Tiêu chuẩn Trọng tài viên
Ông Nguyễn Phi Thường (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Người có tiêu chuẩn nào thì được làm Trọng tài viên để giải quyết các tranh chấp về thương mại. Tôi là Chấp hành viên thì có được làm Trọng tài viên thương mại không?.
- Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về tiêu chuẩn Trọng tài viên quy định:
1. Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
2. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên: Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án; Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
3. Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.
Như vậy, ông là Chấp hành viên thì không được làm Trọng tài viên.
Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân chia tài sản phá sản
Ông Trần Thanh Hải (Tam Kỳ, Quảng Nam) hỏi: Trong quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân chia tài sản như thế nào. Nếu không đồng ý và không thực hiện phương án phân chia đó thì có được không ?
- Căn cứ quy định của Luật Phá sản năm 2004 và Điều 29, Điều 30 NGhị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xây dựng phương án phân chia tài sản, kế hoạch trả nợ để Thẩm phán xem xét, quyết định; tổ chức thực hiện phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục thanh lý tài sản cho các chủ nợ phải theo đúng quyết định của Thẩm phán và thứ tự ưu tiên theo quy định. Phương thức trả tiền cho các chủ nợ theo nguyên tắc thoả thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật. Chi phí cho việc thanh toán tiền cho chủ nợ được trừ vào số tiền chủ nợ được nhận.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong phương án phân chia tài sản, Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải làm báo cáo về việc thi hành phương án phân chia tài sản gửi cho Thẩm phán và niêm yết công khai tại trụ sở của Toà án thụ lý vụ việc. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày báo cáo kết quả thực hiện phương án phân chia tài sản được niêm yết, nếu không có chủ nợ nào khiếu nại thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản, sau đó ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các quyết định của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản có giá trị bắt buộc thi hành đối với mọi cá nhân, tổ chức có liên quan. Người nào không chấp hành quyết định của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản thì theo tuỳ tính chất và mức độ vi phạm, bị thi hành kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
PLVN