Tố tham nhũng – “Nghề” hái ra tiền

Hàn Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng
Hàn Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng
(PLO) -Theo bảng xếp hạng Nhận thức Tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch Thế giới công bố, Hàn Quốc xếp thứ 27 trên tổng số 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc hiệu lực mới đây quy định: Một bữa ăn với công chức nhà nước không nhiều hơn 30.000 won (27 USD), quà được nhận có giá trị không quá 50.000 won (45 USD), mừng đám cưới, đám tang chỉ tối đa 100.000 won (90 USD). 

Luật “3-5-10”

Những quy định này được gọi chung là luật "3-5-10". Theo ước tính, khoảng 4 triệu người Hàn Quốc bị tác động trực tiếp bởi luật, bao gồm công chức, viên chức nhà nước, nhân viên công ty quốc doanh, giáo viên, nhà báo.

Sau khi luật có hiệu lực, lượng đặt chỗ trước tại các sân golf giảm mạnh, khách mời đám cưới ít hơn trước. Các bệnh viện ra thông báo về việc không nhận quà cảm ơn. Những nhóm đi ăn chung chia nhau hóa đơn, một việc gần như chưa từng có ở Hàn Quốc, theo Reuters.

Những người vi phạm đa phần sẽ bị xử phạt hành chính; tuy nhiên, họ cũng có nguy cơ bị xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng nếu nhận quà trị giá hơn 1 triệu won, hay giá trị của tổng số quà tặng nhận được trong một năm lớn hơn 3 triệu won.

Các doanh nghiệp đang nháo nhào vì luật mới. Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, tổ chức hỗ trợ cho các chaebol (tập đoàn tài phiệt) ở nước này, vừa tổ chức một hội thảo với khoảng 400 người tham dự về việc các nhân viên tập đoàn nên làm thế nào để không phạm luật.

Nghề “hái ra tiền”

Ở Hàn Quốc, từ "paparazzi" lâu nay không chỉ dùng để gọi những tay săn ảnh chuyên theo dõi các ngôi sao, mà còn để chỉ những người kiếm tiền thông qua việc "tố giác và nhận thưởng" khi phát hiện ai đó vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ hay vứt thuốc trên đường.

Luật chống tham nhũng mới còn được gọi là luật "Kim Young-ran", theo tên của nguyên chủ tịch Ủy ban Quyền công dân và Phòng chống tham nhũng Hàn Quốc, đề xuất luật này vào năm 2012 nên những người tố giác tham nhũng, hối lộ được gọi bằng cái tên "ran-parazzi".

Dân Hàn đi “săn” hóa đơn quà, bữa ăn để phát hiện tham nhũng
Dân Hàn đi “săn” hóa đơn quà, bữa ăn để phát hiện tham nhũng

Otgoutugs Ochir, bà nội trợ gốc Mông Cổ 46 tuổi, là một trong những ran-parazzi. Ochir hy vọng việc này sẽ giúp bà kiếm đủ tiền để mua căn hộ. Tuy nhiên, bà nói mình làm việc này cũng là vì lòng yêu nước. "Nếu số người kiếm tiền bất chính giảm xuống, con cái của tôi có thể sống trong môi trường tốt hơn", Ochir nói. 

Một quan chức của Ủy ban Quyền công dân và Phòng chống tham nhũng Hàn Quốc cho biết, khi tố giác vi phạm, người tố giác phải đưa ra được bằng chứng cụ thể. "Bất cứ ai khi tố giác đều phải gửi kèm theo tài liệu bằng văn bản có ghi tên của mình. Nếu chỉ có duy nhất một tấm ảnh, sẽ khó để xác định và đưa vi phạm ra xử phạt", quan chức đề nghị giấu tên cho biết.

"Bạn có thể vừa kiếm được tiền vừa thể hiện lòng yêu nước", ông Moon Seoung-ok nói với các học viên tham gia lớp học về mẹo sử dụng camera quay lén. Ông Moon là giám đốc của Trung tâm Tố giác vì Xã hội Tốt đẹp, nằm gần một tòa án ở Seoul, chuyên mở các lớp dạy nghiệp vụ tình báo. Giơ cao tập tài liệu hướng dẫn về luật chống tham nhũng mới, vị giám đốc nói: "Bạn có thể lấy được hóa đơn thẻ tín dụng từ thùng rác ở các nhà hàng". "Bạn cần phải có được bằng chứng", ông Moon nhấn mạnh.

Tại một đám cưới mới đây ở quận "nhà giàu" Gangnam, Seoul, người ta nhìn thấy 2 paparazzi, tìm kiếm những quan chức nhận những món quà có dấu hiệu vi phạm luật chống tham nhũng mới ở Hàn Quốc. Luật mới quy định nếu phát hiện, trình báo các trường hợp phạm luật, một người có thể được thưởng đến 200 triệu won (180.000 USD).

Đám cưới ở Gangnam nói trên trưng hoa chúc mừng không đúng theo quy chuẩn. Một trong hai ran-parazzi, Song Byung-soo, 60 tuổi, nhìn thấy đó là một cơ hội để "tấn công". "Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Nếu ran-parazzi có thể khiến xã hội không còn tình trạng tham nhũng hay đặc quyền đặc lợi, đó cũng là điều tốt", Song quả quyết. Từ đây, một "nghề" hái ra tiền đã ra đời tại Hàn Quốc: mang camera quay lén đến các đám cưới, đám tang, nhà hàng ... để "bắt lỗi".../.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.