Vẫn giữ nguyên câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết, mà thiết nghĩ rằng việc bám sát nguyên tác có lúc đã làm tác phẩm điện ảnh bị giới hạn ở một số chỗ, tuy nhiên bằng ngôn ngữ điện ảnh, Victor Vũ đã kể lại Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với một cảm xúc mới. Có thể nhận ra ngay cái tinh thần Victor Vũ chọn làm nổi bật cho tác phẩm của mình không phải là cái ác tự nhiên trong con người nhân vật Thiều, và đối lập với nó là bản chất hồn hậu của đứa em trai tên Tường đã được cuốn tiểu thuyết nhấn nhá. Cái tinh thần anh chọn là những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dù người ngoài cuộc có nhìn thấy tuổi thơ đó khắc nghiệt ra sao thì nó vẫn là được nhìn qua lăng kính của những đứa trẻ mà có lần Victor Vũ thổ lộ, anh từng là đứa anh trai ích kỷ trong câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Cũng không quá xa lạ với hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh vẫn giữ lại những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường. Nếu như Thiều vụng về, nhát gan và lại còn hơn thua thì Tường có tất cả những đức tính mà Thiều thiếu sót. Không tập trung phát họa phản diện - chính diện theo lối trắng đen phải trái, Victor Vũ đưa những thứ vừa nhắc đến kia vào một khoảng mờ.
Điều đáng trân trọng ở Victor Vũ là anh đã bắt đầu biết buông bỏ. Không cần tiếp xúc với Victor Vũ bên ngoài đời thực, chỉ tiếp cận anh qua phim cũng đủ thấy Victor là người “lụy” cốt chuyện và tình tiết như thế nào, “lụy” đến mức buộc bản thân phải xử lý những cái twist đôi khi khiên cưỡng, bằng chứng là chỉ mới đây không lâu thôi, ở trong Cô dâu đại chiến 2. Thế mà, nhẹ bâng, anh đã gần như bỏ qua những tình huống, thậm chí là có phần kịch tính nhằm khắc họa sự đối lập giữa hai tính cách của Thiều và Tường dẫn đến cao trào rồi cách thức giải quyết nó. Vậy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có gì?
Nét diễn hồn nhiên của diễn viên nhí trong phim cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Là những trò chơi trẻ thơ như rước đèn trung thu, thả diều, chọi đá. Là hình ảnh hai anh em mà người anh chỉ vừa xấu tính với đứa em trước đó vài phút, nhưng vài phút sau đã cùng nhau nô đùa bên giếng nước. Là những cơn mưa tắm mát tuổi thơ. Người lớn nhìn thấy cơn lũ đẩy họ tới đói nghèo. Còn những đứa trẻ nhìn thấy hồ nước tự nhiên xuất hiện trong nhà mình để thả thuyền giấy. Là cảnh ba đứa trẻ buồn bã bám tay vào khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời trong một ngày mưa. Là một ngày nọ, thằng bé thấy mình đang đứng đưa tiễn cô bạn cùng lớp ở một con đường rất dài, và chúng không bao giờ biết được khi nào sẽ gặp lại nhau. Những nỗi buồn lành mạnh là cảm xúc cần có với mỗi con người.
Cái lỗi đẹp đến độ “hư cấu” về một miền Trung nắng rát và khó nghèo bỗng nhiên được tha thứ. Phải, đẹp và sạch sẽ quá mức là khuyết điểm đầu tiên của bộ phim. Nó là nhược điểm của một đạo diễn không lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, cũng như chưa có trải nghiệm nhiều về nó. Ngay cả cảnh người đàn ông lao động cởi trần người lấm lem bồ hóng và mồ hôi nhễ nhại cũng lấp lánh quá mức cần thiết. Hình ảnh những người mẹ quê cũng đẹp ngời ngời. Rồi những đứa trẻ đói ăn, tôi ngửi được mùi thơm tho trên người chúng qua màn hình. Cả những con trâu chết trên đồng… Điều lo sợ nhất khi xem trailer đã biến thành hiện thực.
Song, vẫn biện hộ giúp Victor ở trường hợp này được, nếu chúng ta chịu khó trở về tuổi thơ. Tuổi thơ có thể khốc liệt, có thể hạnh phúc, nhưng mấy tuổi thơ biết cất tiếng phán xét hoặc bị phán xét, kiểu như cái nhìn này cường điệu quá, cái nhìn kia lộng lẫy quá. Và nếu đặt chính tâm hồn mình, những người từng có tuổi thơ qua mỗi khuôn hình. Không thể bắt thế giới quan của những đứa trẻ vô lo, hay giả như có gì lo lắng thì chính là “cô bạn cùng lớp” phải giống như người lớn được. Cái quan điểm này đã được Victor Vũ thể hiện ngay từ những thước phim đầu tiên. Để người lớn, lần nữa, được làm một đứa trẻ, đấy chẳng phải là điều hoang tưởng sao? Ấy vậy mà thông qua điện ảnh, Victor Vũ đã làm được.
Cái sự hồn nhiên, lắm lúc ngây ngô của phim đã nói lên điều đó. Không ít khuôn hình, nhà làm phim phải đấu tranh để giữ vững nhân sinh quan của trẻ thơ mà họ đã quyết liệt đặt máy quay từ góc nhìn ấy, thay vì đứng từ phía người lớn, những con người đã hiểu lắm sự đời để than thở một câu. Cái đẹp huyễn hoặc này nó trông giống những cái kết luôn luôn có hậu trong truyện cổ tích vậy.
Trong một bài phỏng vấn của tôi khi Victor Vũ còn đang chuẩn bị cho dự án phim này, anh đã trả lời rằng: “Là cảm giác của tôi thời còn đi học về điện ảnh, mới mà không mới, cái thời mà mọi thứ rất trong trẻo và cách mình nhìn điện ảnh hoàn toàn mộc mạc. Nó giống như một cuộc đối thoại giữa riêng mình với nghệ thuật, không cần phải suy nghĩ đến những vấn đề khác. Trong một phân đoạn, mình không cần quan tâm công thức, cao trào thế nào, kịch tính ra sao… cũng không cần nghĩ quá nhiều về phản ứng của khán giả.
Tôi muốn khi xem một bộ phim kiểu vậy, khán giả không bị chi phối bởi những thứ như kỹ thuật hay nội dung. Tất cả là cảm xúc và không khí mình tạo ra. Ví dụ, một người ngồi ngoài sân, anh ta chảy mồ hôi, nội dung chính của cảnh đó là chảy mồ hôi, vậy thôi. Tôi muốn né cụm từ “phim nghệ thuật”, tôi không dùng nó, bởi bản thân tôi nghĩ phim nào cũng là nghệ thuật”.
Những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường trong tác phẩm điện ảnh vẫn được giữ lại như trong tiểu thuyết |
Nếu phim chia làm hai phần, phần đầu là câu chuyện của Thiều, phần sau là đất diễn của Tường thì thông qua phần đầu tiên, Victor Vũ đã thực hiện được “cuộc đối thoại giữa riêng anh với nghệ thuật” mà anh mong muốn. Nó không được phác họa bằng việc câu chuyện này sẽ hấp dẫn bao nhiêu, và nó sẽ hút khách thế nào. Cuộc đối thoại ấy là cuộc đối mặt với cảm xúc cá nhân, nó cho người ta biết được phần nào con người của anh ta. Ở phân đoạn đó, điều gì là nỗi buồn? Điều gì là niềm vui? Nó rất giản dị. Những góc quay cận cảnh đặc tả tâm trạng nhân vật Thiều, cứ xoay đi xoay lại và man mác buồn, liệu nó là cuộc đối thoại của Thiều, của Victor Vũ hay của những người xem với những gì thuộc về ngày hôm qua?
Nhưng Victor Vũ đã không thể xử lý tốt hơn ở phần hai. Bộ phim dường như không cần thiết phải có câu chuyện của cậu em trai và “nàng công chúa” tưởng tượng. Nó không nhất định phải theo đúng nguyên tác để rồi bận loay hoay với những tình huống nên nằm ở trong cuốn sách hơn là trên màn hình, Victor Vũ đã để vuột mất sợi dây kết nối những cảm xúc nuột nà mà anh cất công tạo ra. Thật sự đáng tiếc!
Đừng phê phán flycam tùy tiện. Flycam của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không giống flycam của VTV, đâu khiến khán giả phải tiếc nuối vì bị bỏ qua cái gì lớn lao như bàn thắng của Tuấn Anh hồi U.19 đá cúp Đông Nam Á. Nhà quay phim K’Linh Nguyễn vẫn giữ nguyên phong độ của anh dù là quay một tác phẩm đậm chất nghệ thuật như Cha, con và…, một tác phẩm giải trí thuần túy như Quả tim máu hay một tác phẩm thể nghiệm cảm xúc, phải, và cũng là thể nghiệm ở nghĩa đen đối với người chuyên trị dòng phim ly kỳ như Victor Vũ.
Sẽ là thiếu công bằng nếu bỏ qua đóng góp lớn lao của âm nhạc. Nhà soạn nhạc Christopher Wrong, ở lần đồng hành này với Victor Vũ, đã cho thấy sự nâng đỡ của âm nhạc dành cho hình ảnh. Bài hát Thằng cuội của nhạc sĩ Lê Thương đã làm biết bao ký ức tuổi thơ sống dậy. Không riêng Thiều, Tường và đạo diễn, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng là một “thằng cuội già ôm một mối mơ…”. Và không quên nhắc đến khâu dựng phim. Tôi nghĩ Victor Vũ đã có những cộng sự rất tốt.
Cuối cùng, điều làm người xem dễ chịu nhất ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là thái độ của người đạo diễn đối với cảm xúc của cá nhân anh. Nó rất có thể là ký ức của cảm xúc chứ không hẳn là cảm xúc. Bộ phim còn một số điểm chưa tốt, việc quá sạch sẽ đã nhắc đến ở trên là một điển hình, nhưng một cách vừa vặn, nó thể hiện đó là cái nhìn trung thực của đạo diễn, không phải “lực bất tòng tâm” làm không tới để rồi bị bối rối hay gồng gượng. Nó là cái nhìn chủ quan của anh ta.
Anh ta chọn cho đi những điều trong trẻo, miễn là cái trạng thái trong trẻo đấy nó chính xác thì chúng ta tiếp nhận, thế thôi.