Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: Tính đến nay, TP có 46.178 ca nhiễm COVID-19; trong đó từ ngày 9/7 đến 6 giờ ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, 382 trường hợp tử vong.
Các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
TP đang điều trị cho 35.813 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân cần can thiệp ECMO. Trong ngày 22/7/2021 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Theo ông Đức, dù đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhưng số ca bệnh trên địa bàn vẫn tăng cao. Số bệnh nhân phát hiện qua tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện chưa thuyên giảm nên TP HCM cần phải thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa.
Song song đó, Thành phố sẽ áp dụng các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, TP HCM sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn Thành phố; tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho các tầng lớp nhân dân để thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Theo báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội của UBND TP HCM, qua 15 ngày triển khai thực hiện, Thành phố đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của Nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.
Toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành. Các tổ chức tôn giáo và các nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp… đều có nhiều đóng góp, chung tay cùng Thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế trong thời gian thực hiện tăng cường và siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nổi bật nhất là số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do TP đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.
Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện khi một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia và tình trạng một số chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Báo cáo về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, UBND TP HCM cho biết, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường TP trung bình hơn 5.000 tấn/ngày; để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa hình thành thêm một kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 điểm bán/ngày với giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường.
Chương trình “Chợ Nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”… cũng được tạo điều kiện hoạt động để đưa hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Tuy nhiên, có thời gian, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về Thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương hạn chế nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.