Với giọng hát mượt và ấm, anh đã truyền tình yêu dân ca vào những cô, cậu học trò nhỏ ở huyện Hòa Vang trong những ngày hè đứng lớp.
Được biết đến như một ca sĩ hát dân ca, Thanh Châu đã gặt hái một số thành công nhất định trên con đường ca hát của mình. Giải thưởng đầu tiên anh đạt được là Huy chương bạc trong chương trình “Vươn tới ước mơ xanh” do Trung ương Đoàn tổ chức tại Nha Trang năm 2005. Giải thưởng gần đây nhất là giải B trong cuộc thi “Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc” năm 2009. Với một người được đào tạo bài bản, thì việc gặt hái giải thưởng trong những cuộc thi là điều bình thường. Nhưng một ca sĩ “cây nhà lá vườn” như Thanh Châu, thì đó quả là điều đáng tự hào.
Ngày trước, khi dòng nhạc thị trường còn chưa lan tràn đến thôn xóm, thì ở Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) quê anh, mọi người xem dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu. Chỉ cần có chất giọng, các nam thanh, nữ tú lại “được” người lớn trong làng giao trách nhiệm phụ trách các tiết mục văn nghệ mỗi dịp lễ, Tết. Thanh Châu được biết đến như sự “phát hiện” của làng. Lúc ấy, chẳng ai gọi anh là ca sĩ, dù mỗi khi xã, huyện có chương trình ca nhạc, anh đều được gọi đi hát. Và đến bây giờ, cũng ít người biết đến Thanh Châu như biết đến một ca sĩ chuyên hát nhạc dân ca ở mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng.
Người ta biết đến anh là cán bộ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, là thành viên trong Đội Thông tin lưu động huyện, là thầy giáo của những cô, cậu học trò thích hát và tìm hiểu về dân ca. Những bài dân ca như Vọng kim lang, Dâng tướng quân, Lía mo xảo, Lý vọng phu, Lý hò hê, Hò giã vôi, Du xuân, Vè Quảng, Hò Quảng, Xuân nữ, Cổ bản… được anh say sưa truyền đạt cho các em.
Những câu hát dân ca được xướng lên giữa ngày hè đã thu hút nhiều em học sinh tìm đến. Em Nguyễn Văn Hưng, học sinh lớp 6/5, Trường THCS Phạm Văn Đồng-Hòa Vang cho biết: Chỉ sau vài buổi học, em đã cơ bản hát được dân ca, điều mà trước đây em không nghĩ là mình sẽ làm được.
Một năm có khoảng 40 vở kịch dân ca được ca sĩ Thanh Châu cùng các đồng nghiệp của mình biểu diễn phục vụ bà con thuộc các xã ở huyện Hòa Vang. Với anh, được hát và truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đi sau là một niềm vui. Dù rằng, sau mỗi đêm diễn, tiền thù lao cho anh em ca sĩ không nhiều, đôi khi chỉ đủ tiền để đổ xăng trong những lần đi tập, đi hát. “Làm cán bộ văn hóa ở một huyện còn nghèo như Hòa Vang, cộng với việc đi hát phục vụ bà con nhưng vẫn không đủ thu nhập để lo cho gia đình. Để vẫn theo đuổi được nghiệp ca hát và không bỏ nghề, tôi phải kiêm thêm nghề MC đám cưới vào dịp cuối tuần. Đó cũng là một cách để mình có thể đưa vài câu dân ca đến với người dân trong ngày vui của họ”.
Anh kể rằng, thấy con trai mình cũng có sở thích hát dân ca giống bố, anh cho con đi học đàn, học hát từ nhỏ. Từ Hòa Vang, anh không ngại chở con mỗi tuần vài buổi đến nhà cô giáo ở trung tâm thành phố. Đường xa, nên anh thường ở lại để đón con về. Khi con mình đang được cô giáo chỉ dạy về làn điệu dân ca, thì anh cũng để ý và tiếp thu theo và không ngần ngại hỏi cô giáo của con mình. Thế mới biết, do không được theo học một khóa bài bản nào, nên để hiểu sâu về dân ca, là cả một quá trình tự học của anh.
Khi dòng nhạc thị trường đang chiếm lĩnh, thì làn điệu dân ca giống như mảnh đất cằn bởi có khá ít người còn niềm đam mê với nó. Thế nhưng, Thanh Châu đã được nhiều người dân xem là “trái ngọt” trên mảnh đất khô cằn ấy. Cũng vì, anh đã tự đi trên con đường ca hát bằng năng khiếu bẩm sinh, bằng chất giọng, sự kiên trì và tình yêu vào những làn điệu dân ca mộc mạc.
Huỳnh Lê