Giữa núi rừng Tây Bắc vào xuân đẹp đến ngỡ ngàng, trong chuyến đi thực địa thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam thực hiện tại địa bàn Văn Chấn - Yên Bái và Quỳnh Lưu - Nghệ An với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên Hợp quốc – UNTF, bà Carol Mortensen đã dành cho phóng viên PLVN một cuộc trao đổi đầy chân tình, cởi mở.
- Từ đất nước New Zealand xa xôi, đến với Việt Nam để hỗ trợ khắc phục tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, hẳn rằng bà có những tâm nguyện của riêng mình?
- Đúng là như vậy, tính đến nay tôi đã có 23 năm làm việc với vấn đề bình đẳng giới và trong 23 năm đó, tôi luôn giữ cho mình một tâm niệm, một mục đích để hướng tới. Đó là: “Bạo lực giới, nếu không được thường xuyên nói đến thì sẽ không bao giờ thay đổi được”.
Tại sao tôi lại suy nghĩ như thế, bởi bạo lực giới có rất nhiều nguyên nhân như từ định kiến giới (nam giới đề cao vai trò của mình và hạ thấp vai trò của nữ giới; bản thân nữ giới cũng tin và chấp nhận về vai trò kém hơn của mình…); từ hoàn cảnh khách quan chiến tranh, đói nghèo… Với nguyên nhân này, bạo lực giới xảy ra ở khắp nơi, mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi giới tính, chính vì thế nên nếu chúng ta không đề cập đến nó, không lên tiếng về nó thì vấn đề mãi mãi sẽ không bao giờ giải quyết được.
Tôi may mắn sinh ra trong một hoàn cảnh hạnh phúc, không phải chịu bạo lực giới, nhưng không vì thế mà tôi không thấu hiểu vấn đề mình đang đối mặt và quyết tâm ngăn chặn nó vì quyền lợi của phụ nữ nói riêng và mọi giới nói chung.
- Được biết bà đã ở Việt Nam gần 5 năm cho công việc này, những năm tháng ở đất nước chúng tôi, điều gì đã khiến bà ấn tượng nhất trong phạm vi công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin kể một vài kỷ niệm. Với vai trò là hỗ trợ cho người bị bạo lực giới, Tổ chức Hagar đã hỗ trợ cho một thân chủ là nạn nhân của bạo lực giới từ khi em ấy còn nhỏ và hiện nay em ấy đang là sinh viên của một trường đại học ở Việt Nam khoa công tác xã hội. Em ấy tâm sự rằng chọn ngành học này, để có thể trao lại cho đời những gì em ấy đã được nhận và tôi hy vọng rằng sau này khi ra trường em sẽ vào làm ở một nơi nào đó có thể giúp em ấy hoàn thành tâm nguyện tốt đẹp của mình. Với em ấy, dù mới bước qua khỏi quá khứ đau buồn nhưng đã vươn lên và nghĩ tới người khác, điều đó làm tôi thật sự khâm phục.
Bà Carol Mortensen (ngoài cùng, bên phải) và đoàn công tác của Tổ chức Hagar Quốc tế tham quan Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ tỉnh Yên Bái (nguồn ảnh Báo Yên Bái) |
Câu chuyện thứ hai là về một bà mẹ có hai người con gái 14 và 16 tuổi. Vì cuộc sống khó khăn nên cả ba mẹ con sang bên kia biên giới tìm việc và rơi vào cạm bẫy mua bán người. Cô con gái 16 tuổi tiếp tục bị bán đi chỗ khác, còn người mẹ và cô con gái nhỏ được giải cứu. Họ phải đứng trước sự lựa chọn quay về Việt Nam và để lại người con gái lớn chưa có tin tức gì, hoặc tiếp tục ở lại trên đất nước xa lạ để đi tìm người thân của mình. Cuối cùng hai mẹ con đã quyết định quay trở về Việt Nam và cũng từ đó mỗi buổi sáng họ đều thức dậy với nỗi niềm đau đáu rằng người thân của mình vẫn lưu lạc nơi đất khách quê người. Cuộc sống sau trở về của hai mẹ con rất khó khăn, nhưng họ từ chối nhận hỗ trợ về kinh tế từ Hagar mà chỉ nhận hỗ trợ tâm lý. Tiếp cận với họ, điều tôi cảm nhận được là quyết tâm và khát vọng nung nấu sẽ tự mình vươn lên, sống tốt để có cơ hội đi tìm lại người thân của mình.
Sau hai câu chuyện này và rất nhiều câu chuyện khác, tôi thật sự thấy rất ấn tượng về nghị lực của phụ nữ Việt Nam. Dù rằng họ là những người đang phải chịu sang chấn vì bạo lực giới như bạo lực gia đình, mua bán người…, nhưng sau tất cả họ đã không từ bỏ hy vọng, không thụ động, chủ động đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi bản thân mình và vẫn tiếp tục chăm sóc gia đình, người thân, nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình. Tiếp xúc với họ tôi không chỉ thấy khâm phục họ, mà còn thấy trách nhiệm của mình là cố gắng hơn nữa để giúp những người phụ nữ Việt Nam hiện thực hóa được ước mơ của họ.
Tôi có một cô con gái năm nay 18 tuổi, con gái tôi rất yêu Hà Nội và không hề muốn rời Việt Nam. Nhìn con gái có cuộc sống an toàn, hạnh phúc, tôi luôn mong muốn rằng mọi trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em gái sẽ đều có được cuộc sống như thế. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân tôi cũng như rất nhiều người. Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi đến Việt Nam, tôi đã có gần 18 năm làm việc ở Campuchia với cùng một công việc và ở Việt Nam, năng lực làm việc của cán bộ công tác xã hội với vấn đề bạo lực giới đã để lại cho tôi một ấn tượng rất mạnh.
- Bà nhận định phụ nữ Việt Nam rất có nghị lực để vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, nhưng trong đời thường nhiều người trong số họ ngày ngày phải cam chịu bạo lực giới. Bà có nhìn thấy mâu thuẫn này và và trăn trở về nó hay không?
- Cảm ơn bạn về một câu hỏi rất hay và đã chạm tới vấn đề mà bấy lâu nay tôi trăn trở. Đây đúng thực sự là một điều khó hiểu, nhưng theo tôi có hai yếu tố khiến người phụ nữ Việt Nam tuy mạnh mẽ thế mà vẫn phải chịu đựng bạo lực giới. Đó là tư duy truyền thống áp đặt lên vai trò của người phụ nữ và quan niệm của cộng đồng xã hội về phụ nữ. Tôi đã từng gặp những người phụ nữ khi ra ngoài xã hội họ là con người rất năng nổ, thành công, nhưng khi về nhà thì khác hoàn toàn, thậm chí mình nghĩ gì, muốn gì cũng không dám đề đạt. Nguyên nhân của vấn đề này là tư duy truyền thống áp đặt lên vai trò của người phụ nữ và quan niệm của cộng đồng xã hội về phụ nữ, khiến cho nam giới quá đề cao vai trò của mình dẫn tới sự gia trưởng, độc đoán, áp đặt, còn phụ nữ thì tự mặc định mình phải trở thành con người khuôn mẫu vợ tốt, mẹ tốt và xứng đáng chịu bạo lực thể chất, tinh thần nếu hai “nhiệm vụ” này không hoàn thành.
Làm gì để thay đổi, đó là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình mỗi ngày khi làm việc ở Việt Nam. Qua quá trình làm việc tôi nhận thấy để thay đổi chỉ có con đường là phải dũng cảm lên tiếng về bạo lực giới mà phụ nữ đang phải gánh chịu, để cộng đồng thấy rằng đây không phải là vấn đề riêng tư sau cánh cửa gia đình, mà là vấn nạn đang kéo lùi sự tiến bộ. Lên tiếng để người lãnh đạo xã hội, cộng đồng nhận thức và nhận biết được vấn đề vì vai trò của họ rất quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực giới trong cộng đồng. Và với vai trò hỗ trợ Hagar thì còn một vấn đề nữa là chia sẻ cách lắng nghe người bị bạo lực giới, không phán xét, không đưa ra nhận xét, khuyên bảo, để họ có hiểu rằng việc mình bị bạo lực là sai chứ không phải do lỗi của họ, từ đó họ có thể nhận được sự trợ giúp để thay đổi.
- Câu hỏi cuối cùng thưa bà, như bà đã biết pháp luật đóng vai trò không thể thiếu trong việc ngăn chặn tiến tới xóa bỏ bạo lực giới. Hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, có câu “lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” nên luật pháp luôn cần phải được hoàn thiện để phát huy tính khả thi cao nhất. Là chuyên gia với kinh nghiệm làm việc lâu nay tại nhiều quốc gia, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Vừa rồi bạn và tôi đều đã nghe chia sẻ của chị cán bộ Hội Phụ nữ ở Yên Bái rằng, để răn đe những hành vi bạo lực giới và người gây ra bạo lực thì trong thực tiễn cần rất nhiều phương án linh hoạt không được luật đề cập như nhắc nhở trong phạm vi cộng đồng, lao động công ích… Qua chia sẻ này có thể thấy để luật có thể đi vào thực tiễn vấn đề một cách tốt nhất thì quay ngược lại thực tiễn cũng phải được phản ánh một cách kịp thời nhất đến những nhà làm luật để họ cập nhật. Và đó là trách nhiệm của rất nhiều bên, trong đó có các tổ chức hoạt động phi chính phủ (NGO) như Hagar chúng tôi.
Vẫn biết rằng quá trình xây dựng, sửa đổi luật thì dài và luôn phức tạp, nhưng tôi tin rằng từng hành động nhỏ như vậy sẽ “góp gió thành bão” nói như ngạn ngữ Việt Nam các bạn, để tới được với các nhà làm luật và thu hút sự quan tâm của họ, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn bà, mong những tháng ngày ở Việt Nam luôn là kỷ niệm đẹp trong bà!
Hagar là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương. Năm 2009, Hagar Việt Nam được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn. Các dịch vụ miễn phí Hagar cung cấp bao gồm: Nhà ở an toàn; Chăm sóc y tế; Hỗ trợ pháp lý; Tham vấn và trị liệu tâm lý; Hỗ trợ học nghề và kết nối việc làm; Giáo dục và đào tạo kỹ năng sống. Hiện Haga đang thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” tại hai tỉnh Yên Bái và Nghệ An. Sau thời gian thực hiện, kết quả sơ bộ cho thấy dự án đã tạo ra những thay đổi đáng ghi nhận về vấn đề phòng chống bạo lực giới và hỗ trợ người bị bạo lực giới tại hai địa phương này.