Tổng thống Philippines sắp thăm Nhật, bàn về tranh chấp lãnh thổ

Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Abe tại một cuộc gặp năm 2013.  Ảnh: Internet
Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Abe tại một cuộc gặp năm 2013. Ảnh: Internet
(PLO) - Văn phòng Tổng thống Philippines ngày 18/6 thông tin, Tổng thống Aquino sẽ tới thăm Nhật Bản trong tuần tới. Những tranh cãi do các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự giữa hai bên. 
Theo AFP, Tổng thống Philippines Aquino sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm một ngày tới Nhật vào ngày 24/6. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa 2 nước đang có tranh cãi sâu sắc với Trung Quốc do những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau. 
Bà Abigail Valte – Người phát ngôn của ông Aquino – cho biết, những căng thẳng do vấn đề chủ quyền hàng hải sẽ là một chủ đề trong cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo. Song, bà Valte từ chối cung cấp thêm thông tin cho đến khi chương trình nghị sự chính thức được xác định. 
Trước đó, trong tuyên bố về chuyến thăm của ông Aquino được đưa ra tối 17/6, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết những căng thẳng với Trung Quốc sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp. “Cuộc gặp là một cơ hội cho 2 nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về những diễn biến gần đây trong khu vực và để thảo luận về các lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược Philippines – Nhật Bản” – tuyên bố cho hay. 
Bên cạnh đó, Tổng thống Aquino cũng sẽ có bài phát biểu về những nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập kỷ của những người Hồi giáo ở miền Nam nước này trong bối cảnh Manila đang tìm cách thực thi một thỏa thuận hòa bình với Mặt trận giải phóng người Hồi giáo Moro đã được ký trong năm nay với sự tích cực giúp đỡ của Nhật Bản. 
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines đã trở nên gần gũi hơn trong những năm gần đây khi 2 nước đang phải giải quyết những tranh chấp tương đồng với Trung Quốc. Trong chuyến thăm tới Manila hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã cam kết sẽ giúp Philippines tăng cường khả năng phòng vệ trên biển. Một phần của cam kết này là việc cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. 
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc có nguồn gốc từ những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển Đông. Bắc Kinh đòi chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông, gồm cả những vùng biển gần bờ biển của Philippines và các nước khác. 
Trong những năm gần đây, Philippines đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự và dân sự ở các đảo và vùng biển mà Manila xem là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Mới đây nhất, Philippines cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất trên các đảo nhỏ và bãi đá ngầm, có thể là để xây dựng các cơ sở quân sự. 
Trong một động thái khác, theo Reuters, Philippines cho biết nước này sẽ yêu cầu Tòa án Trọng tài quốc tế nhanh chóng đưa ra phán quyết về tranh chấp với Trung Quốc trong việc khai thác các vùng biển trên biển Đông. 
Hồi đầu tháng, Tòa Trọng tài của Liên Hợp quốc ở The Hague đã thông báo hạn cho Trung Quốc đến ngày 15/12 phải nộp những bằng chứng và lập luận bằng văn bản để phản bác những khiếu nại của Philippines về tính hợp pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền của mình đối với 90% diện tích biển Đông. Song, Bắc Kinh đã từ chối. 
“Vì Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện và vì tình hình đang ngày một xấu đi trên biển Đông nên tôi sẽ tham khảo đội pháp lý của chúng tôi tại Mỹ về khả năng chúng tôi có thể đưa yêu cầu tới Tòa Trọng tài để đẩy nhanh quá trình này” - Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay. 
Bên cạnh đó, với nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất ở các vùng biển đang có tranh cãi  trước khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết của mình, Ngoại trưởng Del Rosario nói rằng Manila có thể cũng sẽ yêu cầu Tòa ban hành một lệnh đình chỉ hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc tại các vùng biển đang tranh cãi trong khi vụ việc của Philippines đang được xem xét. 
Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã tụt dốc do những tuyên bố chủ quyền đối lập đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.