Lo tour Tết chưa xong, các hãng lữ hành đã bắt tay ngay vào việc thiết kế tour xem cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế cuối tháng 3. Rút kinh nghiệm hai năm trước, nhiều hãng chuẩn bị khá kỹ từ sản phẩm tour dành cho các luồng khách, đến việc đặt phòng, đào tạo thêm hướng dẫn viên.
Công ty Du lịch Việt Đà huấn luyện tình nguyện viên đón khách xem pháo hoa. |
Nhiều tour phù hợp với các luồng khách
Theo giới kinh doanh lữ hành, sự kiện cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế dịp 29-3 đã trở thành thương hiệu, nên dù không quảng bá nhiều, tới gần tháng 3, thị trường lập tức nhộn nhịp. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours, giải thích: “Mỗi năm, trình độ tổ chức của Đà Nẵng càng chuyên nghiệp hơn. Các phương án phân luồng giao thông cũng rất hợp lý. Thêm vào đó, thông tin 30 nghìn vé được bán cho khách khiến các hãng lữ hành rất hào hứng trong việc chào tour và khai thác khách”.
Trong dịp thi bắn pháo hoa năm nay, thị trường chia làm nhiều luồng khác nhau. Những người lần đầu tiên tham dự thì tranh thủ đặt tour vừa xem pháo hoa, vừa khám phá miền Trung qua Hành trình Di sản. Theo đó, du khách sẽ ngủ ở Đà Nẵng hai đêm và luân phiên tham quan, lưu trú ở Huế, Hội An. Ông Tùng cho biết, khách đi tour này bình thường đã rất đông, nên dự kiến tới dịp thi bắn pháo hoa sẽ đông gấp 3, 4 lần. Những ai đã xem pháo hoa 2 năm trước sẽ chủ yếu đến xem pháo hoa với yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, nhất là ẩm thực và chỗ nghỉ ngơi. Đối với luồng khách thứ hai, các hãng lữ hành đã thiết kế những chương trình hoàn toàn mới dựa trên những tuyến điểm quen thuộc như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà và Cù lao Chàm.
Chuẩn bị đón khách
Các hãng cũng dự đoán, năm nay sẽ có nhiều khách quốc tế hơn, do Đà Nẵng hiện có 3 đường bay trực tiếp nối kết Đà Nẵng với Quảng Châu, Đài Bắc, Singapore, và các chuyến bay từ Osaka, Thượng Hải đến Đà Nẵng dự kiến được mở vào đầu tháng 3 tới. Vì vậy, một số hãng sẽ “nắn” chương trình cho khách quốc tế lưu trú ở Đà Nẵng nhiều hơn, thay vì ở Huế và Hội An như mọi khi.
Ngay từ tháng 1, các nơi đã lo chuẩn bị về nhân lực, dịch vụ để chào đón sự kiện này. Công ty Du lịch Việt Đà tổ chức hai đợt huấn luyện cho gần 200 tình nguyện viên về cách xử lý tình huống và hướng dẫn khách đi, đến các điểm du lịch trong thành phố. Còn Vitours cho biết, nếu quá “kẹt” hướng dẫn viên, sẽ sử dụng mạng lưới sinh viên thực tập đi kèm theo hướng dẫn viên chính, sau khi đã đào tạo cho họ một số kỹ năng cơ bản về đưa, đón và phục vụ khách. Tin rằng lượng khách sẽ tăng gấp đôi so với năm ngoái, Vitours đặt trước rất nhiều phòng khách sạn theo nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, Công ty Du lịch Vietravel đang lo ngại vì nhiều khách sạn hiện nay đã từ chối đặt phòng. Nhiều khách sạn lớn tuy không tăng giá nhưng lại “để dành” phòng cho khách quen là các đối tác chiến lược. Để đề phòng trường hợp không tìm ra chỗ ở cho khách, Việt Đà đã đặt một số lều từ TP. Hồ Chí Minh để thiết kế loại hình homestay (ở chung với nhà dân). Ngoài ra, theo ông Tùng, đối với đường bay trong nước, hiện chỉ có mỗi Vietnam Airlines là hoạt động đều đặn nhưng vẫn chưa tăng chuyến, còn Jetstar đã giảm số chuyến đi và đến TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, nên việc đặt vé máy bay được xem là không dễ dàng.
Bài và ảnh: PHONG KHÁNH