Đi thuyền trên các hệ thống thủy nông Hải Phòng, nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến hai bên bờ thủy nông đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đơn giản thì dựng lều, quán bán hàng, phức tạp thì lấp sông, mở rộng mặt bằng, đổ móng xây nhà kiên cố, lập xưởng sản xuất. Việc vi phạm diễn ra phổ biến dưới đủ hình thức, nhưng chính quyền địa phương dường như bó tay.
Dân đua nhau lấn chiếm
Sông Sàng- đoạn qua địa bàn xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, bèo tây gần như kín đặc, chỉ lộ dải mặt nước nhỏ hẹp với hàng chục đăng đó đánh bắt thủy sản. Hai bên sông là các công trình nhà ở, công trình phụ, xưởng sản xuất. Thật khó nhận ra đây là công trình thủy lợi quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế thủy sản và sản xuất nông nghiệp cho hơn 1000 ha đất canh tác và hàng nghìn hộ dân. Ông Đoàn Quang Bình- người dân xã Tân Phong cho biết: “Đây là kênh T6 dẫn nước cung cấp cho vài trăm ha ruộng. Nhưng có chỗ nào nhìn thấy nước đâu, bèo phủ kín mặt kênh. Đằng kia họ làm cả quán bán hàng và quán rửa xe nổi trên mặt nước, bao nhiêu thứ bẩn thỉu tống hết xuống kênh”.
Sông Đa Độ (Kiến Thụy) có nhiều khu vực được chính quyền địa phương hợp lý hóa đất lấn chiếm bằng việc cấp sổ đỏ. Ảnh: Linh Nga |
Đi dọc hệ thống thủy nông Đa Độ, điều dễ nhận thấy là rất nhiều nhà dân, công trình phụ, quán bán hàng lấn ra sông. Các gia đình ở hai bên sông còn sử dụng nước sông để phục vụ sinh hoạt hằng ngày như giặt quần áo, đãi thóc, giặt chiếu. Theo Công ty TNHH MTX Khai thác, quản lý công trình thủy lợi Đa Độ, trên hệ thống thủy nông do đơn vị quản lý nhiều năm nay, có hơn 250 hộ dân ngang nhiên lấn chiếm lòng sông, bãi sông để xây nhà, trồng cây, làm đầm nuôi trồng thủy sản, làm lò gạch…
Tương tự như vậy, hai bên sông Rế, hệ thống thủy nông chính phục vụ huyện An Dương và cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố cũng đang bị người dân lấn chiếm hằng ngày, hằng giờ. Theo ước tính của huyện An Dương, trên địa bàn huyện có 116 trường hợp vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy nông, trong đó có những khu vực là trọng điểm về tình trạng lấn chiếm như thị trấn An Dương, các xã: An Đồng, Bắc Sơn. Theo cán bộ quản lý của Đội quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi (QLBVCTTL) thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải, tính trung bình, mỗi tháng đội phải xử lý từ 30-35 vụ, có ngày cao điểm xử lý đến 3 vụ. Mặc dù vậy, tình trạng lấn chiếm, xả thải ra sông không hề giảm, việc vi phạm diễn ra phổ biến dưới đủ hình thức: đơn giản là dựng lều, quán bán hàng, phức tạp thì lấp sông mở rộng mặt bằng, đổ móng xây dựng nhà kiên cố, lập xưởng sản xuất. Đó là chưa kể 100% số hộ dân hai bên bờ đang biến sông Rế thành hệ thống cống hở khổng lồ để xả thải sinh hoạt. Hệ thống thủy lợi kênh Hòn Ngọc (Thủy Nguyên) hiện cũng bị dân lấn chiếm, nhưng chính quyền địa phương đành bó tay trong xử lý.
Chính quyền buông lỏng quản lý
Tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm đất hai bên các hệ thống thủy nông ngày càng phổ biến và gia tăng với mức độ nghiêm trọng do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi còn hợp thức hóa đất lấn chiếm của người dân. Chẳng hạn như tại khu vực cầu Rế thuộc thị trấn An Dương (An Dương) có một số doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng phương tiện “xẻ thịt” bờ sông để cải tạo thành khu du lịch sinh thái ven sông. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp này đều có giấy phép “hợp pháp”. Hay như ở Kiến Thụy, dù tháng 3-2008, UBND huyện Kiến Thụy và UBND 10 xã của huyên cùng ký biên bản bàn giao hệ thống mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường thủy sông Đa Độ cho Công ty Đảm bảo giao thông đường thủy. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, UBND huyện Kiến Thụy quy hoạch 876m2 đất thuộc địa bàn thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, trong đó có hơn 660m2 là diện tích mặt nước sông Đa Độ, để cấp cho các hộ dân vào mục đích sử dụng làm nhà ở. Sau đó, huyện còn cấp sổ đỏ cho 4 hộ dân trong năm 2009. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mặt nước, các hộ dân nhanh chóng lấp sông, tạo mặt bằng để xây dựng nhà. Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nguồn gốc diện tích đất được cấp cho 4 hộ trên là do UBND xã Đại Đồng giao đất cho ông Hoàng Văn Toàn, là Chủ nhệm HTX Thành Công từ năm 1994- với tổng diện tích 3.300m2. Sau đó, ông Toàn chia làm 19 lô bán cho 19 hộ. 15 hộ trong số này được UBND huyện Kiến Thụy cấp sổ đỏ năm 2003.
Khi triển khai dự án nâng cấp cải tạo hệ thống kênh Hòn Ngọc, Thủy Nguyên, Ban quản lý dự án và PTNT Hải Phòng thực sự toát mồ hôi vì rà soát nguồn gốc đất để tính toán đền bù giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng kéo dài tới mấy năm chỉ vì trên một diện tích nhỏ, có hộ đất tự lấn chiếm, có hộ được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ, có doanh nghiệp được cấp giấy phép cho thuê đất của cơ quan chức năng. Từ chỗ đáng lẽ không phải mất chi phí đền bù vì đất đều thuộc hành lang bảo vệ của hệ thống thủy nông, thì chủ đầu tư lại mất thời gian, công sức và kinh phí lớn cho việc kiểm kê, tính toán đền bù cho các hộ dân vi phạm Pháp lệnh thủy nông. Vì hầu hết các hộ dân có “gậy pháp lý” của cơ quan chức năng… Đến tận thời điểm này, dự án vẫn tồn tại về đền bù, giải phóng mặt bằng dù đã thi công xong từ năm 2009.
Từ thực tế trên có thể thấy, việc quản lý, bảo vệ đất thuộc hành lang các hệ thống thủy nông đang phá hoại hệ thống hạ tầng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp quan trọng. Thành phố cần lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.
Vân Khánh