Tới lúc thu phí khí thải xe cộ hay chưa?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rất nhiều người có lẽ đã rơi vào tình huống gặp những chiếc xe cũ rích ì ạch chạy trên đường, phun khói mù mịt. Cả trăm, ngàn người trên một đoạn đường có thể cùng chung cảnh ngạt thở chỉ vì một chiếc xe như vậy.

Đó có thể là lý do khiến một số tỉnh, thành khi được đề nghị cho ý kiến với dự thảo Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường với khí thải đã nêu rõ nên đề nghị thu phí với ô tô và xe máy. Đề xuất của một số địa phương như vậy là có lý, vì xét cho cùng, các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong, dù mới hay cũ, hiện đại hay “cổ lỗ sĩ”, thì đều phát khí thải gây ô nhiễm môi trường, mức độ ít hay nhiều mà thôi.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, mới đây trong tờ trình dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất trên. Theo giải thích của Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường với khí thải là chính sách thu mới. Hiện pháp luật chuyên ngành chưa xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải với phương tiện giao thông. Do đó, chưa có cơ sở để xác định mức phí phải nộp với phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, việc quy định thu phí khí thải với xe cộ không khả thi, đặc biệt là thu phí này với xe máy. Bởi phần lớn xe máy là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp. Việc thu phí bảo vệ môi trường với xe máy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. “Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo nghị định chưa quy định thu phí với phương tiện giao thông trong giai đoạn này”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Về góc độ chuyên gia, còn có một số nguyên nhân khác khiến đề xuất thu phí đối với khí thải xe cộ chưa nên áp dụng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Thứ nhất, từ kinh nghiệm quốc tế, hiện các nước chỉ tập trung thu phí khí thải đối với các cơ sở sản xuất. Thứ hai, phương tiện giao thông ở Việt Nam hiện đã được thu thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng dầu. Sắc thuế này được đánh giá đã bảo đảm thu triệt để với xe cộ phát thải. Nếu thu thêm phí khí thải, có thể dẫn đến tình trạng phí chồng phí.

Từ những quan điểm, đánh giá nhận định như trên, có thể thấy đề xuất của một số địa phương thu phí bảo vệ môi trường với khí thải với ô tô và xe máy là có lý, nhưng chưa phù hợp áp dụng hiện nay.

Vậy với những chiếc xe “đồng nát” vẫn ngày ngày phun khói mù mịt vào môi trường thì sao? Có lẽ chúng ta cũng nên tính toán đến chuyện “siết” tiêu chuẩn với những chiếc xe mới xuất xưởng, để làm sao nhà sản xuất và người tiêu dùng chỉ ưa chuộng những chiếc xe “ăn” ít xăng nhất, xả khí thải ít nhất. Quy định về xử lý xe “đồng nát” cũng đã có, lực lượng chức năng cần xử lý đúng quy định với những chiếc xe quá ô nhiễm, tịch thu, tiêu hủy. Nếu phương tiện đó là “cần câu cơm” duy nhất của người nghèo thì cũng cần tính toán chuyện Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp họ mua phương tiện mới. Bảo vệ môi trường, không chỉ một việc cụ thể như thu phí hay cấm cản là xong, mà cần đồng bộ nhiều giải pháp.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.