Tình trạng này kéo dài từ nhiều năm nhưng các sở ngành hữu quan đến nay vẫn còn lúng túng và chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, làm ảnh hoạt động đầu tư, gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp và việc dùng nước sạch của người dân trên địa bàn.
Các sở ngành còn lúng túng
Như PLVN đã thông tin, phản ánh về những sai phạm, bất cập xung quanh Nhà máy cung ứng nước sạch xã Tam Kỳ (huyện Kim Thành, Hải Dương) do ông Nguyễn Văn Hồi làm chủ đầu tư, không có trong quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước sạch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt nhưng vẫn được UBND huyện Kim Thành “tạo điều kiện, ưu ái”, “cho phép” hoạt động nhiều năm.
Mới đây, tại buổi làm việc với Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết:
Năm 2012, huyện Kim Thành chấp thuận cho hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Hồi làm nhà máy cấp nước sạch cho xã Tam Kỳ và xã Đại Đức. Tại thời điểm đó, việc phê duyệt là đúng quy định và nhà máy của ông Hồi ra đời trước Quy hoạch cấp nước được tỉnh Hải Dương phê duyệt năm 2014.
Ngoài ra, do nguồn nước của các nhà máy lấy từ sông nội đồng không đảm bảo về chất lượng nên thông qua quy hoạch tỉnh cũng đưa ra chủ trương: các nhà máy lấy nước sông nội đồng phải chuyển ra các sông có chất lượng nước đảm bảo hoặc là phải làm theo đúng quy hoạch mà tỉnh phê duyệt.
Theo ông Đoàn, trường hợp Nhà máy cấp nước sạch xã Tam Kỳ, dù không có trong quy hoạch nhưng do ra đời trước, tự đầu tư kinh phí, khi đứng trước quy hoạch, chủ trương của tỉnh, ông Hồi đã đề xuất với huyện được chuyển đổi sang nguồn nước đảm bảo hơn. Quá trình huyện làm thì phát hiện thủ tục chưa báo cáo với các sở ngành của tỉnh nên đề nghị của ông Hồi chưa được thực hiện. Bởi từ năm 2017, huyện không còn đủ thẩm quyền phê duyệt và hiện ông Hồi đang làm thủ tục để xin ý kiến của tỉnh.
Trạm cung ứng nước sạch xã Tam Kỳ |
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra để chuyển sang nguồn nước đảm bảo hơn đó là việc cần phải khuyến khích. Quy hoạch chỉ là chủ trương, định hướng của tỉnh để phát triển còn quyền lợi của người dân là tối cao, việc mua nước của ai là quyền của người dân, không ép được.
Ông Đoàn cho biết, liên quan đến những phản ánh, kiến nghị về Nhà máy cấp nước sạch xã Tam Kỳ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp liên ngành với một số sở, ngành, đơn vị liên quan cùng xem xét, thống nhất đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng nước của nhà máy nước Tam Kỳ là tốt nhất, người dân không phản ánh gì và ở hội nghị này, các sở ngành đều đồng thuận ủng hộ rất cao. “Dự án của ông Hồi có từ năm 2012 nhưng là hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp là do UBND huyện Kim Thành kiểm tra, xem xét, hướng dẫn. Nếu còn thiếu sót, phải hoàn thiện hồ sơ sớm.
Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp”, ông Đoàn nói.
Theo tìm hiểu, nội dung Biên bản hội nghị ngày 15/11/2018 cho thấy: hiện nay trên địa bàn huyện Kim Thành đang diễn ra sự chồng chéo, tranh chấp địa bàn cấp nước của một số doanh nghiệp cũng như có nhiều ý kiến trái chiều về việc phân bổ địa bàn, chất lượng nước của các nhà máy cấp nước.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hồi, chủ Nhà máy cấp nước sạch Tam Kỳ cho biết, công ty đang hoạt động bình thường, hiện đang làm thủ tục chuyển đổi nguồn nước và có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cấp nước khu vực phía Nam huyện Kim Thành; Đại diện UBND huyện Kim Thành đề nghị bổ sung Nhà máy cấp nước Tam Kỳ vào quy hoạch và giữ nguyên hiện trạng vùng tranh chấp giữa các nhà máy; Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng chuyển đổi nguồn nước là phù hợp nhưng yêu cầu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và các doanh nghiệp cần thỏa hiệp với nhau; Sở Nông nghiệp và nông thôn chưa xem xét bổ sung quy hoạch với doanh nghiệp cấp nước Tam Kỳ, huyện cần có cuộc họp với các doanh nghiệp về vùng phục vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư ý kiến tỉnh đã có quy định và việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch là cần thiết; còn một số doanh nghiệp kinh doanh nước sạch khác đề nghị cần thực hiện đúng quy hoạch đã phê duyệt và nên xem xét trình tự thủ tục đối với dự án của ông Hồi…
Nói cách khác, tại hội nghị, các sở ngành, đơn vị liên quan hiện mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin, ý kiến và chưa có hướng giải quyết vụ việc cụ thể, dứt điểm.
Hệ lụy của việc “dẫm” lên quy hoạch
Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựngtỉnh Hải Dương khi cho rằng, quy hoạch chỉ là chủ trương, định hướng phát triển còn việc mua nước của ai là quyền của người dân nhưng trên thực tế hiện nay ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn ra tình trạng chồng chéo, tranh chấp vùng cấp nước và người dân thực sự là “không có quyền quyết định” việc mua nước sạch của mình. Điển hình là tình trạng tại xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).
Công văn của xã Nguyên Giáp gửi Công ty TNHH Tai Sieh |
Theo tìm hiểu, từ năm 2009, Trạm cấp nước Hà Thanh (nay do Công ty TNHH MTV nước sạch Hưng Đạo tiếp quản) cấp nước sạch cho các hộ dân ở ba thôn: An Thổ, An Quý, thị tứ Quý Cao (xã Nguyên Giáp). Năm 2011, Nhà máy nước sạch Nguyên Giáp được xây dựng tại xã Nguyên Giáp và được Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương tiếp quản ngay. Từ đây đã nảy sinh tranh chấp trong việc phân vùng cấp nước giữa hai nhà máy cấp nước.
Bởi căn cứ theo quy hoạch tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 24/10/2014, khu vực xã Nguyên Giáp do Nhà máy nước sạch Nguyên Giáp cấp nước. Nhưng do không được quy hoạch cấp nước cho xã, dù đã hoạt động, cung cấp nước ổn định cho người dân từ trước, Nhà máy nước Hà Thanh vẫn phải “nhường” thôn An Quý, thị tứ Quý Cao cho Nhà máy nước sạch Nguyên Giáp. Riêng thôn An Thổ, người dân vẫn một mực dùng nước của Nhà máy nước Hà Thanh từ đó đến nay.
Tiếp đó, vào ngày 27/9/2017, Công ty TNHH Tai Sieh (thuộc Cụm công nghiệp Nguyên Giáp) đã ký một hợp đồng thỏa thuận mua bán nước sạch với Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương nhưng đến ngày 30/11/2018, Công ty TNHH Tai Sieh lại quyết định lựa chọn Công ty TNHH MTV nước sạch Hưng Đạo để ký hợp đồng mua nước sạch sinh hoạt.
Trước sự việc này, ngay ngày 30/11/2018, UBND xã Nguyên Giáp đã có công văn số 174/CV-UBND gửi Công ty TNHH Tai Sieh với nội dung: Theo quy hoạch, Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương là đơn vị được UBND tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ cấp nước trên địa bàn xã Nguyên Giáp, đã ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước với xã, được cấp phép khai thác sử dụng nước mặt và đã ký hợp đồng thỏa thuận mua bán nước sạch với Công ty TNHH Tai Sieh. Còn Công ty TNHH MTV nước sạch Hưng Đạo không được ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước với UBND xã Nguyên Giáp, tự ý lắp đặt tuyến ống D90 dưới mương nước không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt …
Để tránh tình trạng tranh chấp tại địa phương, thực hiện nghiêm quy hoạch, ý kiến chỉ đạo của tỉnh, đề nghị Công ty TNHH Tai Sieh triển khai thanh lý Hợp đồng mua bán nước với Công ty TNHH MTV nước sạch Hưng Đạo và tiến hành thực hiện nội dung của hợp đồng đã ký với Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương.
Trạm cấp nước thô của nhà máy nước sạch Nguyên Giáp |
Từ vụ việc này đối chiếu với ý kiến của Giám đốc Sở xây dựng Hải Dương rõ ràng “quyền” của người dân ở đây đã “không có tác dụng”. Việc cấp nước, phân vùng đều phải thực hiện nghiêm, chính xác theo quy hoạch mà tỉnh phê duyệt, không được quy hoạch là không được cấp nước…
Theo Điều 11 Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: Quy hoạch cấp nước được lập, phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cấp nước phải tuân theo quy hoạch cấp nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Vậy những bất cập, lùm xùm xung quanh Nhà máy cấp nước sạch Tam Kỳ rồi sẽ được giải quyết ra sao? PLVN tiếp tục thông tin.