Ít ai biết cách đây 40 năm, chiếc máy liên lạc kiểu “điện thoại di động” đầu tiên đã được một người Việt Nam sáng chế trong một xóm nghèo tỉnh Trà Vinh. Kỳ dị hơn nữa, cha đẻ của phát minh “đi trước thời đại” này lại là một người tật nguyền. Đó là ông Lê Văn Hiếp (còn có tên là Út Hiếp, SN 1953, ngụ ấp Cà Tum A, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).
Số phận hẩm hiu
Từ trung tâm chợ Vĩnh Kim, Út Hiếp nổi tiếng đến mức hỏi tên ai cũng biết, dù nhà ông cách chợ gần 10km. Băng qua con đường đá đổ nát và những cây cầu mục rệu, tôi mới tìm đến được ngôi nhà tình thương của ông Út, cất nhờ trên đất đình ấp Cà Tum A. Ngôi nhà khá chất hẹp nhưng đầy ấp những linh kiện điện tử đã hỏng. Mùi cháy khét của chì, nhựa nồng nặc sộc vào mũi.
Út Hiệp là một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, thân hình nhỏ nhắn, chân tay co rút và áo quần cũ nát. Dưới sức nóng giữa ban trưa, những giọt mồ hôi lăn ướt đẫm cả người ông Út. Vậy mà ông không thèm bật quạt máy để xua đi cái nóng oi ả. Ông cười: “Làm riết rồi cũng quen, nóng mấy tôi cũng chịu được, chứ mở quạt thì không thể hàn được”. Nói rồi, ông dùng răng cắn vào miệng ca nước, ngước cổ lên và tuôn vào ừng ực cho đã cơn khát trước con mắt kinh ngạc của khách.
58 năm trước, ông Út chào đời trong sự ngỡ ngàng và đau xót của cha mẹ. Gia đình ông có 10 anh chị em, nhưng không có ai bị dị tật như ông. Tuổi thơ ông là cả những chuỗi ngày buồn bã. Nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa được vui chơi, chạy nhảy, nhiều lần ông đã quay lưng đi lén khóc để cha mẹ không phải buồn lòng. Mãi đến năm 9 tuổi, ông mới có thể đi được vài bước khó khăn. Đôi chân co quắp không thể trụ vững trên nền đất đã khiến ông ngã quỵ không biết bao nhiêu lần. Thế nhưng với nghị lực của mình, sau nửa năm tập luyện, ông đã có thể nhúc nhắc đi lại.Nghĩ rằng con mình bị tật nguyền, không thể học hành bằng bạn bằng bè nên cha mẹ ông chưa bao giờ có ý định cho ông đến trường.
Nhưng ông đã thuyết phục cha mẹ suốt cả tháng trời để đồng ý. Thương đứa em hiếu học, anh chị của ông cũng thay phiên nhau cõng ông đến trường mỗi ngày. Không phụ lòng cha mẹ, anh chị, ông Út rất siêng học, không nghỉ đến lớp dù chỉ một ngày và năm nào cũng đạt thành tích rất cao. Học đến năm lớp 7, ông Út đành phải ngậm ngùi rời ghế nhà trường vì nhà nghèo, không tiền đóng học. Từ đó, ông suốt ngày ở nhà và chơi những trò do mình tự sáng tạo.
Phát minh đáng giá
Cơ duyên đến với nghề từ một hôm ở nhà không có việc gì làm, cậu bé tò mò lấy máy radio trong nhà tháo tung ra xem rồi ráp lại. “Lợn lành hóa lợn què”, cái máy bỗng dưng im re, không phát ra tiếng nữa. Cha ông giận quá và la một trận ra trò. Càng buồn ông càng quyết tâm phải làm cái máy hoạt động trở lại cho bằng được. Nhân lúc mọi người đi vắng, ông lấy máy radio ra rồi bắt đầu chỉnh sửa. Sau cả buổi hì hục, mày mò, cái máy bỗng phát tiếng trở lại trong niềm hớn hở, thích thú của cậu bé. Từ đó ông bắt đầu đam mê những gì liên quan đến điện tử.
Năm lên 17 tuổi, người anh học từ trường Vô tuyến điện Sài Gòn về nhà mang theo rất nhiều tài liệu bộ môn, ông mừng như bắt được vàng. Ông xin hết tài liệu mang về tự nghiên cứu. Ngoài thời gian ăn ngủ, thời gian còn lại ông dành toàn bộ cho việc đọc sách. Những từ chuyên môn có tiếng Anh, ông nhờ bạn dịch cho mình hiểu, sau đó ông mua hẳn một cuốn từ điển về tự mày mò.
Nhưng khó khăn hơn cả là việc thực hành. Để quá trình sửa chữa được dễ dàng, ông lấy một chân đè lên vật cần sửa giữ thăng bằng, chân còn lại co quắp lại nắm giữ kềm, vít rồi vặn những con ốc nhỏ xíu ra vào. Sau đó, ông dùng miệng ngậm lấy mỏ hàn, chấm chì và đưa vào chỗ cần hàn. Thời gian đầu, do chưa thuần thục, người ông bị rất nhiều vết bỏng do mỏ hàn vô tình chạm vào. Nhưng về sau, miệng ông đưa đến đâu là mỏ hàn chấm chính xác đến đó.
Nhờ sáng dạ và toàn tâm toàn ý, trong thời gian ngắn, ông bắt đầu ra nghề. Ban đầu, ông chỉ sửa giúp cho bà con trong xóm những món đồ đơn giản. Dần dần lên tay nghề, ông bắt đầu sửa những mặt hàng điện tử cao cấp hơn.
Với vốn kiến thức của mình cùng thời gian nghiên cứu điện tử, năm 18 tuổi ông đã phát minh ra được chiếc điện thoại di động dựa trên cơ chế sóng hạ tầng (phát tiếng nói) và cao tầng (nhận sóng) của chiếc máy radio. Chiếc máy hoạt động cực tốt, dù mức độ sóng phủ còn rất thấp nên điện thoại của ông chỉ có thể liên lạc trong phạm vi 500 mét.
Cũng vì phát minh này, ông Út trở thành một trong những nhân vật đặc biệt, nằm trong phạm vi quan tâm gắt gao của chế độ Mĩ – Ngụy vì chúng sợ phát minh này sẽ giúp ích cho bộ đội ta trong việc truyền báo tin tức. Chúng lục soát, tra hỏi gắt gao và cấm ông không được sử dụng và tạo ra thêm bất kì cái điện thoại nào nữa.
Bị theo dõi, cấm đoán nhưng giặc không thể làm vơi đi niềm đam mê sáng tạo của mình. Để bà con trong xóm bắt chim cuốc được dễ dàng hơn, ông đã tìm tòi ra cách làm thay đổi tần số âm thanh của radio để mỗi khi bật nút, máy sẽ phát ra âm thanh y như tiếng chim cuốc kêu. Đây cũng là phát minh chưa từng có tại Việt Nam, giúp nông dân miền Tây thuận lợi hơn trong việc săn bắt.
Lo âu tuổi già
Với tính tình hiền lành, lại giỏi giang, biết phấn đấu, vươn lên số phận, ông Út khiến không ít cô gái phải thầm mến mộ. Nhưng mặc cảm với bản thân, sợ người khác không thật lòng với mình nên chưa bao giờ ông dám mở lòng với một ai. Đến khi gặp bà Nguyễn Thị Đèo (SN 1954, ngụ tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), cảm nhận được những tình cảm chân phương, mộc mạc của bà dành cho mình, ông mới mạnh dạn ngỏ lời kết tóc se duyên.
26 năm chung sống với bà Đèo là 26 năm đầy hạnh phúc đối với ông Út. Bà rất thương ông, chia sẻ với ông tất cả niềm vui nỗi buồn, động viên ông trong những lúc khó khăn, trở ngại. Thế nhưng, tiếc là trong ngôi nhà này chưa từng được nghe tiếng khóc trẻ thơ để hạnh phúc thêm trọn vẹn. Ông Út lắng lòng chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất mong có được đứa con để an ủi tuổi già, nhưng rồi chờ đợi hoài cũng không thấy. Đôi lúc thấy buồn lắm, nhưng nghĩ theo hướng khác cũng là một cái may, sợ con sinh ra bị dị tật giống mình thì tôi còn day dứt hơn”.
Sau khi tổ chức lễ cưới, năm 1985, vợ chồng ông quyết định ra chợ Vĩnh Kim thuê một mảnh đất nhỏ, mở chòi cất tiệm sửa chữa điện tử. Phần vì tay nghề giỏi giang của ông Út, phần vì người dân hiếu kì, muốn xem ông thợ có tật có tài này sẽ cầm nắm đồ nghề và sửa chữa như thế nào nên mọi người cứ kéo nhau đưa những máy móc đã hỏng đến cho ông. Từ hiếu kì đến cảm phục, nhiều người đã đưa con mình đến gặp ông Út xin truyền nghề, đến nỗi có thời gian ông dạy cả 7 học trò cùng một lúc.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, nghề sửa điện tử của ông Út dần dần bị mai một. Đồ điện tử bây giờ được bảo hành đến 3 năm, mẫu mã mới tung ra liên tục, giá thành lại rẻ nên những người khá giả thường chuộng lấy máy cũ đổi máy mới hơn. Vì thế, khách hàng của ông ngày một ít đi. Thu nhập không đủ trả tiền mặt bằng, cộng với tiền chi phí đi lại do ông Út phải đi xe honda ôm mỗi ngày từ nhà ra chỗ làm nên ông quyết định dọn hẳn về nhà làm việc.
Từ ngày về đây, chỉ có những khách mối mới chịu khó lặn lội vào đưa đồ cho ông Út sửa. Lâu lâu mới có người đặt ông lắp ráp ampli, kiếm được vài chục ngàn tiền lời. Những tưởng khó khăn sẽ dừng lại tại đây và buông tha cho người đàn ông nghị lực này nhưng không, sau mấy chục năm ngồi nhiều hơn đi, giờ đây căn bệnh trĩ ở mức độ nặng nhất đang từng ngày hành hạ ông Út. Khổ cực lại chồng lên khổ cực.
Tôi hỏi: “Ước mơ lớn nhất của ông bây giờ là gì?” Ông Út nghẹn ngào tâm sự: “Tôi ước có một số vốn, ra chợ mua một miếng đất nhỏ sinh sống và tiếp tục mở tiệm sửa điện tử, sau đó dành dụm một số tiền đi chữa bệnh và lo cho vợ tôi sau này”.
Hiển Long