Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM của UBND TPHCM, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Dư luận quan tâm đến tính khả thi của việc làm này, trước đó TP HCM cũng tiên phong phân loại rác nhưng không thành.
Tài nguyên bị coi là gánh nặng
Việt Nam được “xếp hạng” là 1 trong 20 quốc gia xả rác lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 17 triệu tấn một năm. Trong đó, vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn một năm. Với thành phẩm chủ yếu là chất hữu cơ (chiếm 50-70%), rác thải sinh hoạt chính là nguồn nguyên liệu sản xuất phân vi sinh thân thiện với môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 120-150 ngàn thiết bị điện và điện tử gia dụng (ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), khoảng 200-300 ngàn chiếc máy tính. Đó là chưa kể đến số lượng điện thoại di động được thải ra khá lớn. Đây là loại rác thải điện tử khá lớn ở Việt Nam vì vòng đời sử dụng ngắn chỉ 1-2 năm.
Một báo cáo của Liên Hợp quốc cho rằng thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không thu gom để tái chế. Riêng ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 4 tấn vàng, 28 tấn bạc và 6 ngàn tấn đồng trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt vào bãi rác.
Với sự phát triển của khoa học, ngày nay, rác thải còn được tái chế thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp, thậm chí, còn là nguyên liệu để sản xuất ra điện năng phục vụ cho đời sống con người. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải …ở Việt Nam đang ở mức báo động, do đó, việc tái chế, xử lý rác thải là hành động thiết thực góp phần vào công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải…
Trong khi công tác quản lý, phân loại và xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý, của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, khu dân cư. Với quan niệm xưa cũ cho rằng rác thải là thứ không có giá trị, phải loại bỏ nên nguồn tài nguyên này vẫn bị coi là gánh nặng của xã hội.
Đặc biệt là đối với rác thải từ xây dựng, theo Bộ Xây dựng, mỗi năm chất thải rắn có khoảng gần 30 triệu tấn, hiện nay khoảng 40 – 50 triệu tấn. Nếu đem chôn lấp sẽ lãng phí từ 55% đến 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.
Rác thải lâu nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chiếm dụng nhiều diện tích cho việc xây dựng bãi chôn lấp mà hiệu quả lại không cao. Các nguồn nguyên liệu có thể tái chế gồm chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại … bị chôn vùi trong đất mà hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Còn đem đốt lại thải khói độc ra môi trường.
Nhiều bãi rác theo công nghệ cũ đã và đang gây ô nhiêm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Ngay như ở nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam, thì rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.
TP HCM tiên phong phân loại rác
Mỗi ngày TP.HCM thải 10-11 ngàn tấn chất thải rắn (không kể các loại bùn thải), trong đó có khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Nếu phân loại rác tại nguồn thành công, TPHCM sẽ tái sử dụng 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp.
Nguyên nhân lãng phí rác chính là do rác thải không được phân loại tại nguồn. Các nhà máy thiếu thiết bị, công nghệ để xử lý, phân loại rác và một phần là bởi ý thức của người dân về việc phân loại rác từ cơ sở để tái chế chưa cao, các loại rác thải vô cơ, hữu cơ không được phân loại mà bị đổ chung vào một nơi.
Rác không được phân loại lại gây khó khăn cho việc xử lý bằng các phương pháp tái chế, composting, đốt rác phát điện… Và vì vậy, “tài nguyên rác” vẫn mãi bị lãng phí trong khi các nguồn tài nguyên khác đã và đang bị khai thác triệt để. Nghịch lý lớn là đồng thời với việc xả thải lớn nhất/lãng phí rác thải nhất nhưng Việt Nam lại là nước nhập khẩu rác hàng đầu.
Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường UBND Quận I, từ năm 2013 Quận I đã triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn cho gần 90 hộ dân tại phường Bến Nghé. Kết quả là đa số người dân đã phân loại rác đạt yêu cầu, rác hữu cơ và rác vô cơ được phân loại riêng từng thùng. Năm 2015, UBND Quận 6 có Quyết định 02/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận.
Trước đó, từ năm 1999 đến 2012, TP HCM đã triển khai 3 chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng tất cả đều thất bại mặc dù kinh phí không phải nhỏ. Nguyên nhân là thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.
Chương trình phân loại rác tại nguồn đầu tiên vào năm 1999 và kết thúc năm 2001 với kinh phí 5.000 đô la Mỹ do EU tài trợ thực hiện tại 2 tổ dân phố ở quận 5. Sau đó, EU tiếp tục tài trợ chương trình tại Quận 5 từ năm 2002 đến năm 2007 thì kết thúc. Chương trình phân loại rác tại nguồn của riêng TPHCM được triển khai từ năm 2001 thí điểm tại quận 6 cũng kết thúc thất bại vào cuối năm 2009.
Trong những lần thí điểm trước đây, ban đầu người dân tham gia các chương trình phân loại rác tại nguồn với tỷ lệ rất cao, tăng từ 30% lên 70%. Nhưng do thiếu xe thu gom từng loại rác, kết quả là sau khi phân loại tại nhà dân, rác lại bị trộn chung ở bãi tập kết, đổ về bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân compost và chế biến phân hữu cơ không thực hiện được do các nhà đầu tư thiếu vốn.
Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM của UBND TPHCM ngày 14/11/2018, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ 24/11, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại.
Chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
TP.HCM cũng khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, còn túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại; dùng thùng rác chuyên dụng có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, màu xám để chứa chất thải còn lại.
Quyết định cũng chỉ rõ phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại. Chất thải hữu cơ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại được thu gom vào thứ ba, năm, bảy trong tuần. Tùy điều kiện thực tế mà các địa phương có thể sắp xếp thời gian thu gom phù hợp và tùy khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải mà có thể tăng, giảm số ngày thu gom trong tuần.
Trở ngại từ hai phía
Quá trình “thí điểm” phân loại rác trước đây cũng như việc thực hiện quyết định phân loại rác hiện nay ở TP. HCM cho thấy: ngoài các quy định, chính sách riêng để triển khai chương trình (kinh phí, nguồn lực, phương tiện thu gom phù hợp, cách thức lộ trình thực hiện...) cần có các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện phân loại và thu gom đúng quy định. Đặc biệt là “văn hóa phân loại rác”. Đây là vấn đề “nan giải” của nan giải.
Hiện nay, không chỉ TP.HCM mà người dân nói chung hoàn toàn chưa chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Thực tiễn cho thấy, dân chỉ “tự giác” khi tuyên truyền, khi giảm tần suất tuyên truyền người dân lại “bỏ mặc”. Tâm lý, nhân viên công ty vệ sinh môi trường ăn lương thì phải tự làm lấy đang là thách thức.
Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, để phân loại được rác, ngoài việc bố trí các loại thùng rác theo tiêu chí “phân loại” và cơ chế phạt, dần dần mới hình thành được thói quen sống, từ thói quen sống tích cực mới hình thành nên văn hóa.
Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt vào cuối năm 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng được dự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, và xấp xỉ 70% vào năm 2030 và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050. Rõ ràng, để thực hiện Chiến lược này phải kiên trì vận động thuyết phục, xây dựng “văn hóa phân loại rác” ngay trong cộng đồng dân cư.