Những ngày thu năm nay, người địa phương và du khách gần xa được dịp chiêm ngưỡng những bức tranh đá quý lần đầu tiên“trình làng” trên đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Từ phòng tranh đã hé mở ra nhiều hy vọng về một nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo mới cho Đà Lạt.
Đàm Thị Anh tại phòng tranh |
Hiện phòng tranh đang treo bán trên dưới 50 bức tranh đá quý với nhiều kích cỡ khác nhau. Bức lớn nhất với chiều rộng 1,2 m nhân với chiều dài 2,4m. Diện tích một bức tranh nhỏ nhất với chiều rộng 20cm và chiều dài 30cm. Tùy theo từng căn nhà, từng gian phòng trong nhà đều có thể trang trí những bức tranh ở những vị trí chọn lựa “đắc địa” của chủ nhân. Có 2 nhóm tranh chính ở đây là nhóm tranh phong cảnh và nhóm tranh chân dung. Đó là những tên bức tranh chân dung gắn liền với đời sống tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên khắp 5 châu như Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Giê Su, 3 ông tiên Phúc- Lộc- Thọ…Và những bức tranh chân dung của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế giới như Napoleon Bonaparte của Pháp… Những tên bức tranh phong cảnh khá hữu tình như: Vịnh Hạ Long, Núi rừng Đà Lạt, Mùa thu lá bay, Hoa đào vào xuân…Ngoài ra còn có những bức tranh động vật hoang dã đã được nhân cách hóa như Anh hùng tương ngộ ( Hổ gặp đại bàng), Anh hùng nhất khoảnh ( đại bàng tung cánh bên suối vắng)… Giá bán một bức tranh thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng.
Cô gái trẻ Đàm Thị Anh phụ trách phòng tranh cũng vừa là một người thợ ghép đá quý lên tranh với hơn ba tuổi nghề. Theo cô Anh, một bức tranh phong cảnh đá quý với giá 20 triệu đồng thì một người thợ sau một năm học nghề có thể một mình hoàn tất việc sau chừng một tháng rưỡi. Chất liệu nền của bức tranh là tấm nhựa mi ca dày. Trên nền mi ca, người họa sĩ vẽ sẵn bức tranh bằng nét chì, có chú dẫn từng phần màu sắc khác nhau. Theo nét chì vẽ, người thợ dùng chất liệu bột đá quý các loại (như thạch anh, mã não, ru bi, sa phia…) tô đậm nhạt lên tranh qua một chất keo dính đặc biệt. Tác phẩm ghép đá quý lên tranh đầu tiên của cô Anh là bức phong cảnh thiên nhiên thơ mộng có diện tích 30 cm nhân với 40 cm. Trong đó gồm những hình nét sông, suối, đất, trời, con chim hạt và cây cỏ… phối cảnh với nhau. Tay nghề được tích lũy dần kinh nghiệm, hai năm sau nữa, cô Anh đã thành công khi một mình ghép đá quý lên nhóm tranh chân dung chính xác và sống động đến từng chi tiết. Đến nay với hơn ba tuổi nghề thì cô Anh đã có thể một mình vừa vẽ hình nền vừa ghép đá quý thành những bức tranh hoàn chỉnh từ nhóm tranh phong cảnh đến nhóm tranh chân dung…
Hiện tại sản phẩm tranh đá quý Anh Ngọc tại Đà Lạt đều được sản xuất tại cơ sở Anh Ngọc tại TPHCM. Với Đà Lạt thì tranh đá quý vẫn là một mặt hàng hoàn toàn mới mẻ nên đang là thị trường nhiều triển vọng ở phía trước. Bởi theo người thợ trẻ Đàm Thị Anh, tranh ghép đá quý được làm hoàn toàn bằng thủ công; nguyên liệu đá quý từ thiên nhiên nên tranh có màu sắc gần như vĩnh cữu, không bị phai nhạt theo thời gian hoặc bị ảnh hưởng các yếu tố về khí hậu, môi trường. Tranh đá quý còn được bảo quản lâu bền khi định kỳ “bảo dưỡng” bằng nước xà phòng lau rửa bụi bặm khá đơn giản. Đây là những ưu thế khác biệt của tranh đá quý so với các dòng tranh khác trên thị trường nên có thể hy vọng về một cơ sở sản xuất tranh đá quý mới ra đời tại Đà Lạt theo nhu cầu chung. Để từ đó những lao động thủ công khéo tay ở Đà Lạt, nhất là phụ nữ được dịp tiếp cận việc làm và thu nhập mới nghề ghép đá quý lên tranh khá phù hợp này.
Văn Việt