Phán quyết trên của tòa đã gây nhiều tranh cãi. Ngay sau đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã ra quyết định kháng nghị bản án của TAND TP.HCM.
Phán quyết gây tranh cãi
Ngày 26/11/2015, TAND TP HCM xét xử bị cáo Weeler Lloyd Stephan (SN 1949, quốc tịch Mỹ) ra xét xử về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Weeler Lloyd Stephan (SN 1949, quốc tịch Mỹ) giáo viên trường dạy tiếng Anh, lấy vợ người Việt, có hai con và đã sinh sống ở Việt Nam lâu năm. Theo cáo trạng, khoảng 8h30 ngày 2/3/2014, Stenphan điều khiển xe máy chở vợ lưu thông trên đường D1 theo hướng từ đường Điện Biên Phủ về đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Khi đến trước số nhà 155 đường D1, giáo viên người Mỹ này đã điều khiển xe lách về phía bên trái và lấn qua phần đường của các phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại.
Do đó, phần bánh xe phía trước của Stenphan đã va chạm với một xe máy khác đi ngược chiều, do ông Lê Minh Phụng điều khiển. Tai nạn xảy ra làm cả hai ngã xuống đường. Hậu quả ông Phụng bị chấn thương cột sống, tủy sống cổ, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai tháng sau, nạn nhân chết, gia đình đã thông báo cơ quan cảnh sát điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Stenphan khai nhận hành vi phạm tội như trên. Tại bản kết luận giám định pháp y xác định: Nạn nhân Lê Minh Phụng chết do chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ, gây liệt tứ chi.
Hiện trường nơi xảy ra tai nạn là đường D1 được trải nhựa bằng khẳng, mặt đường rộng 8m, lưu thông 2 chiều, ở giữa có làn sơn trắng liên tục phân thành 2 chiều đường.
VKSND TP.HCM nhận định: Trong vụ tai nạn giao thông trên, lỗi hoàn toàn là do Stenphan điều khiển xe lưu thông không đúng phần đường, không có giấy phép lái xe là nguyên nhân chính xảy ra tai nạn. Nạn nhân không có lỗi.
Từ đó, VKSND TP HCM truy tố Weeler Lloyd Stephan về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 202 Bộ luật hình sự (có mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm).
TAND cấp sơ thẩm nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý giao thông đường bộ, trật tự an toàn công cộng, an toàn xã hội gây hậu quả một người chết nên cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Tuy nhiên, tòa cho rằng khi lượng hình cần xem xét cho bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cụ thể: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự là công dân Mỹ sinh sống và lập nghiệp tại Việt Nam là giáo viên trường Anh Ngữ. Sau khi gây tai nạn đã tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường toàn bộ viện phí, chi phí ma chay cho gia đình nạn nhân số tiền 108 triệu đồng.
Đồng thời gia đình nạn nhân có đơn xin bãi nại và yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị hại đã lớn tuổi và có tiểu sử bệnh đái tháo đường, viêm phổi cấp nên quá trình điều trị đã suy kiệt cơ thể dẫn đến tử vong do phát sinh nhiều bệnh. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định trong bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ và cho bị cáo được hưởng án treo.
HĐXX cho rằng, các lập luận của luật sư là có căn cứ. Tuy nhiên, do bị cáo là người nước ngoài nên không thể áp dụng cho hưởng án treo. Chỉ cần áp dụng hình phạt tiền cũng để tác dụng giáo dục cải tạo, đồng thời phù hợp với tính chất, mức độ và hậu qua do bị cáo gây ra.
Từ đó, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Weeler Lloyd Stephan phải nộp số tiền 50 triệu đồng.
Tòa vi phạm trong áp dụng hình phạt?
Tuy nhiên, ngay sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị bản án của TAND TP.HCM. Theo quan điểm của VKS, bị cáo Weeler Lloyd Stephan không có giấy phép lái xe, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm một người chết, lỗi hoàn toàn do bị cáo gây ra.
Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” áp dụng điểm a khoản 2 điều 202 là đúng người đúng tội. Tuy nhiên quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo là vi phạm điều 30 Bộ luật hình sự quy định “phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng TAND chỉ có thể áp dụng để xử phạt bị cáo dưới mức khung hình phạt luật định, quyết định hình phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, nhưng không được quyết định hình phạt tiền đối với bị cáo.
Do việc tòa sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng hình phạt được quy định tại BLHS đã dẫn đến án phạt bị cáo không nghiêm. Không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nhất là tình hình tội phạm giao thông đang gia tăng phức tạp. Từ đó, VKSND đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử lại vụ án.
Báo PL&TĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ án hi hữu này.
Điều 30 Bộ luật Hình sự: Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma tuý hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức phạt tiền được quyết định tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng.
4. Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Toà án quyết định trong bản án.
Theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, bị cáo Weeler Lloyd Stephan không có giấy phép lái xe, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm một người chết, lỗi hoàn toàn do bị cáo gây ra. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” áp dụng điểm a khoản 2 điều 202 là đúng người đúng tội.
Tuy nhiên, quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo là vi phạm điều 30 Bộ luật Hình sự quy định “phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng TAND chỉ có thể áp dụng để xử phạt bị cáo dưới mức khung hình phạt luật định, quyết định hình phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, nhưng không được quyết định hình phạt tiền đối với bị cáo.