Vậy mà đã qua 35 năm, ngày tôi rời Việt Nam. Trong 20 năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam. Lần nào bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, tôi vẫn luôn mang một nỗi sợ hãi thầm kín là không biết là mình có bị trục xuất hay không. Nhưng lần này, tôi về lại quê nhà với một tâm trạng khác. Tôi được chính thức mời trở lại Việt Nam.
Tôi đã phân vân suốt cả tháng trời là có nên đi dự "Hội nghị Người Việt ở nước ngoài". Với tư cách là Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân Việt Mỹ, tôi có nhiều lý do để tham dự. Cùng về với tôi trên các đường bay khác là một phái đoàn bao gồm những thương gia và chuyên gia. Trên chuyến bay từ San Francisco về đến sân bay Nội Bài ngày 20/11, tôi chỉ đi một mình. Vừa bước tới quầy thủ tục nhập cảnh ở Nội Bài, tôi đã được hướng dẫn vào lối đi dành cho đại biểu kiều bào về tham dự Đại hội. Một sĩ quan cấp tá đón tiếp tôi và đóng dấu ngay lập tức vào tờ khai nhập cảnh, chào tôi nghiêm chỉnh. Đến khách sạn, chúng tôi cũng được chào đón thân mật. Ở đâu, trên khuôn mặt nào, tôi cũng chỉ thấy những nụ cười, những lời chào hỏi trân trọng.
Các đại biểu Việt kiều về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, tháng 11/2009. |
Phòng trọ của tôi ở khách sạn Thắng Lợi, nằm ngay trên mặt nước Hồ Tây. Tôi bước ra ban công, nhìn ra xa bên kia bờ là đường Thanh Niên và phố Thuỵ Khuê. Tôi chợt nhận ra một Hà Nội mà chưa bao giờ mình biết đến - dù rằng tôi đã đến xứ Thăng Long này biết bao lần. Sau khi tắm rửa, thay quần áo, tôi đi xuống phòng ăn. Gặp nhiều anh chị em, có người tôi từng quen biết, có người không nhưng tất cả đều là những khuôn mặt tươi vui bắt tay nhau như cùng hát vang bài của chàng Sơn thủa nọ: Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau, mừng như bão táp quay cuồng. Trời rộng. Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam. Ở trong khung cảnh này, tôi đọc được những tâm trạng không cô đơn của những con người nặng lòng với đất nước.
Sáng sớm hôm sau, ngày 21/11, phái đoàn chúng tôi lên xe buýt đi về trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Đến ngày thứ hai của Hội nghị, trong các khóa hội thảo chuyên ngành, tôi tham dự phiên "Trí thức và chuyên gia". Có một giáo sư kiến trúc, về từ Pháp, tôi chỉ nhớ tên là Trường, khoảng 65-70 tuổi, đã tâm sự chuyện ông về Việt Nam giảng dạy suốt nhiều năm qua. Không lương bổng và không được trả bất cứ chi phí nào, nhưng ông đã kèm dạy nhiều lớp sinh viên trong ngành xây dựng và kiến trúc, cũng như khiêm tốn làm việc với các ban ngành của chính phủ về các vấn đề xây dựng và quy hoạch thành phố.
Tôi tự hỏi mình có làm được như thế không? Có làm như vậy mới xứng đáng với vai trò trí thức của mình. Tôi tự vui mừng và hãnh diện vì trong hàng lớp nhà giáo gốc Việt ở hải ngoại đang có nhiều anh chị em về Việt Nam âm thầm làm việc, đóng góp như vậy.
Ngày thứ ba của Hội nghị, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài Tiến Quân Ca được vang cao trong cả hội trường. Lạ thật. Tôi chưa hề từng nghe Quốc ca Việt Nam trong khung cảnh thể thức như thế. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ và ngạc nhiên khi thấy hầu hết - kể cả những người mà tôi không ngờ - đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Trong không khí vang ầm của lời ca, tôi lại lắng nghe từ Paul Ricoeur, "Đây là ý chí hồn nhiên thứ hai, khi con người đã bước ra khỏi hồn nhiên thứ nhất, trở về lại để tìm ra nó như là một niềm hạnh phúc nguyên sơ". Tôi cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về.
Ngày hôm sau, 24/11, trên suốt chuyến bay để "đi" California - không phải là "về" như bao lần - tôi thấy chính mình đang mang tiếp được một nỗi bình an ngày hôm trước... Ôi hỡi quê hương Việt Nam, lần này, tôi đã thực sự trở về!