Một thửa đất bán cho nhiều người
Bà Hà Thị Ngọc Huệ (quận 12, TP HCM) trình bày, năm 2007 bà nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Lê Văn Nón và bà Phạm Thị Ren (huyện Củ Chi) thửa đất 74,9 m2 (thửa đất số 506, tờ bản đồ số 40, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) với giá 25 triệu đồng. Ngày 12/11/2007, bà Huệ được UBND huyện Củ Chi cấp sổ đỏ số AL 394956 đối với thửa đất trên.
Ba ngày sau, bà Ren mượn bà Huệ sổ đỏ với lý do để kiểm tra, đối chiếu lại với hồ sơ, bản vẽ xem có chính xác không. Tin tưởng, bà Huệ cho mượn nhưng sau đó bà Ren không trả lại, bà Huệ nhiều lần đòi không được. Bất đắc dĩ, tháng 10/2008, bà Huệ làm hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận QSDĐ đã mất. Lúc này mới biết, hiện UBND thị trấn Củ Chi có nhận được đơn tranh chấp của phía ông Nón liên quan thửa đất trên.
Tháng 7/2008, ông Nón đã khởi kiện bà Huệ ra TAND huyện Củ Chi để “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” phần đất 74,9 m2 đã bán năm 2007. Ông Nón yêu cầu hủy hợp đồng và Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Huệ.
Khi tòa mới thụ lý vụ kiện được 3 tháng và vẫn đang trong quá trình giải quyết thì tháng 11/2008, ông Nón và bà Ren đã bán mảnh đất lần thứ 2 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Chương và bà Lã Thị Tâm. Việc mua bán thực hiện bằng giấy viết tay trong khi bà Huệ không hề hay biết.
Trong khi đó, Thanh tra xây dựng huyện Củ Chi xác định, vào tháng 9/2008, một căn nhà cấp 4 (diện tích 67,5 m2) được xây dựng không phép trên mảnh đất 74,9 m2, người xây dựng là ông Nón. Trong khi đó, các con ông Nón đều khẳng định, vợ chồng ông Chương bỏ tiền ra xây dựng nhà. Người đại diện ủy quyền của vợ chồng ông Chương khẳng định ông Chương là chủ đầu tư xây dựng căn nhà trên.
Như vậy, sau khi bán đất và bà Huệ đã được cấp sổ đỏ, phía ông Nón vừa tranh chấp, vừa bán đất lần thứ 2, vừa tham gia vào việc lén lút xây nhà không phép trên mảnh đất đã bán 2 lần. Bà Huệ trong một lần đi thăm đất thì sững người vì trên thửa đất trống mình đứng tên chủ sở hữu lại có một căn nhà.
“Tôi nhiều lần làm đơn khiếu nại đến các cơ quan nhà nước yêu cầu xử lý việc xây dựng trái phép, cưỡng chế tháo dỡ căn nhà trên đất của tôi nhưng các cơ quan này cố tình chậm trễ và làm ngơ không giải quyết”, bà Huệ bức xúc.
Bản án bị kháng cáo
Vụ tranh chấp ông Nón – bà Huệ diễn ra từ năm 2008, kéo dài đến năm 2012 TAND huyện Củ Chi mới xử sơ thẩm. Năm 2013, TAND TP HCM hủy án sơ thẩm, đồng thời đình chỉ xét xử phúc thẩm sau khi phía ông Nón bất ngờ rút đơn khởi kiện.
Đến năm 2015, bốn người con của ông Nón đứng ra khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và QSDĐ với bà Huệ. Khởi kiện xong tòa triệu tập đến lần thứ 2 phía nguyên đơn vẫn vắng mặt không lý do.
Mảnh đất 74,9 m2 vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Huệ |
Tháng 9/2016, TAND huyện Củ Chi ra quyết định đình chỉ vụ án. Cho đến thời điểm này, mảnh đất 74,9 m2 vẫn thuộc sở hữu hợp pháp của bà Huệ, với Giấy chứng nhận QSDĐ số AL 394956 mà UBND huyện Củ Chi cấp năm 2007. Thế nhưng hơn 10 năm qua, mảnh đất này lại bị người khác sử dụng và tồn tại căn nhà trái phép.
Bà Huệ đã nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải quyết. Năm 2017, bà khởi kiện Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi, yêu cầu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép theo quy định pháp luật. Ngày 29/11/2018, TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Huệ vì cho rằng người xây dựng trái phép là ông Nón chứ không phải vợ chồng ông Chương.
Bà Huệ nghi vấn,tòa án có dấu hiệu cố tình đẩy việc thực hiện hành vi vi phạm cho ông Nón (đã mất năm 2013) để lấy đó làm lý do bác yêu cầu của bà? Được biết bà Huệ đã kháng cáo bản án sơ thẩm và dự kiến ngày 17/6 tới đây, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm.
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định về bản án Bản án số 11/2018/HC-ST ngày 29/11/2018 của TAND huyện Củ Chi như sau: Hồ sơ vụ việc cho thấy, về mặt pháp lý cho đến thời điểm này bà Huệ vẫn là chủ sử dụng hợp pháp của mảnh đất 74,9 m2. Giấy chứng nhận QSDĐ số AL 394956 cấp cho bà Huệ vẫn nguyên giá trị pháp lý. Như vậy, bà Huệ có toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt thửa đất nêu trên theo quy định pháp luật.
Người khác có hành vi xây dựng nhà trái phép trên đất bà Huệ là trái luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp bà Huệ. Hành vi này cũng vi phạm quy định về Luật xây dựng và các văn bản có liên quan khác, đủ căn cứ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm cho rằng ông Nón có hành vi vi phạm chứ không phải vợ chồng ông Chương, nên không xử lý vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ đối với vợ chồng ông Chương là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi các con ông Nón đều khẳng định, vợ chồng ông Chương bỏ tiền ra xây dựng nhà và sinh sống ổn định. Người đại diện ủy quyền của vợ chồng ông Chương khẳng định ông Chương là chủ đầu tư xây dựng căn nhà trên.
Và, cho dù bất kỳ chủ thể nào xây dựng trái phép trên thửa đất của bà Huệ cũng đều thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan chức năng không ngăn chặn, xử lý kịp thời và buộc khắc phục hậu quả là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Việc tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà Huệ là không khách quan, không đúng quy định pháp luật.