Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên); đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Vụ Hợp tác quốc tế), đại diện các cơ quan quản lý về thực thi FTA và xuất nhập khẩu của tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông; đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam; Viện Tony Blair vì sự phát triển (TBI) và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều năm liên tiếp, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất thế giới. Trong đó, các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên có diện tích vùng trồng cà phê và sản lượng chiếm gần như tuyệt đối so với cả nước.
Theo báo cáo của đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Đắk Lắk được coi là thủ phủ cà phê của cả nước với diện tích vùng trồng đạt 212.650 ha, tương đương gần 1/3 tổng diện tích vùng trồng cà phê trên cả nước. Sản lượng cà phê cũng dẫn đầu cả nước với 540.938 tấn.
Nhiều đại biểu tham gia ý kiến tại Tọa đàm. |
Theo ông Ngô Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu 174.942 tấn cà phê, đạt kim ngạch 600,721 triệu USD.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn của cả nước như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), Tập đoàn Trung Nguyên…, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Ngô Chung Khanh -Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ về Hệ sinh thái tận dụng FTA trong ngành cà phê tại Toạ đàm. |
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn đã có mô hình hoạt động tương đối hoàn chỉnh và tối ưu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cà phê lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, một số doanh nghiệp, hợp tác xã cà phê đã chỉ ra các khó khăn gặp phải như vướng mắc khi chuyển đổi diện tích cây trồng trên địa bàn sang loại cây khác, thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng nước ngoài, các xu hướng điều chỉnh luật pháp và quy định liên quan đến phát triển bền vững của các đối tác nhập khẩu lớn trên thế giới mà cây cà phê sẽ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp...
Bộ Công Thương đã nghiên cứu mô hình Hệ sinh thái tận dụng các Hiệp định FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân liên kết với nhau và liên kết các chủ thể khác liên quan xuất nhập khẩu.
Tại Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP, trong lĩnh vực cà phê, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, đã giới thiệu về Đề án Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực cà phê, bao gồm: mục tiêu, cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia, cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, tiêu chí tham gia, những khó khăn khi xây dựng Hệ sinh thái, lộ trình và các bước thực hiện xây dựng Hệ sinh thái trong thời gian tới.
Việc tổ chức Toạ đàm nhằm giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực cà phê, tiếp thu ý kiến và giải đáp thắc mắc của các chủ thể liên quan sẽ tham gia Hệ sinh thái. Hoạt động này giúp Bộ Công Thương, Cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở thực tiễn để triển khai xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tính khả thi của Mô hình, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp cà phê tận dụng các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới một cách thật sự và triệt để.