Điều đáng nói là việc cấm không xuất phát từ một cơ sở thực tế nào, cũng không có một cuộc khảo sát, số liệu cụ thể nào để khẳng định đoạn đường mà Sở GTVT vừa cấm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông… Nhưng Sở này vẫn ban hành lệnh cấm ngon lành cả một đoạn đường khá thông thoáng (trong đó có doanh nghiệp Thành Bưởi đóng đô; đoạn còn lại khá đông xe và người qua lại – nơi có doanh nghiệp Phương Trang đặt đại bản doanh thì không cấm). Nhiều người dân trong khu vực tỏ ra khó hiểu khi mục đích đảm bảo trật tự an toàn giao thông của biển cấm không hề làm thay đổi tình hình giao thông hay có tác dụng hữu ích gì!.
Thậm chí, việc đặt biển cấm không những có tác động xấu đến các hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp và việc đi lại của người dân trên đoạn đường này cũng không có gì sáng sủa hơn. Bởi việc Sở GTVT cấm từng đoạn trên cùng một con đường nên khi xe trên 25 chỗ lưu thông vào khu vực này phải chuyển hướng vào các đường lân cận để tránh đoạn đường cấm. Cũng từ đây tạo áp lực cho cả khu vực này khi tất cả các xe trên 25 chỗ phải tránh né đoạn cấm, dễ dẫn đến tình trạng phức tạp về giao thông trong khu vực này.
Điểm tập kết của Phương Trang trên đường Lê Hồng Phong, như vậy có gọi là lặp trật tự giao thông |
Vào thời điểm khoảng 7h đến hơn 9h ngày 7/11/2016, hàng ngàn phương tiện phải chen chúc di chuyển rất khó khăn trên đường Sư Vạn Hạnh khi có thêm sự xuất hiện tham gia lưu thông của xe khách trên 25 chỗ.
Nghiêm trọng nhất là ở điểm đen kẹt xe vòng xoay ngã bảy Lý Thái Tổ, vòng xoay Ngô Gia Tự. Vòng xoay vốn dĩ như một "nam châm" hút xe từ các ngã đường vào tâm rồi chẻ ra ở nhiều hướng, tạo ra những xung đột khác nhau, nay thêm một lượng xe khách có diện tích lớn hiện diện tham gia lưu thông càng khiến cho các phương tiện gần như không có lối thoát, ùn tắc ngày càng kéo dài. Theo quan sát, thời gian gần đây mặc dù lực lượng CSGT thường xuyên túc trực điều tiết trong các giờ cao điểm trong ngày. Việc cắm biển cấm và điều chỉnh lộ trình di chuyển trong khu vực của Sở GTVT thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất hợp lý.
Tuy nhiên, các đối tượng xe bị cấm này không thể di chuyển qua lộ trình khác mà chấp nhận đi vào điểm kẹt.
Thực tế theo ghi nhận của PLVN, tình hình giao thông tại khu vực có biển cấm trên đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn không có nhiều thay đổi gì so với thời điểm chưa có “lệnh” cấm xe trên 25 chỗ. Điều đó cho thấy, dấu ấn nỗ lực lập lại trật tự an toàn giao thông của Sở GTVT, tình trạnh lấn chiếm lòng lề đường hầu như không có bất kỳ chuyển biến tích cực nào...
Xe 25 chỗ bị cấm nên đành phải chạy vào điểm kẹt |
Có thể nói, đây không phải lần đầu tiên dư luận đề cập đến những bất hợp lý của biển “cấm xe khách 25 chỗ trở lên lưu thông” trên đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn trong thời gian 6h - 22h.
Trước khi biển cấm dành riêng cho xe khách chính thức có hiệu lực (ngày 29/10/2016), nhiều doanh nghiệp "lọt" vào khu vực cấm hoạt động kinh doanh cũng đã lên tiếng cảnh báo, thậm chí "kêu cứu" đến nhiều cơ quan, ban ngành địa phương và trung ương. Gây gắt hơn, động thái cấm xe khách 25 chỗ lưu thông hai chiều trên đường Vĩnh Viễn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Ngô Gia Tự), Lê Hồng Phong (đoạn từ Hùng Vương đến Lý Thái Tổ) của Sở GTVT còn bị cho là biện pháp "khai tử" hoạt động của một công ty vận tải hoạt động trên địa bàn.
Lộ trình như vậy thì có khác nào đẩy ô tô đi vào điểm kẹt |
Cũng cần nói rằng, trong khoảng 3 năm qua, tại các đoạn đường cấm này tình hình lưu thông của các phương tiện vận tải vẫn diễn ra thông suốt, gần như chưa xảy ra hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, đường Lê Hồng Phong là trục giao thông lớn kết nối quận 5 với quận 10, cũng như đường Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn cũng đều có mật độ giao thông thấp, lại kết nối với trục đường Đông – Tây của thành phố cũng không gây ra tình trạng ùn tắc. Chính vì vậy, quyết định cấm xe trên 25 chỗ lưu thông nói trên hiện đang gặp không ít phản ứng nghi ngại về khả năng quản lý của cơ quan chức năng từ phía dư luận.
Mới đây, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh một lần nữa khẳng định "cấm đường là nhằm lập lại trật tự giao thông trong khu vực" để xoa dịu phản ứng của dư luận càng khiến "mục đích không trong sáng" của biển cấm thêm lộ rõ.
Vì trên thực tế, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến, ở rất nhiều nơi quanh khu vực cấm đường người đi bộ vẫn phải đi xuống lòng đường rất mất an toàn, đối diện với nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân...