Kinh tế khó khăn, thị trường trầm lắng, hơn ai hết nhân sự trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, xây dựng – bất động sản đang phải “trả giá” cho chính ngành “hot” mà mình đeo đuổi.
Hàng trăm nhân viên các công ty chứng khoán có nguy cơ mất việc làm khi công ty không còn hoạt động. Ảnh minh họa |
Trong một thị trường nhỏ như Việt Nam, số lượng hơn 100 công ty chứng khoán là quá nhiều, và sự đào thải diễn ra sẽ là tất yếu. Đến thời điểm này, đa phần công ty chứng khoán vừa phải vận lộn với bối cảnh khó khăn của thị trường, vừa phải đối mặt với tình trạng không còn những nhà điều hành giỏi để có thể “cứu” được công ty.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy, trong hơn 100 công ty chứng khoán trên thị trường, riêng năm 2012 có tới hơn 50% các công ty chứng khoán thua lỗ. Nếu tính lỗ lũy kế thì con số lên trên 70%.
Nếu lộ trình tái cơ cấu tới đây thực hiện đúng theo kế hoạch mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mạnh mẽ đưa ra, thì ít nhất khoảng một nửa công ty chứng khoán nhỏ và tầm trung được đưa vào “tầm ngắm”, và hàng trăm nhân viên các công ty này có nguy cơ mất việc làm khi công ty không còn hoạt động.
Lao động trong ngành ngân hàng chung hoàn cảnh. Trái ngược với thời “hoàng kim” cách đây hai ba năm, Tết vừa rồi lần đầu tiên nhân viên ngân hàng đồng loạt bị cắt thưởng. Không những thế, cán bộ tín tụng giờ đây còn bị giao thêm nhiều nghiệp vụ khác, theo kiểu “vừa giã gạo, vừa bồng em” nếu không muốn mất việc, như bán bảo hiểm, đòi nợ…
Để tìm kiếm thông tin về việc làm, trước tiên người lao động nên quan tâm tới hơn 130 trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước, bao gồm 63 trung tâm thuộc 63 tỉnh, thành phố do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách, ngoài ra còn có hơn 60 trung tâm khác thuộc các hội, đoàn thể quần chúng khác. Đây là dịch vụ công nên không thu phí. Ngoài ra, người lao động còn có thể truy cập website vieclamvietnam.gov.vn để tìm kiếm thông tin. |
Dự báo kinh tế còn khó khăn dài dài, nhiều DN bất động sản cầm cự được qua thời gian vừa rồi nay cũng buộc phải lên kế hoạch cách giảm lao động.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, chủ tịch HĐQT một DN thuộc loại lớn, chủ đầu tư nhiều dự án khu đô thị tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, đang giao các phòng ban phối hợp với công đoàn triển khai kế hoạch cắt giảm 30% lao động.
“Chúng tôi cũng chỉ mong sao anh em thông cảm với hoàn cảnh công ty và cố gắng hết mức để giải quyết chế độ cho anh em “tươi tươi” so với quy định”, vị này buồn rầu cho biết.
Kinh tế khó khăn, thị trường trầm lắng, nhân sự trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, xây dựng – bất động sản giờ đây hơn ai hết đang phải “trả giá” cho chính ngành “hot” mà mình đeo đuổi.
Sắp xếp lại thị trường lao động
Trong khi hàng trăm kỹ sư, kiến trúc sư vẫn làm “phập phù” chờ thị trường được “cứu” lại, thì thông tin một doanh nghiệp cũng trong lĩnh vực bất động sản sắp tăng thêm 40% nhân sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Bà Văn Thu Hằng, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty PMC (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản), cho biết, “để chuẩn bị cho các dự án bất động sản mà chúng tôi chuẩn bị tiếp quản, công ty PMC đang có kế hoạch tăng cường khoảng 30 – 40% số lượng nhân sự trong thời gian sắp tới”.
Quản lý BĐS là một ngành nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam, hệ thống đào tạo ở nước ta cũng chưa có trường cao đẳng, đại học nào đào tạo ngành nghề này. Chính vì vậy, DN luôn phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực từ trước nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu, đòi hỏi gắt gao từ phía khách hàng.
Các nhân sự khi được tuyển dụng phải được đào tạo ít nhất 6 tháng để đảm bảo luôn đáp ứng tốt yêu cầu về kĩ năng nghề nghiệp cũng như nắm được hệ thống quy trình xử lý công việc. Việc tuyển dụng được những lao động đáp ứng được yêu cầu công việc luôn là thử thách không nhỏ đối với công ty.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2013 TP.HCM cần 270.000 lao động, tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, chăm sóc sức khỏe… Riêng trong tháng 2 và tháng 3, thành phố sẽ cần 45.000 lao động ổn định và 8.000 lao động thời vụ.
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ phụ trách nhân sự, DN sẽ rất khó tuyển lao động trong năm 2013 này. Bởi lao động cũ thì không chịu… “nhảy việc”, trong khi nguồn lao động mới ngày càng cạn, một phần do lương thưởng không kham nổi chi phí sinh hoạt, một phần do thanh niên ngày càng ý thức hơn đến việc học tập, điều kiện học cũng dễ dàng hơn... Và như vậy, nếu không có cú đột phá trong chính sách đãi ngộ về lương, thưởng các DN khó lòng ‘kéo” được lao động về với mình.
Bình luận về xu hướng của thị trường lao động năm nay, bà Nguyễn Thị Hải Vân – Cục phó Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho hay, theo dự báo của Bộ này, 2013 vẫn là năm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc mất cân đối cung cầu lao động vẫn diễn ra, mặc dù có thể nhẹ hơn so với năm trước, do trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn mà DN đưa ra, ngược lại, DN cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về lương của người lao động…
Điều tra về tình hình lao động năm 2013 do Cục Việc làm tiến hành cho thấy, các ngành hiện có cơ hội việc làm lớn là chế biến gỗ, xây dựng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, điện, điện tử…
Còn với những nghề đòi hỏi yêu cầu cao, kỹ thuật bậc trung như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo…, dù DN có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đang tồn tại nghịch lý là rất khó tìm lao động. “Nguyên nhân là do đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội”, bà Vân nói. “Ví dụ các nghề như lắp ráp đòi hỏi công tác đào tạo phải có máy móc thiết bị để thực hành nhưng do giá cao nên các trung tâm đào tạo không có điều kiện đầu tư”.
Bách Linh