Tổng Bí thư hội đàm chính thức với Tổng thống Barack Obama

(PLO) - Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 7/7 theo giờ địa phương (tức tối 7/7 giờ Việt Nam), tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng đã diễn cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN) 
Cùng dự hội đàm, về phía Việt Nam có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.
Về phía Hoa Kỳ, cùng dự hội đàm có Phó Tổng thống Joe Biden; Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice; Bộ trưởng Tài chính Jack Lew; Đại diện Thương mại Micheal Froman; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Tổng thống Obama nhiệt liệt hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama nhấn mạnh Hoa Kỳ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian tới vì lợi ích của hai nước và của khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ là chủ trương nhất quán, lâu dài của Việt Nam. Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.
Nhìn lại 20 năm qua, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, nhanh chóng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. 
Những kết quả đạt được cho thấy hướng đi đó là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hai bên cùng cho rằng chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama cùng bày tỏ tin tưởng, lạc quan về triển vọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hai bên đã trao đổi và nhất trí về các định hướng lớn nhằm phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, mở rộng các cơ chế tham vấn giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm; đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư làm nền tảng và động lực cho quan hệ song phương; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học, giáo dục, y tế và môi trường; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc triển khai có hiệu quả Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng; tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh; tiếp tục hợp tác sâu rộng, thực chất hơn nữa trên các cơ chế và diễn đàn đa phương nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới, trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP đối với sự phát triển của khu vực cũng như những đóng góp to lớn của TPP vào tăng trưởng và ổn định toàn cầu; cho rằng TPP với tiêu chuẩn cao cần tính tới trình độ phát triển của các thành viên, cần tôn trọng những khác biệt về chính trị, văn hóa của các nước tham gia, từ đó tạo xung lực mới, quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Hoa Kỳ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thắng thắn, cởi mở về vấn đề nhân quyền. Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục đối thoại và tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người một cách tổng thể luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Hoa Kỳ trên lĩnh vực này với tinh thần cởi mở và xây dựng.
Hai bên đã trao đổi về một số vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng khu vực và quốc tế, ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Về quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam ủng hộ nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên Đối tác chiến lược và sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và các nước liên quan khác nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, bảo đảm hiệu quả của các diễn đàn ARF, ADMM+, APEC và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong việc duy trì hòa bình, an ninh cũng như trong các dàn xếp về kinh tế, chính trị ở khu vực; mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ và phối hợp tốt với Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng mời Tổng thống Obama sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Obama cảm ơn Tổng Bí thư và vui vẻ nhận lời.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn, thực chất và cởi mở. Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Barack Obama vui mừng chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Trong thế kỷ 20, lịch sử hai nước có những trang đau đớn, triết lý chính trị, hệ thống chính trị hai nước có những khác biệt, nhưng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng hợp tác dựa trên nền tảng vì lợi ích và hạnh phúc của người dân và đã đạt được những kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận nhằm làm sâu sắc hơn những quan hệ trong khuôn khổ đối tác toàn diện. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về TPP nhằm nâng cao chuẩn về lao động, môi trường, mang lại thịnh vượng, tăng việc làm cho người dân; thảo luận về việc giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm thông thương trong khu vực và sự thịnh vượng của các quốc gia; về tăng cường trao đổi giữa nhân dân hai nước và những vấn đề quan trọng toàn cầu khác.
Về một số vấn đề còn khác biệt giữa hai bên, Tổng thống Obama tin tưởng sẽ được giải quyết thông qua những nỗ lực ngoại giao, không chỉ trong khuôn khổ song phương mà cả đa phương, thông qua hợp tác ASEAN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thân mật, xây dựng, thẳng thắng, chân tình. Từ hai nước “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa, nhờ tầm nhìn chiến lược, sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước và sự ủng hộ của nhân dân, vì quan hệ hai nước phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển hiện nay là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng. Trong lịch sử quan hệ hai nước có chương buồn, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, hai nước đã xây dựng được quan hệ đối tác toàn diện như hôm nay. Tổng Bí thư nhấn mạnh, quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi sâu rộng, hướng tới quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả phương diện song phương và đa phương, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.