“Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây” nổi tiếng một thời vẫn luôn hiện hữu trong hoài niệm của người Tày vùng Lăng Can, Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang). Vì thế, sau một thời gian dài nhiều năm tìm loại cây cho giá trị kinh tế cao, cây bông đã được đưa trở lại với những kỹ thuật mới và tiến bộ khoa học, nhằm đạt hiệu quả kinh tế đồng thời góp phần gìn giữ một nét văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây.
Bà Quan Thị Ngân vẫn đau đáu việc truyền cho con cháu giữ gìn một nét truyền thống văn hóa của dân tộc Tày Lâm Bình. |
Giữ một nét văn hóa
Bên bếp lửa nhà sàn, bà Quan Thị Ngân, dân tộc Tày ở thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm, kể cho chúng tôi nghe, con gái Tày nơi đây lớn lên cùng với việc trồng bông dệt vải.
“Người dân tộc Tày nơi đây có tục là con gái về nhà chồng đem theo mười mấy tấm chăn, mảnh vải. Người dân nơi đây quan niệm, con gái biết trồng bông dệt vải mới là người siêng năng, đảm đang, biết lo toan gia đình. Vì thế, con gái vùng này nổi tiếng xinh đẹp, nhưng con trai nơi đây còn “kén” cô nào phải biết làm vải mới lấy”, bà Ngân cười. “Mà hồi đó không làm không được vì không có đồ mua sẵn. Muốn có áo đẹp mặc đi hội, phải chăm chỉ làm vải thôi”.
Vì thế, ngày trước, trong nhà nào cũng có khung cửi. Nhưng để dệt được một mặt chăn không chỉ mất 2 ngày ngồi miệt mài bên khung dệt, mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn mất một thời gian dài, kéo dài cả năm, từ đốt dọn nương, trồng bông, nhặt bông nở, đem phơi, xoắn, cán, bật, xe sợi, làm cuộn, hồ sợi, quay thành búp... Màu nhuộm lấy từ lá chàm, quy trình nhuộm cũng công phu với 3 lần nhuộm và 3 lần hãm, sau đó phơi gió chỗ râm...
Để tấm thổ cẩm mịn thì sợi phải đẹp, tức là phải nhỏ và đều sợi. Tấm chăn thổ cẩm tốt dùng nhiều năm không bị rũ xuống mặt. Bên cạnh chất liệu, hoa văn thổ cẩm làm nên sự quyến rũ đặc biệt của thổ cẩm nơi đây. Không có nguyên tắc về hoa văn của thổ cẩm người Tày ở Lăng Can, Thượng Lâm. Mỗi tấm mỗi khác, là do người dệt nghĩ ra, xấu đẹp phụ thuộc vào sáng tạo mỗi người.
“Nhìn hoa văn biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn cô có nghĩ tới ai không, mơ về chuyện gì không”, bà Ngân chia sẻ. Đó chính là điều làm nên sự quyến rũ của những đường hoa văn thổ cẩm nơi đây, hút hồn nhiều khách và gợi nhớ thương trong lòng những người con xa xứ.
Giờ, sau nhiều thay đổi, nương bông không còn nhiều, người Tày phải mua len về dệt, nhưng tấm thổ cẩm nhiều màu sắc vẫn không thể “vừa lòng” vì dường như thiếu đi hồn đất. Nghề trồng bông vải, dệt thổ cẩm - một nét văn hóa đặc sắc của Lâm Bình - qua thời gian đang mai một dần.
Để đưa cây bông trở lại với mảnh đất Lâm Bình, tạo động lực và tiền đề cho việc khôi phục các làng nghề dệt truyền thống, là câu chuyện làm đau đáu nhiều người…
Hồi sinh cây bông
Dự án cây bông lai đã được triển khai tại huyện Lâm Bình từ 4/2012 đến nay một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo huyện Lâm Bình trong việc đưa cây bông trở lại với mảnh đất này. Theo chủ trương của Hội Nông dân huyện việc trồng, thu hoạch bông và bao tiêu bông của bà con sẽ được Hội phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Bông miền Bắc.
Phần lớn diện tích trồng bông của huyện Lâm Bình tập trung chủ yếu tại xã Lăng Can. Toàn xã hiện nay có 8/12 thôn với trên 60 hộ tham gia trồng bông, tổng diện tích lên đến 18 ha, cho thu hoạch xấp xỉ 50 tấn bông. Cây bông lai khác cây bông địa phương ở chỗ thân cây cao và cho nhiều quả bông hơn, mỗi cây bông lai cho từ 30-70 quả bông trong lần nở chính vụ, năng suất từ 2 – 3 tấn bông/ ha, cao hơn hẳn so với cây bông trước kia.
Theo anh Nguyễn Đức Ánh, chủ tịch Hội nông dân xã Lăng Can thì bông nguyên liệu ở xã có chất lượng bông tốt và được đánh giá là cao hơn so với các vùng trồng bông trong cả nước, với giá thu mua bông hiện nay tại xã giao động từ 12.000 – 15.000 ngàn đồng/ kg thì cây bông lai hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, lúa. Trồng cây bông đặc biệt là giống bông lai mới có nhiều ưu điểm, cây bông sau khi trồng chỉ từ 10 – 12 tuần là cho thu hoạch, ngoài lứa bông nở chính vụ cây bông vẫn cho hái bông nở sau đó.
Trồng cây bông rất có lợi cho đất, sau khi tạo quả, bông nở và cho thu hoạch thì lá bông rơi xuống đất phân hủy làm cho đất rất tơi xốp, người trồng bông vẫn có thể sử dụng diện tích đất để gối vụ với các loại cây ngắn ngày cho năng suất như: dưa, rau cải, bí…
Gia đình chị Nguyễn Thị Dương thôn Nà Mèn ( xã Lăng Can, Lâm Bình ) trồng 2 sào bông, thu hoạch trên 3 tạ bông nguyên liệu, chu thu nhập cả chục triệu đồng. Chị Dương chia sẻ: Với kỹ thuật chăm sóc như hiện nay, gia đình chị không tốn nhiều công sức chăm sóc cho cây bông, bên cạnh cây bông nhà chị vẫn đảm bảo canh tác các lúa và ngô để có đủ lương thực.
Năm nay, Dự án trồng cây bông lai năm thứ 2 trên địa bàn huyện. Theo đó phấn đấu năm 2013 trồng mới hơn 40 ha bông lai, tập trung chủ yếu ở các xã: Lăng Can hơn 20 ha, Xuân Lập 10 ha, Phúc Yên 10 ha.
Trên thực tế, việc triển khai dự án bông ở Lâm Bình cũng đạt ra nhiều vấn đề mà huyện cần quan tâm, trong đó việc hỗ trợ người nông dân về vốn và giống cây chất lượng cao, mở các lớp tập huấn giúp bà con nâng cao hơn nữa kĩ thuật trồng và thu hoạch. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đất trồng bông cũng cần được tiến hành quy củ, tránh tình trạng bà con mở rộng diện tích trồng bông làm ảnh hưởng tới bảo đảm an toàn lương thực trên địa bàn.
Qua hai năm triển khai dự án đạt kết quả, Hội Nông dân huyện dự kiến phối hợp triển khai mở rộng diện tích trồng bông trên toàn huyện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng hiệu quả kinh tế của cây bông ở huyện vùng cao này, đồng thời có tiền đề gìn giữ nghề dệt truyền thống của người dân tộc Tày nơi đây.
Thái Dương – Mai Hoa