Ông Nguyễn Chiến Thắng (Lạng Sơn) hỏi: Trong khu dân cư tôi đang tranh cãi chuyện anh V (ở cùng khu) tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội tự xưng là luật sư và thường tư vấn cho người có nhu cầu. Xin hỏi việc anh V xưng như thế có đúng quy định của pháp luật không?. Tôi thấy mọi người thường nhắc đến từ luật gia, vậy luật gia và luật sư có giống nhau không?.
- Điều 10, Luật Luật sư 2006 quy định luật sư phải đạt những tiêu chuẩn như sau: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.
Đồng thời, một luật sư muốn hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề Luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư (Điều 11, Luật Luật sư 2006). Như vậy, anh V mới chỉ tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội thì chưa được coi là luật sư mà chỉ là cử nhân luật. Theo Điều 2, Luật Luật sư 2006 thì luật sư là người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư đã như nêu ở trên, thực hiện các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Khái niệm luật gia không được quy định trong một văn bản pháp luật cụ thể nào. Hiện nay ở Việt Nam, luật gia được hiểu là những người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, có kiến thức pháp luật, đang hoạt động trên các lĩnh vực của pháp luật, tự nguyện tuân thủ điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam, được cấp thẻ Luật gia.
PLVN