Những năm 2000, Quảng Nam nở rộ hiện tượng khai thác vàng trái phép. Ăn theo, nhiều đối tượng cũng bắt đầu mua bán, cung cấp hóa chất Cyanua (chất cực độc dùng để đãi lấy vàng).
Mờ mắt trước lợi nhuận khổng lồ, Trần Thị Thùy Trang (SN 1954, ngụ thôn Diêm Phổ 2, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) đã lôi kéo người thân, bắt mối nhiều đối tượng khác thiết lập đường dây buôn bán cyanua lớn bậc nhất miền Trung, rồi ném gần nửa tấn chất độc xuống sông để phi tang vật chứng.
Tôm cá bất ngờ chết trắng sông
Từ những ngày giữa tháng 3/2002, dọc sông Trường Giang đoạn chảy qua khu vực các xã Tam Anh, Tam Hiệp, Tam Hòa (huyện Núi Thành), người ta ghi nhận hiện tượng tôm cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Nhiều gia đình đầu tư hồ nuôi tôm, có dòng nước thông ra sông cũng gặp tình trạng tương tự.
Tổn thất nặng nề, các hộ dân vừa phản ánh lên chính quyền, vừa tự tìm hiểu nguyên nhân, phát hiện bốn bao tải khả nghi bị dìm xuống nước.
Tiếp nhận thông tin, Công an huyện phối hợp Công an xã Tam Anh tổ chức trục vớt bốn bao tải nói trên, xác định trong đó chứa chất cyanua đang quá trình tan rã.
Xét nghiệm mẫu nước xung quanh khu vực, nhận thấy đều có hàm lượng cyanua rất cao. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, công an huyện báo cáo lên cấp trên. Vào cuộc, công an tỉnh nhận định, khả năng đây là “hàng” của một đường dây buôn lậu, các đối tượng đã vứt xuống sông để phi tang vật chứng.
Qua một ngày sàng lọc, nguồn tin trinh sát cho biết, trước đó khoảng một tuần, từ tin báo của quần chúng nhân dân, Công an TP. Tam Kỳ bắt quả tang tại nhà Nguyễn Đức Được (SN 1958) và Chung Thị Bài (SN 1959, ngụ phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, chủ xe khách chạy tuyến Chu Lai - Đà Nẵng) tàng trữ 750 kg Cyanua.
Quá trình đấu tranh, vợ chồng chủ xe khai số hàng trên của Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1957, ngụ phường An Mỹ, Tam Kỳ). Được khai nhận đã nhiều lần được Hiền và Trần Thị Thùy Trang (SN 1954, ngụ thôn Diêm Phổ 2, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) thuê nhận hàng từ các chuyến xe Hà Nội - Gia Lai chở về nhà Trang, hoặc chở ra nhà Được giấu rồi giao cho những người mua.
Lần theo các manh mối, cơ quan điều tra xác định, ngày 4/3/2002, Trang gửi tiền ra Hà Nội đặt mua 1.600 kg Cyanua (trong đó Trang mua 600 kg, Hiền mua 1.000 kg) nhờ chuyển vào bằng xe khách. Khoảng 2h sáng ngày 6/3/2002, theo yêu cầu của Trang và Hiền, vợ chồng Được - Bài đánh xe vào xã Tam Anh để nhận số hàng chuyển từ Hà Nội đến.
Xe Được sau đó chở hàng đến nhà Trang, bỏ xuống đây 600 kg, còn lại .000 kg chở về giấu tại nhà Được ở Tam Kỳ. Trong ngày 6/3, Được đã giao cho các bạn hàng của Hiền 250kg, còn giữ lại 750kg thì bị công an TP. Tam Kỳ phát hiện bắt giữ.
Cảnh sát nhận thấy nhà Trang gần khúc sông phát hiện bốn bao tải chất độc. Trang làm nghề buôn bán, nhà có có xe ô tô, thường chạy đi giao hàng lên cả các huyện miền núi nơi có nhiều bãi khai thác vàng trái phép. Cảnh sát lập tức triệu tập các đối tượng.
Mua bán… 94 tấn hóa chất “tử thần”
Tại cơ quan điều tra, Trang khai, từ năm 1992 - 1995, do gia đình có xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Hà Nội nên biết một công ty hóa chất (trụ sở trên đường Lê Thánh Tông, TP. Hà Nội) bán cyanua. Đầu năm 2000, Trang trực tiếp đến gặp ông Ngô Xuân Trường, phó giám đốc công ty hóa chất này đặt vấn đề mua cyanua về bán lại cho các chủ hầm khai thác vàng ở khu vực huyện Phước Sơn, Bắc Trà My (Quảng Nam).
Trong quá trình mua bán cyanua lên các bãi vàng, Trang quen biết Hiền, một người hành nghề buôn bán cyanua từ trước. Hai đối tượng bắt tay làm ăn.
Quá trình mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, Trang còn lôi kéo con trai Hoàng Tấn Thành (SN 1979), Hoàng Thanh Tân (SN 1975) và con rể Đoàn Văn Dũng (SN 1980) tham gia.
Vì sao lại ném bốn bao cyanua xuống sông? Sau khi biết vợ chồng Được - Bài bị bắt, Trang sai con trai tên Thành và hai thanh niên khác dồn 600 kg hóa chất vào 12 bao ni lon loại lớn để chống thấm nước, giấu sát bờ sông ngay phía sau nhà. Thế nhưng sau đó ít tiếng, phát hiện các bao đựng hóa chất bị thấm ướt, rò rỉ do ngập nước thủy triều lên, Trang ra lệnh dìm luôn bốn bao (tổng trọng lượng 425 kg) xuống sông, số còn lại khoảng 125kg Trang đem bán cho Lê Thị An (SN 1967, ngụ khối phố 2, An Xuân, Tam Kỳ).
Một nông dân trắng tay sau hành động phi tang chứng cứ của nhóm người buôn chất độc |
Kết quả điều tra cho thấy, chỉ trong vòng hai năm (từ 2000 – 2002), số cyanua mà Trang và Hiền mua từ công ty hóa chất lên đến gần 94 tấn, trong đó Hiền mua 71 lần với 61.868 kg, Trang mua 69 lần với 31.932 kg.
Kết quả điều tra về mức độ ảnh hưởng của bốn bao tải cyanua nằm dưới lòng sông, có 171 hộ nuôi tôm của ba xã xung quanh bị ô nhiễm, thiệt hại hơn 1,5 tỉ. Một thời gian dài sau khi trục vớt bốn bao chất độc, nhiều hộ dân trở lại đầu tư hồ tôm vẫn tiếp tục bị thất bại nặng nề do chất độc đã ngấm vào đất.
Lực lượng chức năng cũng bị thiệt hại về người trong vụ này. Quá trình trục vớt bốn bao chất độc, hai công an viên xã Tam Anh gồm anh Nguyễn Giỏi và Đỗ Văn Sinh cũng bị nhiễm cyanua, tỷ lệ tổn hại sức khỏe mỗi người lên đến 21%.
Ngày 21/5/2002, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất độc. Có tới gần 30 đối tượng liên quan trực tiếp đến đường dây bị truy tố về tội danh nêu trên và tội không tố giác tội phạm.
Trần Thị Thùy Trang bị tuyên phạt 18 năm tù, Hoàng Tấn Thành 15 năm tù, Đoàn Văn Dũng 10 năm tù, Nguyễn Đức Được 10 năm tù, Nguyễn Thị Thu Hiền 6 năm tù…. Các bị cáo khác bị phạt tù từ 1 - 6 năm. /.