“Bữa tiệc chiến thắng” của ông Francois Hollande sau khi đánh bại ông Nicolas Sarkozy để trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên của nước Pháp trong vòng 17 năm qua được dự đoán sẽ rất ngắn ngủi.
Tổng thống đắc cử Francois Hollande vẫy chào những người ủng hộ tại quảng trường Bastille, thành phố Paris vào tối 6/5. Ảnh: AP |
Chân dung vị “tổng thống đi xe máy”
Francois Gérard Georges Hollande sinh ngày 12/6/1954 trong một gia đình trung lưu tại thành phố Rouen của nước Pháp. Mẹ ông là một nhà công tác chính trị còn cha là một bác sỹ. Chính trị gia 57 tuổi này gia nhập PS năm 1979, trở thành ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2012 sau cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng tháng 10/2011.
Ông Hollande từng học tập tại Trường Hành chính quốc gia ENA – trường đào tạo nhiều chính khách, quan chức chính quyền của Pháp – khóa năm 1980, cùng với người bạn đời đầu tiên đồng thời là cựu ứng cử viên tổng thống Ségolène Royal. Ngoài ra, ông Hollande cũng đã theo học các trường danh giá khác ở Pháp như Học viện thương mại Paris, Học viện Khoa học chính trị.
Ông Hollande là đại biểu hội đồng vùng Correze và từng là cố vấn về các vấn đề kinh tế của Tổng thống Francois Mitterrand. Hollande nắm quyền lãnh đạo PS từ năm 1997 đến 2008.
Tuy nhiên, ông Hollande chưa từng giữ một cương vị bộ trưởng trong chính quyền. Ông này được xem là người của sự đồng thuận, tập hợp trong nội bộ đảng PS. Bên cạnh đó, những người ủng hộ Hollande cho rằng hình ảnh khiêm tốn của ông khi lái đi xe máy đi làm chính là thể hiện của một quyết tâm sắt đá để lãnh đạo đất nước qua thời kỳ khó khăn.
Ông Hollande có 4 người con với người bạn đời không hôn thú Ségolène Royal. Hiện tại, ông sống chung với bà Valérie Trierweiler, 47 tuổi, là người dẫn chuyên đề chính trị và văn hóa của kênh truyền hình Direct 8. Cả 2 người phụ nữ trên đều được cho là có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông Hollande. Thậm chí, một số thông tin cho rằng, chính bà Trierweiler là người biên tập cho các bài phát biểu của ông Hollande trong suốt chiến dịch tranh cử.
“Tuần trăng mật” ngắn ngủi
Theo tờ New York Times, ông Hollande – người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5 – sẽ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Ông này sẽ phải tới Mỹ để dự một cuộc họp của nhóm 8 nước phát triển trong 2 ngày 18 và 19/5 và sau đó là một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Chicago trong 2 ngày 20 và 21/5. Tại cuộc họp này, tân tổng thống Pháp dự kiến sẽ bảo vệ lời hứa rút hết quân đội Pháp khỏi Afghanistan vào dịp cuối năm nay trước những thuyết phục từ bỏ ý định từ giới chức Mỹ và NATO.
Về mặt đối nội, mọi con mắt giờ đều đổ dồn vào ông Hollande, xem ông sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo của mình ra sao. Ông Hollande được nhìn nhận là một người ôn hòa trong khi nước Pháp lại đang cần người quyết liệt.
Chính vì thế, giới phân tích cho rằng, “bài toán” đầu tiên mà ông Hollande phải “giải” được chính là việc thành lập được một chính phủ mới vốn đang đầy mâu thuẫn giữa các đảng phái một cách êm xuôi. Chính phủ này sẽ phải đề ra và triển khai được các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng, sức mua, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng lượng việc làm mới cho lớp trẻ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách.
Ông Hollande từng khẳng định sẽ tăng các khoản thuế để đạt được tình trạng cân bằng ngân sách trong năm 2017. Tân tổng thống cũng cam kết sẽ tăng lương tối thiểu, thêm 60.000 giáo viên và giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống còn 60 đối với những lao động thủ công.
Trong một bài phát biểu trước một nhóm những người ủng hộ tại thị trấn quê nhà Tulle tối 6/5, ông Hollande đã hứa sẽ hướng các nỗ lực tài chính của Liên minh châu Âu tái tập trung vào tăng trưởng. “Nhiệm vụ của tôi giờ sẽ là: định hướng các dự án của châu Âu theo chiều tăng trưởng, tạo việc làm và sự thịnh vượng. Tôi sẽ trình bày vấn đề này sớm nhất có thể với các đối tác châu Âu của chúng ta – mà trước tiên là Đức” – ông Hollande nói.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, 81% trong số 46 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đã đi bỏ phiếu hôm 6/5 và là cuộc bầu cử có tỉ lệ cử tri đi bầu đông nhất kể từ năm 1974 cho đến nay. Hàng dài những người dân Pháp đã xếp hàng chờ bầu cử trong tiết trời mưa gió, thể hiện mong muốn mãnh liệt vào sự thay đổi cũng như tương lai kinh tế tương sáng hơn của đất nước.
Pierre Marcus – một công chức 59 tuổi – cho biết ông bỏ phiếu cho ứng viên Hollande vì hy vọng rằng chính phủ xã hội của ông sẽ có các bước đi đúng đắn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lên người dân bình thường.
“Chúng tôi đã phải chờ quá lâu cho một chiến thắng như thế này. Chúng tôi hạnh phúc vì tương lai của những đứa trẻ và hy vọng ông Francois Hollande sẽ khôi phục lại các giá trị của nước Cộng hòa” – một cựu binh già tên Jean-Luc Porcedo bày tỏ niềm vui trước chiến thắng của ứng viên cánh tả.
Minh Ngọc (Theo NYT, Reuters)