Là người điều hành DN, ông đã chuẩn bị cho mình hành trang thế nào để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành?
- Theo tôi nghĩ, DN Việt không thiếu sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế phẳng này với những điều kiện tiên quyết: Chất lượng sản phẩm dịch vụ phải tốt, chính sách marketing đúng đắn, khôn ngoan và phù hợp. Cuối cùng là cam kết và sự thực thi nghiêm túc các chế độ hậu mãi.
Ở Vị Xưa, hành trang mà chúng tôi có chính là niềm tin mãnh liệt vào sự thành công. Bên cạnh đó là tình yêu nghề nghiệp. Quan điểm của chúng tôi làm mọi việc không xuất phát từ lợi nhuận.
Nhờ chịu khó nghiên cứu và học hỏi từ những DN thành công đi trước, chúng tôi hiểu rằng lợi nhuận không bao giờ, và không nên là mục đích cho một DN khởi nghiệp, đặc biệt là ở một DN sản xuất.
Chúng ta khởi nghiệp với mong muốn cung cấp cho thị trường một thứ gì đó, có thể là 1 sản phẩm hay 1 dịch vụ. Mà chúng ta tin rằng hoặc sản phẩm dịch vụ của chúng ta độc đáo khác biệt, tốt hơn, hoặc rẻ hơn những thứ tương tự đang ở ngoài thị trường.
Và chúng ta nỗ lực, cố gắng làm điều đó thật hoàn hảo, theo cách riêng nào đó. Nếu thành công, lợi nhuận sẽ tự khắc đến.
Với tôi, không nên xem những nhà sản xuất khác là đối thủ mà là người chơi cùng. Kinh doanh cũng na ná như trò chơi vậy. Càng có nhiều người chơi thì càng có lợi và cũng càng có hại. Quan trọng là phải tận dụng được lợi và giảm thiểu hại.
Với một công ty thực phẩm, không dễ gì có ngay sản phẩm ngon, xuất sắc lấy lòng người tiêu dùng ngay được. Mà phải trải qua thời gian, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, thậm chí hy sinh hủy bỏ sản phẩm khi gặp lỗi hay không đạt thì mới thành công. Hành trang của chúng tôi chỉ có 2 thứ quan trọng nhất đó là niềm tin và lòng kiên trì.
Nhân sự luôn là vấn đề quan trọng mà DN quan tâm, ông có phương pháp gì để đối phó với xu hướng “chảy máu chất xám” đang ngày càng nghiêm trọng?
- Nhân sự luôn là vấn đề sống còn của DN. Ngoài cơm áo, gạo tiền, người lao động còn quan tâm tới nhiều thứ khác nữa (sự thăng tiến, được trân trọng, tình cảm đồng đội gắn bó, lòng trung thành với tổ chức…).
Vì vậy, ngoài việc giải quyết đầy đủ các nhu cầu cơ bản, chúng tôi luôn quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng, và nhu cầu của anh em. Trong công việc, không có khái niệm “sếp” hay “lính”, ai lớn tuổi làm anh, ai nhỏ làm em. Ngoài ra, tôi cũng tận dụng sức mạnh gia đình, họ hàng và anh em bạn bè.
Tôi biết, sẽ có nhiều người không đồng ý với quan điểm của tôi về vấn đề này, và tôi cũng đồng ý là mẫu hình này không phải là ưu việt khi so với mô hình của các công ty phương tây. Nhưng nó lại gần gũi và phù hợp với tính cách và quan niệm của người Việt Nam, vốn chuộng tình hơn chuộng lý, ưa thích sự ngọt ngào, nói có đầu có cuối.
Cách thức mà tôi áp dụng này đã thành công ở một số nước như các tổ chức Chaebol (Hàn Quốc), các công ty gia đình kiểu người Hoa, hay người Nhật…, hay chính trong các đoàn thể, tổ chức xã hội của ta cũng có những quan điểm và hành xử nhân sự kiểu này.
Việt Nam đang trở thành thị trường của nhiều ông chủ lớn đến từ các nước như Thái Lan, Singapore, Anh… Trước xu hướng “vươn ra biển lớn” của DN Việt, ông đã hoạch định cho mình kế hoạch, chiến lược gì để bắt đầu cuộc chơi lớn?
- Chiến lược của chúng tôi là tranh thủ sức mạnh nội lực của thị trường trong nước. Không lý gì các công ty nước ngoài coi thị trường 90 triệu dân Việt Nam là một thị trường béo bở với hàng loạt các thương vụ mua bán, sát nhập, thôn tính thương hiệu mà người Việt mình lại bỏ qua được.
Chúng tôi tin rằng, khi đã lấy được niềm tin của người Việt thì việc sánh vai với các thương hiệu nước ngoài không phải là chuyện quá khó. Theo tôi, thị trường trong nước là những giá trị tuyệt vời không thể và không nên bỏ qua.
Thực tế, thị trường Việt Nam còn bị bỏ ngỏ nhiều và đang dần bị chiếm lĩnh bởi các ông chủ lớn đến từ các nước phát triển. Nhưng các cụ xưa vẫn dạy: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Hãy cứ tận lực, cố gắng, kiên cường chiến đấu, thất bại ta lại làm lại. Khi chưa bị hủy diệt thì cứ tiếp tục, nhất định thành công sẽ đến. Tôi rất thích quan điểm của Hemingway: “Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại!”.
Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và vươn xa ra biển lớn, Công ty CP Thực phẩm Vị Xưa cần phải đáp ứng những tiêu chí nào, thưa ông?
- Thực tế, Vị Xưa luôn thiếu vốn, vốn để đầu tư cho việc nâng cao chất lượng và sản lượng sản xuất, rồi vốn cho các chiến lược marketing dài hơi, cho nhãn mác, thương hiệu. Đơn cử như vấn đề tem nhãn bao bì, thú thật là chúng tôi cũng chưa hài lòng lắm. Nhưng để có thể nâng tầm bao bì, nhãn mác là điều không đơn giản.
Khắc phục vấn đề này, chúng tôi học theo cách mà các cụ vẫn dạy: “Liệu cơm mà gắp mắm”, hay “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Qua quá trình này, chúng tôi cũng nhận thấy, không phải là dở khi chúng ta thiếu vốn, vì khi đó chúng ta mới học được những bài học rất quý từ tiết kiệm.
Ngoài ra, doanh nghiệp chúng tôi luôn thiếu người tài. Người tài thì thường có nhiều tham vọng, hay đòi hỏi thu nhập, lương thưởng tốt hơn, chức vụ cao hơn. Mà điều này khó đáp ứng vì thế họ rất dễ ra đi. Khắc phục vấn đề này, chúng tôi thực hiện chủ trương tuyển người trẻ, còn non và thiếu kinh nghiệm.
Nhưng chú trọng những tiêu chí như trung thực, siêng năng, cần cù và có khát vọng vươn lên. Chúng tôi sẽ phải tốn kém cho công việc đào tạo, huấn luyện, nhưng bù lại các nhân viên sẽ rất trung thành. Và qua quá trình này, cũng sẽ sàng lọc ra được người giỏi để đưa vào những vị trí chủ chốt.