Từ ngày người vợ bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, đứa con bị bại não và người chị gái mắc bệnh động kinh lâu năm không ai săn sóc, ông Nam đành xin nghỉ việc ở nhà chăm 3 người bệnh.
Bất hạnh nối tiếp
Nơi trọ của vợ chồng ông Nguyễn Hoài Nam (52 tuổi) và vợ là bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm (51 tuổi) nằm gần cuối con hẻm nhỏ trong xóm lao động nghèo ở đường 48 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM).
Trong căn nhà thuê khá chật chội, người đàn ông lưng trần đang tất bật với công việc bếp núc. Vừa xong nồi cơm, ông lại thoăn thoắt nhặt rau.
Trong khi chờ nồi canh sôi, ông quay sang người con trai 11 tuổi đang ú ớ nằm một chỗ, trìu mến nói: “Đợi ba tí nữa thôi, cơm chín đây rồi...”. Người vợ bại liệt ngồi bên góc giường chỉ biết đưa ánh mắt xót xa bất lực nhìn chồng con.
Ông Nam vốn là nhân viên kĩ thuật điện thuộc Xí nghiệp Đường sắt Sài Gòn từ năm 1996. Năm 1990, trong một chuyến tàu, ông gặp bà Trâm, lúc đó là nhân viên phục vụ trong căng tin tàu. Cảm mến từ lần gặp gỡ đầu tiên, họ yêu nhau rồi cùng xây dựng mái ấm gia đình.
Sau ngày cưới, ông Nam miệt mài với những chuyến tàu đi xa, còn bà Trâm vì sức khỏe yếu nên xin nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ. Cuộc sống phải thắt lưng buộc bụng mới đủ trang trải.
Bà Trâm bị tai biến liệt nửa người |
Năm 1992, hạnh phúc trong gia đình nhỏ càng nhân lên khi bà Trâm sinh con trai đầu lòng. Nhưng nhiều năm sau, vợ chồng bà mong ngóng bao nhiêu cũng không thể có thêm mụn con.
Bà Trâm hai mắt đỏ hoe nhớ lại: “Năm 2005, tui vô cùng hạnh phúc khi biết mình mang thai lần thứ hai. Năm đó tui đã hơn 40 tuổi, bác sĩ và mọi người khuyên can không nên sinh con sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ lẫn thai nhi. Nhưng tui vẫn quyết định giữ lại. Dù tui chết cũng mong con được chào đời khỏe mạnh...”.
Đến ngày sinh, người mẹ vừa tỉnh lại đã đau đớn đứt từng khúc ruột khi biết tin con trai vừa chào đời không may mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, không có cách chạy chữa.
Từ khi người con tội nghiệp chào đời, kinh tế gia đình càng lâm cảnh khốn khó. Không có khả năng trả tiền thuê nhà, vợ chồng bà ôm con về nhà cha mẹ vợ nương nhờ.
Mỗi tuần đều đặn, bà Trâm vẫn cần mẫn ôm con trai nhỏ đến trung tâm phục hồi chức năng, mong cải thiện được phần nào những chức năng trên cơ thể của con.
Tuy nhiên, mọi cố gắng của người mẹ chỉ như muối bỏ biển. Cậu con trai vẫn không thể đi lại, không nhìn thấy, không thể ý thức được, suốt ngày chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ, phát ra những tiếng ú ớ không tròn từ.
Khó khăn càng tăng thêm khi cha mẹ bà Trâm lâm bệnh qua đời, căn nhà để lại cho người em lo việc thờ phụng. Hơn 5 năm trước, vợ chồng bà Trâm lại nước mắt ngắn dài tiếp tục ôm con ra ngoài thuê trọ. Gia cảnh khó khăn nay còn đùm bọc thêm người chị của bà Trâm từ nhỏ đã mắc căn bệnh động kinh, không có khả năng lao động.
Một mình “chia ba”
Đưa ánh mắt nhìn quanh gian phòng, bà Trâm buồn bã thở dài. Bà kể, căn nhà này thuê một tháng 3 triệu đồng. Tuy khá đắt đỏ so với kinh tế gia đình nhưng 5 năm nay, vợ chồng bà vẫn cố “bóp mồm bóp miệng” để duy trì.
“Căn nhà tuy không rộng nhưng đủ cho gia đình tui và chị gái sinh hoạt. Chủ nhà cũng rất tốt bụng, thấy hoàn cảnh vợ chồng tui khó khăn nên họ thương, nhiều tháng tui chưa xoay kịp thì họ cũng cho khất lại...
Hồi trước tui còn khỏe mạnh, đã tận dụng mặt bằng phía trước để mở tạp hóa văn phòng phẩm bán cho học sinh trong hẻm, sắm thêm cái xe bánh mì buôn thúng bán bưng kiếm thêm đồng ra đồng vào mua sữa cho con”.
Chị gái bà Trâm bị động kinh sống cùng nhà. |
Xe bánh mì và tủ tạp hóa mở chưa được bao lâu thì nỗi đau thêm một lần ập xuống gia đình nhỏ. Bà Trâm hai mắt đẫm lệ kể, chiều 11/12/2014, khi bà đang đứng làm bánh bán cho người hàng xóm thì đột nhiên tay chân bủn rủn, đầu óc choáng váng, ngất xỉu xuống đường. Tỉnh lại, bà thấy mình đã ở trên giường bệnh, tay chân không thể cử động được, miệng méo xệch phát âm rất khó khăn.
“Bác sĩ nói tui bị tai biến, may được người dân đưa vào viện kịp thời. Nếu muộn một chút đã không thể cứu sống”, bà Trâm rưng rưng hồi ức.
Hơn hai tháng điều trị, phải chuyển liên tục nhiều bệnh viện, bà dần hồi phục phần miệng, nhưng chứng liệt nửa người vẫn không có chút tiến triển. Kinh tế cạn kiệt, ông Nam đành đưa vợ về tự dùng thuốc cầm cự và tập vật lý trị liệu ở nhà.
“Họa vô đơn chí”, ông Nam lúc đó đang có công việc ổn định, nhưng sau ngày vợ bị tai biến liệt nửa người, ông đành xin nghỉ hẳn để ở nhà nâng đỡ cho vợ, chăm sóc người con trai tật nguyền và người chị mắc bệnh động kinh. Một tay ông coi sóc 3 người bệnh và chu toàn mọi sinh hoạt gia đình.
Hàng ngày, ông thức dậy từ sớm để nấu cơm, bón cho con trai từng thìa, rồi ân cần bón cho vợ, để sẵn phần thức ăn cho người chị. Lo xong mọi việc, ông lại tất bật đi chạy xe ôm. Chiều lại hối hả trở về để lo cơm nước, giặt giũ.
“Tui chạy xe ôm thường là những mối quen. Họ có việc chỉ cần gọi điện thoại “ới” một tiếng cho tôi. Mỗi lần chạy cũng không phải đi xa, vì họ biết rõ tui không thể vắng nhà được nửa ngày. Còn tủ tạp hóa vẫn mở cửa, hàng xóm láng giềng muốn mua gì thì tự lấy, tự đưa tiền vô trả cho vợ tui...
Mọi người ai cũng cảm thông, lâu lâu cũng mang cái này cái khác sang cho. Vậy là vợ chồng tui cảm thấy may mắn lắm rồi”, ông kể.
Dù kiên cường nhưng ánh mắt người đàn ông không giấu được vẻ đượm buồn. Ông chia sẻ: “Hàng ngày, một mình tui phải “chia ba”, lo cho 3 người bệnh, tuy vất vả nhưng biết làm sao được. May mắn đứa con trai đầu vẫn khỏe mạnh bình thường nên cũng đỡ lo...
Tui giờ cũng đã già, sức khỏe đã yếu, mỗi ngày chạy được vài chuyến xe đã “đuối”. Con trai lớn tuy bình thường nhưng giờ mới tự làm thuê nuôi được bản thân. “Trời kêu ai nấy dạ”, tui mà đổ bệnh nằm xuống thì biết gia đình biết cậy nhờ ai...”.
Ngồi bên cạnh nghe những lời tâm sự của chồng, chốc chốc bà Trâm lại rớt nước mắt. Thấy vợ xúc động, người chồng đưa bàn tay đã chai sần lau nước mắt trên đôi gò má vợ, giọng ân cần: “Thôi em đừng buồn, anh tin cố gắng tập luyện thì sẽ nhanh đi lại được. Nhanh khỏe lại để còn giúp anh chăm con, chăm chị...”.
Người con trai út bị bại não bẩm sinh |
Người vợ không cầm được lòng, nước mắt càng dàn dụa. Nhưng bà nở nụ cười, khẽ gật đầu. Cách đó vài bước chân, trên hai chiếc ghế mềm kê sát nhau, người con trai tật nguyền không ngừng ú ớ, bàn tay co quắp đưa lên đưa xuống vô thức. Còn ngoài hiên nhà, người chị gái ngồi thẫn thờ chốc chốc lại phá lên cười.