Một bộ phận không nhỏ những thanh thiếu niên đi xe đẹp, tiêu tiền triệu, mặc đồ hiệu ngày nay là “sản phẩm” của những ông bố bà mẹ yêu thương con bằng vật chất, họ cung cấp đầy đủ những gì con cái yêu cầu mà không nghĩ đến việc liệu yêu cầu đó có hợp lý và phù hợp với độ tuổi của con họ hay không.
hình minh họa |
Nhắm mắt đáp ứng yêu cầu của con
Lấy chồng hơn mười năm, bà Huyền (ở phố Thuốc Bắc, HN) mới có diễm phúc được làm mẹ. Vui mừng và sung sướng, bà chăm sóc chiều chuộng cậu quý tử từng ly từng tý. Ngay từ lúc còn ở trong nôi, Hưng đã đeo trên người không biết bao nhiêu vàng bạc, lễ tết cầm không biết bao nhiêu là tiền mừng tuổi. Lớn lên chút nữa bà Huyên cho Hưng đi học, kèm theo đó là các khoản hậu đãi cô giáo "để mắt" đến con bà, cùng với khoản tiền quà sáng cho cậu con cứ lớn dần theo thời gian.
Mới 13 tuổi, Hưng đã biết tiêu tiền triệu, kèm theo việc bạn bè rủ rê, dù mới học lớp mười nhưng Hưng đã biết thế nào là dạt “vòm” và cắm xe, cắm điện thoại - những thứ đắt tiền mẹ mua cho để lên sàn cùng những cuộc vui thâu đêm. Cậu quý tử cũng chẳng sợ bị lưu ban vì biết chắc các cô sẽ bỏ qua cho mình với số tiền không nhỏ mẹ cậu đã "ngoại giao".
Sau mỗi lần như thế, bà Huyền không mắng cũng chẳng chửi con vì "sợ nó lại đi tiếp". Vì thế bà thường cưng nịnh và có khi còn… chiều Hưng hơn, cho tiền nhiều hơn. Khiến càng ngày Hưng càng quậy, cho đến một ngày bà Huyền ngã ngửa với tin sét đánh ngang tai: Hưng bị công an bắt vì tham gia đua xe và đánh người gây thương tích…
Trường hợp của nhà bà Hiền chỉ là một trong rất nhiều các ông bố bà mẹ hiện nay đang có kiểu dùng tiền để dỗ ngọt con cái, thậm chí ngay cả chuyện học hành của con cái họ cũng giải quyết bằng tiền thay cho việc nhắc nhở dạy dỗ con phải tự cố gắng bằng chính bản thân. Để rồi cũng từ đó, con cái sinh ra tính ỷ lại, "cậy" đã có bố mẹ, họ mất dần sự cố gắng và tính độc lập, buông xuôi chuyện rèn luyện học hành.
Một bộ phận không nhỏ những thanh thiếu niên đi xe đẹp, tiêu tiền triệu, mặc đồ hiệu ngày nay là “sản phẩm” của những ông bố bà mẹ yêu thương con bằng vật chất, họ cung cấp đầy đủ những gì con cái yêu cầu mà không nghĩ đến việc liệu yêu cầu đó có hợp lý và phù hợp với độ tuổi của con họ hay không.
Dù rằng cũng có những phụ huynh phản đối nhưng chỉ với vài chiêu – mà nhẹ là nhịn ăn, bỏ học, nặng là bỏ nhà đi của con cái – họ lại phải xiêu lòng chiều theo.
Cần dạy cho con biết cuộc đời có giá
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều người biết quý trọng những gì mình đang có do nhận được sự quan tâm, nghiêm khắc dạy dỗ của bố mẹ từ bé. Đấy là cách vợ chồng ông Khanh - bà Quy (ở Hà Nam) áp dụng để nuôi dạy bốn người con của mình. Ông Khanh là thương binh, vợ làm ruộng, cả hai rời quê hương đến đất khách xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng.
Cũng vì thế họ muốn con cái hiểu rằng không tự nhiên mà chúng được sống đầy đủ, muốn gì có nấy như thế mà tất cả đều có giá. Thương con, yêu con nhưng như thế không có nghĩa là con cái muốn làm gì thì làm.
Dù bận bịu làm ăn nhưng ông bà không quên nhắc nhở con cái học hành, ngày ngày kể cho các con nghe về tuổi thơ thiệt thòi không được học hành cẩn thận, về chuyện ngày xưa họ phải đi bộ đi học xa mười cây, phải thắp đèn dầu để đọc sách… họ rèn các con từ lời ăn tiếng nói đến cách đối nhân xử thế. Ông Khanh luôn dạy các con "đừng sợ thiệt thòi" để luôn luôn giang tay giúp đỡ những người khốn khó.
Và còn nhiều điều nữa trong cuộc sống, ông bà đều dùng tình thương và sự nghiêm khắc của mình để răn dạy các con. Bốn người con của ông bà Khanh nhờ sự dạy dỗ đúng mực đó đều là lớn lên, trở thành những người tốt, thành đạt trong xã hội.
Trên đây là hai trong số vô vàn kiểu dạy con của các bậc phụ huynh. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người, mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng của mình, ai cũng muốn con cái được hưởng những thứ tốt đẹp nhất mình có thể mang lại. Chỉ có điều cách đó là vật chất hay kiến thức mà thôi. Không lạm dụng vật chất và không để cho con có ý định ỷ lại, mặc dù vẫn cung cấp đầy đủ những gì con cái cần là sự thành công của các bậc làm cha làm mẹ.
Bảo Châu