Theo quyết định này, Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) có 10 thành viên, gồm: Trưởng ban là bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và Phó Trưởng ban là ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế thành phố.
TP Hồ Chí Minh là một trong 6 địa phương đầu tiên thực hiện hóa đơn điện tử giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022) theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Các thành viên còn lại gồm: Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Giám đốc Công an TP, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường và Trưởng ban Tài chính Đài Truyền hình TP.
Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo việc tổ chức triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn; chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Còn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo có 27 thành viên, gồm: Tổ trưởng là Cục trưởng Cục Thuế và Tổ phó là Phó Cục trưởng Cục Thuế. Các thành viên còn lại gồm trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng các cơ quan như: Công an TP, Sở KH&ĐT, Sở Công thương, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, văn phòng UBND Thành phố; các trưởng phòng, phó trưởng phòng, chi cục trưởng chi cục thuế...
Nhiệm vụ của Tổ giúp việc, ngoài thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo phân công còn phải cụ thể hóa nội dung kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai hóa đơn điện tử ở địa phương theo chương trình, kế hoạch, tiến độ và biện pháp của Tổng cục Thuế; thực hiện triển khai hóa đơn điện tử đúng kế hoạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tổ cũng định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại TP Hồ Chí Minh và Ban chỉ đạo Tổng cục Thuế; chuẩn bị nội dung, thư mời, biên bản cuộc họp và thông báo kết luận chỉ đạo các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Được biết, kể từ tháng 11/2021, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định). Việc áp dụng hóa đơn điện tử được nhận định vừa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp vừa tăng hiệu quả quản lý cho cơ quan chức năng.
Đồng thời, áp dụng hóa đơn điện tử khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh; giúp triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng; góp phần bảo vệ môi trường…