liên quan đến việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, ông Chung nêu câu hỏi: “Vậy khi không có HĐND thì chính quyền địa phương làm những gì, nếu không làm thì sao?. Về nguyên tắc, nếu không làm thì không sao cả là không được, đòi hỏi phải được hiến định. Hay vấn đề phân công, phân cấp và phân nhiệm, cụ thể là ai, làm gì, ở đâu và bao nhiêu tiền thì cũng không thấy Dự thảo sửa đổi đề cập”.
Hoàng Thư