Đúng như lời nguyện ước, hòa bình đã lập lại, ông trở về, dù thương tích đầy mình, nhưng vợ ông không bỏ mặc ông cô đơn. Nhìn tấm thân với những thương tích bà bật khóc...
Lời hẹn của cô gái sông Cầu
Sự đợi chờ chồng của bà Phạm Thị Nại qua hai cuộc kháng chiến là một điều cuốn hút tôi. Trong căn gác nhỏ trên tầng hai, số nhà 104, đường Kim Mã, Thượng tá Lê Văn Bằng đã không khỏi xúc động khi kể về người vợ gắn chặt cả đời mình với cuộc đời ông. Dù biết rằng sự đợi chờ trong chiến tranh là vô vọng nhưng chẳng khi nào bà thôi ngừng hy vọng một ngày ông sẽ trở về.
|
Hình minh họa |
Thượng tá Lê Văn Bằng quê gốc ở Việt Yên, Bắc Giang. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước vẫn còn thời máu lửa, lớn lên trong mưa bom bão đạn, tuổi thơ ông như biết bao người khác bị gông cùm trong vùng tạm chiếm. Ngược dòng thời gian, ông bồi hồi kể lại thời trai trẻ của mình: “Thời ấy, tôi tận mắt chứng kiến những trận thả bom, càn quét của quân thù, chúng gieo dắt biết bao tội ác lên nhân dân, làm cho bao gia đình phải chia đàn, xẻ nghé…”. Vì không chịu nổi tội ác tày đình của giặc Pháp giày xéo lên thân xác, tính mạng đồng bào nên ông đã quyết tâm tham gia kháng chiến, trực tiếp cầm súng chĩa thẳng vào quân thù.
Cuối năm 1952, tạm gác lại mối tình đầu trong sáng bên bờ sông Cầu thơ mộng, ông quyết định ra nhập đơn vị bộ binh thuộc đơn vị Tiểu đoàn 81, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 quân tiên phong để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đêm ấy, trước ngày ông cùng trai tráng trong làng hành quân ra sa trường, dưới ánh sáng phát ra từ những loạt pháo sáng của quân địch ông và cô thôn nữ Phạm Thị Nại đã thề non hẹn biển với nhau. Lúc ấy, bà Nại chỉ nói một câu mà cho đến tận bây giờ ông vẫn chẳng hề quên: “Em sẽ đợi đến ngày anh về”. Câu nói đã ghim vào trái tim ông những nhịp đập hạnh phúc, làm sưởi ấm ông trong những ngày hành quân lạnh giá.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Bằng cùng đơn vị tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Tranh thủ vài ngày nghỉ phép ông về thăm cha mẹ, gặp lại người con gái đợi chờ mình, ông Bằng mừng đến rơi nước mắt… Đám cưới diễn ra, người thân cùng gia đình hai bên chỉ có vài người chung vui bên chén trà và vài ba cái kẹo.
Em mãi đợi anh về
Niềm vui dâng trào khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chưa kịp dọi lại mái nhà cho cha mẹ mình và nói hết những tâm sự của những ngày ra trận thì tháng 10 - 1954, ông Bằng được điều chuyển sang Cục Vận tải của Tổng cục Hậu cần, làm lái xe chở quân trang, quân dụng cung cấp cho Miền Nam ruột thịt.
Trong 25 năm quân ngũ, tham gia nhiều trận chiến ác liệt với quân thù, nghe tiếng mưa bom đạn réo bên tai, tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương, đó cũng là ngần ấy năm đem sinh mạng mình đặt trước mũi súng quân thù. Vì thế, ông Bằng đã 3 lần đối mặt với tử thần nhưng đều may mắn thoát chết. Ông Bằng cho rằng: “Điều kỳ diệu của những lần thoát chết ấy là nhờ vào tình yêu, nhờ vào sự đợi chờ của bà ấy”.
Dịp 27/7/2010, ông Lê Văn Bằng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đến thăm nhà và cùng với GS Vũ Khiêu, GS sử học Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, họa sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy... vinh dự được nhận danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2010. |
Ông nhớ lại, trận đánh đầu tiên ở Cầu Lồ, Bắc Giang, ba người bên một khẩu trung liên, nhằm thẳng vào bốt quân thù mà bắn, không ngờ hai đồng chí hi sinh, chỉ còn mình ông sống sót và cũng bị thương vào một bên chân. Ông lôi trong túi áo ra chiếc khăn mùi xoa của người vợ băng tạm vào vết thương, rồi vẫn ôm súng tấn công vào quân thù cho đến khi quân ta giành được cứ điểm. Tiếp đó, vào năm 1972, ông bị thương trong rừng Trường Sơn khi đang chỉ đạo đoàn xe chở quân trang, quân dụng vào chiến trường miền Nam.
Lần sau cùng ông bị bom B52 dội trúng hầm trực chiến khi ông đang chỉ huy đoàn xe vận tải tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Dưới sức ép khủng khiếp của bom, ông bị chảy máu tai, tức ngực rồi bất tỉnh. Trong lúc điều trị ông luôn nghĩ tới người vợ của mình và một điều làm cho ông vượt qua được những cơn đau đớn đó là tin vợ ông đã sinh cho ông một cô con gái.Sau lần bị thương này, sức khỏe của ông giảm 24%. Ông không tiếc thân mình, chỉ thương cho người vợ mới cưới đợi chờ mình đã một phần tư thế kỷ. Ông tự dặn mình không được chết, phải trở về để chăm sóc cho vợ và con.
Đúng như lời nguyện ước, hòa bình đã lập lại, ông trở về, dù thương tích đầy mình, nhưng vợ ông không thể bỏ mặc ông cô đơn.
Cùng sẻ chia việc xã hội
Đầu năm 1990, ông Bằng được UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình tín nhiệm giao làm Tổ trưởng tổ dân phố 50. Để hoàn thành nhiệm vụ Tổ trưởng tổ dân phố trong suốt 22 năm qua, bà Nại luôn luôn động viên ông Bằng mỗi khi chồng gặp khó khăn, bất trắc trong công việc.
Không biết bao lần thấy ông đi làm về mặt buồn rười rượi, biết là ông lại không vui vì chuyện của khu phố, bà Nại khuyên: “Đã cống hiến gần như cả đời cho cách mạng rồi, kể ra đến cái tuổi cũng cần được nghỉ ngơi, ông suy nghĩ chuyện phố xá nhiều làm gì cho mệt cái tuổi già”. Nhưng rồi hiểu cái chất lính cụ Hồ trong người chồng nhiều đêm bà lại thao thức cùng ông đưa ra các giải pháp để giữ bình yên cho khu phố. Rồi bày cách cho ông làm sao để vận động cho mấy thanh niên đi cai nghiện mà sẽ không tái nghiện. Bà còn cùng chồng sang nhà hàng xóm giúp họ giải quyết xích mích đời thường…
Trong những ngày đợi chồng trở về từ chiến trường, bà Nại vừa buôn thúng bán mẹt mưu sinh vừa phải nuôi con khôn lớn. Thế nên bà mang trong người căn bệnh dạ dày. Mấy mươi năm năm nay căn bệnh ấy vẫn hành hạ bà nhưng vì sợ ông Bằng lo lắng mà sao nhãng đến chuyện công tác xã hội nên bà đã giấu ông. Khi bệnh nặng quá, bà phải đưa đi cấp cứu ông mới biết.
Đầu năm 2010, ông bị tai biến mạch máu não, con cháu không cho ông “vác tù và hàng tổng” nữa. Nhưng ông vẫn muốn tham gia công tác cho đến khi không còn đủ sức lực mới thôi. Hàng ngày, ông vẫn hoạt động với sự giúp đỡ tận tình của người vợ đã 74 tuổi. Người dân trong khu phố đã quen với hình ảnh hai vợ chồng già dắt nhau đi giữa những dòng xe cộ lại qua nườm nượp trên đường Kim Mã để đến với những người đang cần mình.
Tường Vy