Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty An Thiên Lý khá bất ngờ khi nhận được văn bản số 1451/UBND.ĐT ngày 20/3/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc “yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc về đền bù và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.
Văn bản này như một “tối hậu thư” đối với nhà đầu tư vì nó có nội dung như sau: “Yêu cầu Công ty An Thiên Lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đền bù với dân và các việc liên quan để triển khai Dự án, đảm bảo tiến độ cam kết với tỉnh. Nếu sau ngày 30/4/2010, Công ty An Thiên Lý không xử lý xong các vướng mắc thì Công ty chấm dứt việc thực hiện dự án. Mọi chi phí đã bỏ ra liên quan đến Dự án Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và không được bồi hoàn”.
Ông Nguyễn Cảnh Hà bức xúc, nói: “ Quá trình thực hiện dự án của công ty chúng tôi từ đầu đến nay là đúng. Chúng tôi đang thực hiện dự án thì gặp phải sự khiếu kiện của dân. Doanh nghiệp không sai, không biết tại sao chính quyền ra tối hậu thư như vậy”.
Theo hồ sơ ông Nguyễn Cảnh Hà cung cấp thì quá trình thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thiên Lý tại hai xã Đà Sơn và Lạc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An diễn ra đúng trình tự. Dự án được sự đồng ý chấp thuận của các cấp chính quyền từ xã Lạc Sơn, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Sở Kế Hoạch – Đầu Tư Nghệ An, Sở Xây Dựng Nghệ An, Sở Tài Nguyên – Môi Trường Nghệ An, Bộ Tài Nguyên – Môi Trường và Thủ tướng chính phủ. Trong đó quan trọng nhất là Quyết định số 300/QĐ.UBND-ĐT ngày 21/01/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Thiên Lý, và Công văn số 183/TTg-KTN ngày 27/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng khu dân cư Thiên Lý tại hai xã Đà Sơn và Lạc Sơn.
Người dân cho rằng, theo hợp đồng họ chuyển nhượng đất cho Cty An Thiên Lý trong 8 năm (đất nông nghiệp được giao 20 năm, nhưng dân đã sử dụng 12 năm), khi hết 8 năm thì dân có quyền đòi lại đất. Về điểm này, LS Nguyễn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Dân Luật, Đoàn LS TPHCM phân tích, nếu lập luận như người dân để đòi lại đất thì tất cả việc mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp mà hết thời hạn sử dụng ghi trên sổ đỏ thì người chuyển nhượng có quyền đòi lại. Nếu làm thế thì rất nhiều dự án phải bị chấm dứt, vì đa số dự án đều thực hiện từ việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp.
Về việc chuyển nhượng đất, LS Nguyễn Cường cho rằng các hộ dân đã đồng ý chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Kim Liên và Nguyễn Thị Hồng, đây là giao dịch dân sự có làm hợp đồng và được sự thỏa thuận, đồng ý tự nguyện của cả hai bên. “Việc chuyển nhượng trên là hoàn toàn đúng pháp luật: dân đã nhận tiền, đã có cơ quan chức năng của xã, huyện xác nhận, đã đóng tiền thuế trước bạ, thuế chuyển tên cho nhà nước và đã sang tên sổ đỏ. Như vậy người chuyển nhượng đã hết quyền định đoạt. Vấn đề còn lại là thoả thuận giữa bà Liên, bà Hồng với Công ty An Thiên Lý mà thôi”- LS Cường khẳng định.
Là người con của Nghệ An, với mong muốn xây dựng quê hương, ông Nguyễn Cảnh Hà đã không chọn TP Vinh hay chọn thị trấn Đô Lương để đầu tư, mà chọn ngay quê nhà xã Lạc Sơn để thực hiện dự án. Là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM, muốn chia sẻ với những khó khăn của quê hương, hàng năm ông Nguyễn Cảnh Hà đều dành ra một khoản tiền để ủng hộ cho các quỹ từ thiện ở quê nhà, như: xây dựng cầu Chôm Lôm, xây dựng đài tưởng niệm Truông Bồn, chương trình Mái ấm biên cương….
Thế nhưng, người dân sau khi đã chuyển nhượng đất, nay gây cản trở cho nhà đầu tư là điều làm ông Hà khá buồn. Ông Hà tâm sự: “Là nhà đầu tư, tôi cũng biết bổn phận của mình là phải hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong khu vực dự án. Tuy nhiên tôi cũng mong cơ quan chức năng tạo điều kiện để dự án triển khai sớm, chứ vì khiếu nại của dân mà chấm dứt dự án là quá thiệt thòi cho doanh nghiệp”.
Được biết trong cuộc trao đổi với phóng viên báo PLVN trước đó, đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã nói rằng Dự án khu đô thị mới Thiên Lý cần được triển khai sớm. Nhưng với “tối hậu thư” như trên, liệu nhà đầu tư và người dân có tìm được tiếng nói chung trước 30/04, không nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, và hậu quả “chấm dứt dự án” liệu có công bằng đối với doanh nghiệp?
Nhóm PV