Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ

Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến hết tháng 8/2024, công tác thu nợ thuế tăng đến 29% so với cùng kỳ, song Tổng cục Thuế đánh giá, tổng số tiền thuế nợ toàn quốc vẫn ở mức cao. Tổng cục Thuế vừa có Công văn chỉ đạo các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn tăng cường công tác quản lý, thu hồi tiền nợ thuế.

Tại Công văn 4216/TCT-QLN gửi các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, qua theo dõi tình hình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, tổng số tiền thuế nợ đến thời điểm 31/8/2024 của toàn quốc vẫn ở mức cao.

Phân loại nợ: Phải đảm bảo đúng tính chất khoản nợ

Nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ mà Tổng cục Thuế đã giao tại công văn số 191/TCT-QLN ngày 15/01/2024, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các Cục Thuế trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu nợ những tháng cuối năm vào ngân sách nhà nước (NSSNN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế cho từng lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Phòng, Chi cục Thuế và từng công chức quản lý. Đồng thời, tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.

Về phân loại tiền thuế nợ, Tổng cục Thuế lưu ý, việc rà soát, phân loại nợ thuế phải đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ phân loại theo đúng hướng dẫn tại Quy trình Quản lý nợ; Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải kịp thời thực hiện phân loại lại theo đúng tính chất khoản nợ.

Cùng với đó, theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản nợ của người nộp thuế (NNT) vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Cán bộ thuế hướng dẫn NTT kê khai

Cán bộ thuế hướng dẫn NTT kê khai

Đôn đốc và công khai thông tin nợ thuế

Các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn cần triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Cụ thể, đối với NNT có khoản tiền thuế nợ dưới 90 ngày, bộ phận thanh tra - kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.

Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế (CQT) thực hiện ban hành Thông báo tiền thuế nợ theo mẫu số 01/TTN gửi NNT bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (etax). Trường hợp NNT chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì CQT hỗ trợ gửi Thông báo qua email và qua ứng dụng eTax Mobile.

Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với NNT để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho NNT biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.

Công khai thông tin cưỡng chế

Liên quan đến biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế lưu ý, đối với NNT có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế, CQT phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.

Đối với các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, CQT thực hiện đôn đốc, áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay khi hết thời gian gia hạn mà NNT không nộp vào NSNN.

Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà NNT chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

Tổng cục Thuế cũng lưu ý xem xét áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ.

Thực hiện việc ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để tiến tới tự động hóa công tác cưỡng chế nợ thuế trên toàn địa bàn. Lưu ý kiểm tra để đảm bảo ứng dụng Hóa đơn điện tử chặn việc xuất hóa đơn ngay khi Quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn có hiệu lực; trường hợp phát hiện lỗi phải cập nhật kịp thời trên ứng dụng hóa đơn điện tử và báo cáo Tổng cục Thuế để xử lý.

Thực hiện áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với NNT có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Ngoài ra, thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời gia hạn thời gian tạm hoãn xuất cảnh hoặc huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo đúng quy định.

Ban hành Thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để đảm bảo việc tra cứu được dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh trên website của ngành thuế, trên các ứng dụng etax, eTax Mobile.

Thực hiện việc ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS)

Thực hiện việc ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS)

Đến 1/3/2025 phải chuyển toàn bộ hồ sơ phải truy cứu hình sự sang cơ quan công an

Đối với các khoản tiền thuế nợ đang chờ xử lý và các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, Tổng cục Thuế yêu cầu tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ CQT đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý (hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, xóa nợ, miễn tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ, miễn, giảm tiền thuế...).

Trong đó lưu ý bộ phận kê khai và kế toán thuế chủ trì, phối hợp với các CQT khác xử lý chứng từ phân bổ, kịp thời hạch toán vào hệ thống.

Rà soát đảm bảo hồ sơ phân loại tiền thuế đang chờ điều chỉnh đúng quy định, đồng thời phối hợp với các bộ phận có liên quan và NNT để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ, đảm bảo dữ liệu nợ được chính xác, xử lý kịp thời các khoản nợ do sai sót.

Đồng thời có văn bản gửi cơ quan chức năng đẩy nhanh việc xử lý khấu trừ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp để kịp thời xử lý dứt điểm các khoản nợ này.

Đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng nộp NSNN, cần rà soát, hoàn thiện hồ sơ xử lý khoanh nợ, xóa nợ đối với NNT thuộc trường hợp được khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thực hiện các bước sau: Tiếp tục tuyên truyền vận động NNT chấp hành pháp luật, khẩn trương kê khai, nộp thuế đầy đủ vào ngân sách nhà nước; Báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp cơ quan công an hỗ trợ áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ; Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan công an các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

Tổng cục Thuế lưu ý, đến ngày 01/3/2025 phải chuyển toàn bộ hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sang cơ quan điều tra xem xét.

Tập trung xử lý các khoản nợ liên quan đến đất

Đối với tiền thuế nợ đã xử lý, Tổng cục Thuế đề nghị CQT thường xuyên phối hợp với cơ quan Kho bạc Nhà nước hoặc các ban quản lý dự án để theo dõi tiến độ thanh toán vốn NSNN và kịp thời đôn đốc thu hồi nợ, tính tiền chậm nộp kể từ ngày tiếp theo ngày NNT được đơn vị sử dụng vốn NSNN thanh toán.

Đối với các trường hợp đã được khoanh nợ, xoá nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế thì CQT tiếp tục theo dõi, kịp thời huỷ khoanh nợ, huỷ xoá nợ khi NNT nộp hết tiền thuế nợ, quay lại sản xuất kinh doanh…

Trong công văn, Tổng cục Thuế cũng đề nghị tập trung xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Theo đó, rà soát và báo cáo UBND chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về diện tích, giá đất, điều chỉnh quy hoạch, khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng… (nếu có) để sớm xử lý thu hồi được các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Đôn đốc các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các thủ tục chưa hoàn thành liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thu hồi mỏ, hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất, xử lý miễn, giảm,… làm căn cứ để CQT thông báo nghĩa vụ tài chính và đôn đốc NNT nộp hết số tiền còn phải nộp vào NSNN; Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì kiến nghị thực hiện thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tổng cục Thuế cùng yêu cầu rà soát các mỏ đã tạm dừng khai thác khoáng sản hoặc đã thu hồi giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp tỉnh; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời có văn bản gửi Cục Thuế về việc điều chỉnh số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp để CQT có cơ sở theo dõi, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp của NNT.

Hướng dẫn NNT cài eTax Mobile để theo dõi khoản nợ thuế

Hướng dẫn NNT cài eTax Mobile để theo dõi khoản nợ thuế

Tăng cường tuyên truyền, phối hợp thu hồi nợ đọng thuế

Trong công văn, Tổng cục Thuế cũng đặc biệt lưu ý việc duy trì hoạt động có hiệu quả của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo định kỳ tổ chức làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ lớn trên địa bàn để đôn đốc, thu hồi nợ thuế.

Các Cục Thuế cần tham mưu, kiến nghị UBND các cấp chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn như: kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, công an, tòa án... trong việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN, cũng như đề xuất UBND chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế bảo vệ môi trường, …

Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, vận động NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN theo đúng quy định của pháp luật, nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào NSNN. Phổ biến thông tin để NNT biết về các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi các khoản nợ thông qua sự tự giác tuân thủ pháp luật của NNT.

Khuyến khích NNT cài đặt ứng dụng eTax- Mobile để theo dõi tình hình nợ thuế, nhận được các thông báo của CQT (thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh...) để kịp thời hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tổ chức hỗ trợ NNT giải quyết các vướng mắc phát sinh khi sử dụng etaxmobile, phân công chỉnh lý kịp thời các sai sót trong dữ liệu do NNT phản ánh để dữ liệu quản lý thuế được ngày càng chính xác.

Tổng cục Thuế cũng giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách phối hợp các Cục Thuế nắm bắt tình hình tại địa phương để tham mưu trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế để hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng gặp khó khăn về tài chính.

Nợ thuế còn ở mức cao

Thông tin về kết quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế tính đến cuối tháng 8/2024, toàn ngành thu được 53.771 tỷ đồng nợ thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ được 50.458 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 3.313 tỷ đồng.

Có 41/63 địa phương có số thu nợ 8 tháng tăng so với cùng kỳ, trong đó có 17 địa phương có số thu nợ tăng trên 50%; tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến 31/8/2024 ước đạt 14,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 10,4%. Có 19/63 địa phương có tỷ lệ tổng nợ trên dự toán thu ngân sách đảm bảo dưới 8%.

Về tình hình thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, tính đến ngày 14/8/2024, CQT đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng, trong đó có 10.829 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu được 1.341 tỷ đồng của 2.116 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Đáng chú ý, đã thu được nợ thuế của 650 NNT đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 46,7 tỷ đồng.

Đọc thêm

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…

Tổng cục Thuế chúc mừng các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

Cục trưởng Cục Thuế DN lớn Nguyễn Bằng Thắng trao Thư của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chúc mừng đội ngũ DN và Doanh nhân Việt Nam (ảnh:TCT)
(PLVN) - Trong chuỗi sự kiện chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Tổng cục Thuế đã tổ chức Đoàn công tác đến chúc mừng một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu trong chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế, tham gia tích cực vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước…

Cơ quan Thuế - Công an phối hợp điều tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cán bộ cơ quan Thuế và cơ quan Công an kiểm tra tang vật của đối tượng vi phạm.
(PLVN) - Thông qua việc hợp chặt chẽ, linh hoạt, trong việc rà soát, phân tích, nghiên cứu hồ sơ ban đầu, Cục Thuế TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã làm rõ hành vi vi phạm của Công ty NAC trong việc sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hàng trăm tỷ doanh thu bán hàng và trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước…