Quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc luật sư (LS) mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên toà đã được giới LS đón nhận, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa đồng tình.
Luật sư bào chữa tại tòa khi chưa có quy định về trang phục. |
Tự làm khó mình?
Liên quan đến công văn 227, nhiều LS tại TP.HCM khi được hỏi cho biết, phải chăng Liên đoàn không tìm được một biện pháp nội bộ, tự quản để việc thực hiện chủ trương trên một cách hiệu quả hay sao mà phải nhờ đến toà “can thiệp”. Để rồi, Toà án Nhân dân Tối cao tiếp tục ban hành công văn số 116/TA-TKTH yêu cầu các hội đồng xét xử “lưu ý, nhắc nhở các luật sư mặc đúng trang phục” khi tham gia phiên tòa.
Về vấn đề trang phục, lãnh đạo của một Đoàn LS xin giấu tên bày rỏ sự không đồng tình, khi cho rằng việc quy định bắt buộc về đồng phục luật sư như vậy là chưa phù hợp với từng vùng, miền. Vị LS này dẫn chứng, “có những lúc LS phải “băng rừng, lội suối” để đến với phiên tòa mà phải mặc đồng phục như thế liệu có phù hợp, thậm chí khi có sự cố không may nào đó đối với “bộ đồ vía” thì lấy đâu ra bộ khác thay vào.
Đó là chưa nói đến việc Tòa cũng chưa thực hiện đồng phục trong khi xét xử thì làm sao có thể thực hiện yêu cầu của Liên đoàn về việc nhắc nhở LS phải mặc trang phục khi tham gia phiên tòa? Phải chăng Liên đoàn LS đã tự “trói” LS của mình?.
Còn nữa, tất cả các phòng xử án ở bất cứ nơi đâu cũng nóng nực, nếu không nói là tù túng, thiếu không gian, diện tích... đều rất không phù hợp cho trang phục quy định”. Chưa hết, vị LS này còn đặt vấn đề: “Tại sao giới LS Việt Nam chỉ phải sử dụng cà vạt với màu xám như thế, thay vì tùy sở thích của từng LS. Bởi cà vạt là “thứ” có thể dùng nhiều màu cho một người, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, chứ không nên quy định “cứng”. Liên đoàn chỉ nên duy trì chiếc phù hiệu vì nó rất phù hợp và mang lại hiệu quả hơn là quy định về trang phục LS khi tham gia phiên tòa”.
LS Nguyễn Bảo Trâm, Đoàn LS TP.HCM bày tỏ: Đã là Nghị quyết thì LS phải chấp hành thực hiện. Tuy nhiên, trang phục LS hiện chưa thể hiện được sắc thái riêng, đặc trưng của LS, trừ lô gô được in trên cà vạt và huy hiệu LS. Đối với kiểm sát viên, công an...nhìn vào là phân biệt được ngay, còn đối với trang phục LS thì có cái gì đó nhằm dung hòa giữa nam và nữ, chưa làm nổi bật được nét riêng của giới LS.
Còn mới đây, trong giờ nghị án tại phiên tòa phúc thẩm (hôm 20/3), khi được hỏi về trang phục, một LS Đoàn LS TP.HCM vừa chỉ vào trang phục mình đang mặc vừa nói: “Cứ như tôi đây (áo sơ mi trắng, cà vạt theo quy định Liên đoàn, quần đen) là đủ. Tôi ủng hộ chủ trương của Liên đoàn LS, nhưng không nên máy móc sẽ không phù hợp với thực tiễn, không nên bắt buộc phải mặc đầy đủ cả bộ (veston).
Linh hoạt trong thực tiễn
Đồng tình với quy định của Liên đoàn, LS Vũ Văn Tăng, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai - người đang trong trang phục LS tham dự phiên tòa phúc thẩm do TANDTC tại TP.HCM xét xử chia sẻ: “Tôi thấy tự hào khi mặc trang phục này, hiện thì chưa quen, nhưng một thời gian sau đó khi thấy ai mặc trang phục này thì người ta sẽ biết đó là LS của Liên đoàn.
Còn khi tham dự bào chữa, bảo vệ tại tòa, trang phục thể hiện sự tôn nghiêm ở chốn công đường”. LS Tăng cho rằng Liên đoàn nên thực hiện triệt để quy định này chứ không nên vì lý do thời tiết nóng nảy, phòng xét xử chật chội... để rồi không thực hiện. LS Tăng còn dẫn chứng, cảnh sát giao thông họ làm việc suốt ngày ở ngoài đường trong thời tiết khắc nghiệt mà người ta vẫn chịu được thì LS chịu khó một chút rồi sẽ quen.
LS Huỳnh Kim Minh Thi, Đoàn LS TP.HCM bộc bạch: “Tôi đồng tình ủng hộ trang phục cho LS, nó giúp cho hình ảnh luật sư được chuẩn hóa, tránh tình trạng trang phục lộn xộn. Nhưng trang phục hiện tại có phần “khô cứng”, nếu không nói quá “manly”, mỗi khi mặc vào thấy mình “xấu” đi.
Trong khi đó, LS nữ đôi khi cũng có nhu cầu “diện” một chút, ăn mặc đẹp cũng có khả năng làm không khí phiên tòa bớt phần khô khan, cứng nhắc. Ví dụ như chiếc cà vạt, từ màu sắc, chất liệu cho đến kích thước đều thô và to so với Luật sư nữ, mà đa số cổ áo sơ mi nữ đều không vừa, chúng tôi muốn thắt cà vạt đồng phục đều phải mua những loại sơ mi cổ cứng, to như nam.
Như vậy, nên chăng có những thiết kế phù hợp, linh hoạt hơn để vừa tôn lên vẻ nghiêm trang vừa khiến luật sự dễ chịu khi khoác vào. Cũng nên chăng có sự uyển chuyển trong thiết kế trang phục cho LS nam và nữ, chứ “phi giới tính” như hiện nay thì thiệt cho LS nữ quá”.
LS Phan Hồng Việt, Đoàn LS TP.HCM phấn khởi, “tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương trang phục của Liên đoàn, nó đã tạo ấn tượng tốt bới chiếc áo trắng và quần đen, âu đó cũng nói lên nghề LS không nhập nhằng “trắng ra trắng, đen ra đen”. Riêng chiếc cà vạt, từ trước tôi đã gắn bó với màu đỏ, nhưng kể từ khi có cà vạt của Liên đoàn tôi cũng chấp hành, nói chung không có vấn đề gì. Đặc biệt là lô gô trên cà vạt và huy hiệu của Liên đoàn là rất đáng khen”.
LS Việt kể câu chuyện vừa mới xảy ra ở Tòa án Nhân dân quận Tân Bình, TP.HCM: “Thấy trời khá oi bức, vị Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa nói, các LS có thể cởi bỏ chiếc áo veston của mình. Đây là một hành động rất tiến bộ nên nhân rộng. Chúng ta cũng nên học hỏi người Nhật Bản, cởi bớt áo khi thời tiết oi bức để tiết kiệm điện - LS Việt nói vui.
Chưa có cơ chế giám sát thực hiện
Riêng đối với Công văn số 277/LĐLSVN ngày 25/10/2011 của Liên đoàn LS Việt Nam gửi yêu cầu Toà án Nhân dân Tối cao “chỉ đạo Toà án Nhân dân các cấp nhắc nhở, giám sát các LS; chỉ chấp thuận các LS tham gia phiên toà khi LS có mang trang phục thống nhất theo quy định. Yêu cầu này của Liên đoàn LS Việt Nam” đã không nhận được sự đồng tình của giới LS. Không ít ý kiến cho rằng, Liên đoàn đã tự làm khó cho giới LS của mình. Hơn nữa, bản thân Liên đoàn không thể ra chế tài đối với LS hay sao mà phải nhờ đến tòa.
Theo ghi nhận của PLCN, hiện các ở tất cả các Đoàn LS, có LS thực hiện, có LS chưa thực hiện. Bởi Liên đoàn cũng chưa có chế tài nào đối với những LS không thực hiện. Đó là chưa nói việc giám sát thực hiện sẽ như thế nào. Do đó đến nay có LS thực hiện, có LS không...
Trần Phong