Tình trạng không phủ sóng

Truyện ngắn của Phong Điệp

Có phải ngay từ ban đầu, chiếc điện thoại đã tìm đến anh? Hay tại anh thừa hơi, rỗi việc rồi đâm dính vào mấy thứ ẩm ương, lẩm cẩm như vậy? Hay cũng có thể là một cái bẫy, không chừng.

Sau này anh luôn chất vấn mình về điều đó. Và thấy mọi thứ càng rối tinh rối mù hơn.

Nó nằm một góc chéo ở cạnh bàn phía anh ngồi. Màu hồng đào. Nhỏ nhắn. Giống với một thứ đồ chơi của con nít hơn là một chiếc điện thoại. Hình như từ lúc vào phòng, cô ta chưa từng di chuyển đến vị trí gần anh đến như vậy. Nhưng tại sao chiếc điện thoại lại có thể nằm ở vị trí ấy? Nếu không phải là tự tay cô ta lơ đễnh đặt nó xuống như một thói quen cố hữu. Hay tuột khỏi túi áo khoác như một rủi ro. Và rồi, khi cánh cửa phòng đã khép sau lưng cô ta, anh không còn bận tâm bởi mùi Chanel quá nồng nàn nữa, thì chiếc điện thoại của cô ta lại chĩa thẳng vào người anh. Như thách thức. Như nhắc nhở. Như truy hỏi. Khiến anh phải cầm nó lên theo phản xạ. Hoặc một thứ nghĩa vụ. Của một - người - tử tế. Đại loại thế. Rồi lao ra cửa. Cất tiếng gọi. Nhưng không tồn tại một cái tên. Hay một cách gọi chứng minh sự quen biết (đã từng vài phút thăm hỏi trước đó).

Chỉ là “Này! Này!”.

Nghe rất dở hơi.

Rất ngớ ngẩn.

Rất buồn cười.

Đúng lúc bà tạp vụ đứng ở cạnh cửa ra vào, cần mẫn di di chiếc giẻ lau hăng hăng mùi thuốc tẩy lên sàn nhà. Cánh cửa mở ra đột ngột nên thiếu chút nữa nó đã va vào người phụ nữ tội nghiệp. Cộng theo tiếng gọi thất thanh của anh, người phụ nữ quê mùa trở nên bối rối và hốt hoảng bởi sự có mặt dường như không đúng lúc của mình.

- Bà có thấy cô gái vừa từ trong này ra đi về hướng nào không?

- Không… Tôi không… không có… không…

Người phụ nữ lắp bắp với những tiếng không vô nghĩa lẫn có nghĩa.

Anh hối hả nhìn hướng thang máy, rồi thang bộ. Không một bóng người.

Alô xuống phòng thường trực thì nhận được thông báo: “Từ sáng tới giờ không có khách nữ ra vào công ty. Chấm hết”.

Chấm hết là chấm hết thế nào? Một con người to lù lù thế chứ có phải con sâu cái kiến đâu mà không một ai nhìn thấy. Váy phấp phới quanh bắp chân trắng nõn. Mùi Chanel sực nức. Sao chỉ có duy nhất anh thấy cô ta?

Chấm hết là chấm hết thế nào? Khi mà anh chưa kịp biết cô ta là ai. Và chiếc điện thoại màu hồng đào, nhỏ xinh như một thứ đồ chơi con nít vẫn đang nhấp nháy sáng trên tay anh. Như đùa cợt. Như giễu nhại.

Cái con người quái quỷ ấy. Sao bỗng dưng xuất hiện ở phòng anh. Ấp úng vì sự nhầm lẫn. Mặc dù đầy sự hoài nghi. Bằng chứng là cô ta gọi đúng tên anh, khẳng định người mình cần tìm là anh. Nhưng anh thì tuyệt nhiên không có thông tin gì về người đang đứng trước mặt mình. Dù đã vắt óc ra tìm. Nghĩa là anh chưa từng quen cô ta. Và anh luôn tự tin vào trí nhớ của mình. Chưa bao giờ sai.

Không quen là không quen! Đơn giản thế thôi.

Điều đó khiến cô ta ngờ vực. Nhưng ngờ vực ai? Anh hay cô ta? Anh chưa kịp có lời giải thì cô ta đã bỏ đi ngay. Để lại chiếc điện thoại .

Và từ thời điểm đó, cô ta cứ như bốc hơi khỏi mặt đất.

Bỗng nhiên anh phải phân vân với cái điện thoại không phải của mình nhưng lại ở trong túi của mình. Giật bắn người khi nghe có tiếng nhạc chuông vang lên hay tiếng tít tít báo hiệu tin nhắn đến. Lục túi lôi điện thoại ra nhìn. Màn hình vẫn lặng tờ. Điều này quả là lạ lùng. Không phải là tín hiệu điện thoại của anh. Nhưng cũng không phải là từ chiếc điện thoại của cô ta. Vậy thì từ đâu? Những tin nhắn, những hồi chuông bí ẩn?

*

Tại sao anh không vứt béng nó đi. Hoặc đơn giản hơn là tắt nguồn. Cho nó câm lặng. Cho mình khỏi cần bận tâm? Tại sao?

Thường những khi đặt ra cả mớ câu hỏi, anh luôn luôn mâu thuẫn với chính mình. Và thay bằng việc quên luôn chuyện ấm ớ này đi – thì chiếc điện thoại vẫn nhấp nháy sáng trong túi áo anh. Và chưa một lần rung lên hay nhảy nhót trong tiếng nhạc chuông.

Vậy mà trong những lúc mải mê công việc, anh vẫn nghe thấy âm thanh của điện thoại kêu. Âm thanh đương nhiên không phát ra từ điện thoại của anh. Vì nó đặt ngay trước mặt. Màn hình xám lạnh. Và nhạc chuông của nó thì do anh tự chế, nên rất đặc biệt.

Anh nháo nhác nhìn quanh. Chiếc điện thoại hồng đào. Khi thì trong ngăn kéo bàn làm việc. Khi thì trong túi áo. Anh luôn cố không để nó quá xa khỏi mình. Vì có thể có điện thoại gọi đến mà anh không nghe thấy.

Nhưng những âm thanh mà anh nghe thấy chưa bao giờ phát ra từ cái vật màu hồng xinh xẻo như một thứ đồ chơi con nít ấy.

Có thể sự căng thẳng khiến anh hình dung ra những âm thanh điện thoại đầy ám ảnh bất chợt vang lên. Vì trong phòng làm việc chỉ có mình anh. Với hai chiếc điện thoại. Với vách tường cách âm tốt nhất. Có thể, trong não anh đã mọc thêm một cái điện thoại thứ ba chưa chừng. Ý nghĩ này khiến anh trở lại với sự hài hước vốn có của mình.

Có lần anh thử lấy chiếc điện thoại màu hồng đào gọi vào số máy của mình. Nhưng không một tín hiệu cho thấy hai máy đã kết nối. Có thể máy đã hết tiền? Anh tháo sim đằng sau để xem nó thuộc hệ nào. Vinaphone? Mobiphone ? Viettel?

Nhưng lạ lùng sao: chiếc sim trắng trơn!

Trò đùa ư? Anh không tin. Vẻ mặt thất thần của cô ta. Cách cô ta hỏi anh. Rất nghiêm trọng. Chỉ đáng tiếc là bộ nhớ của anh chưa từng chứa thông tin về cô ta. Liệu chuyện này có liên quan gì với chiếc sim trắng? Những dữ liệu không tồn tại nhưng không có nghĩa là cô ta không tồn tại. Vấn đề là ở chỗ ấy.

Nhưng cô ta cần gì ở anh? Anh luôn dằn vặt về điều ấy. Lẽ ra khi cô ta xô cửa vào phòng, anh nên bình tĩnh hơn. Nhưng anh đang có chuyện với bản hợp đồng. Hàng trăm triệu đồng có cơ tuột mất. Anh muốn có ai đó để trút giận cho hả. Những sai sót ngớ ngẩn. Sao anh không phát hiện ra sớm hơn? Và cô ta. Sự quấy rối không phải lúc. Nước mắt tuôn ra không đúng lúc. Và cơn giận dữ của anh xô cô ta trở ra khỏi cửa phòng. Xô mùi Chanel nồng gắt quá thể ra khỏi căn phòng ngồn ngộn giấy tờ và máy móc. Nhưng cuối cùng thì anh lại là người chịu hậu quả. Bằng chứng là một cách nào đó, cô ta vẫn buộc anh phải nhớ đến mình. Kể cả bây giờ anh có vứt chiếc điện thoại đi. Thì ngăn thông tin trong não anh về cô ta cũng đã lập xong.

Vấn đề là ở chỗ ấy!

*

Sự biến mất của cô ta rõ ràng là hết sức khó hiểu. Tự nhiên xô cửa vào phòng, mắt long lanh nước, chân bước thấp bước cao, thiếu chút thì ngã bổ chửng ở cửa ra vào. Và rồi biến mất. Không mọc mũi sủi tăm.

Nếu đúng anh là người cô ta cần tìm thì lẽ ra cô ta nên trở lại lần thứ hai.

Kể cả trường hợp anh là người cô ta không cần tìm thì chiếc điện thoại cũng cần được đòi lại chứ. Anh đã từng có lần mất điện thoại và bần thần suốt một tháng trời. Vì có hàng trăm số điện thoại bạn bè, đồng nghiệp, người thân cất giữ trong đó. Mất số là chịu chết, chả có cách nào mà liên lạc. Chẳng khác nào người bị chặt chân chặt tay. Có số điện thoại lưu đấy thì dù mươi năm không gặp, chỉ cần bấm phím là xong.

Nhưng cô ta thì sao? Các hành xử thật chẳng giống ai!

Việc gì anh phải giữ lại một chiếc điện thoại im lìm như một cục sắt nguội?

Tại sao anh lại dính vào chuyện ẩm ương dở hơi này?

Anh không dám đặt thêm câu hỏi. Chừng ấy đã đủ khiến anh điên đầu lên rồi.

Thôi thì, cái điện thoại cứ nằm yên ở đó.Và anh sẽ quên phứt được nó, vào một lúc nào đó. Nhưng không phải theo cái cách quẳng nó vào sọt rác hay tháo pin rút sim. Cách ấy – nói thế nào nhỉ - nó có vẻ hơi bất nhẫn. Cho dù anh chẳng biết cô ta là ai, và rút cuộc cái điện thoại ở trong túi áo ngực cũng như một vật thừa. Vì có thể cô ta đã tậu một chiếc điện thoại khác với vài chiếc sim giá rẻ vừa dùng vừa vứt.

Chẳng biết gọi là “vật thừa” thì có gì là quá đáng với một cái điện thoại bất đắc dĩ rơi vào tay mình và mình thì chẳng thể sử dụng nó cho việc gì ngoài việc phải tha lôi nó đi khắp mọi nơi. Và buộc anh phải nhớ đến ánh mắt cô ta. Bước chân líu ríu của cô ta. Gọi đúng bản chất là sự ám ảnh! Thế thôi.

*

Cả tháng trời, không một cuộc gọi đến, không một tin nhắn nào.

Cái điện thoại vẫn kiên nhẫn sáng.

Sáng đến mức phải nghi hoặc.

Im lặng đến mức phải ngờ vực

*

Sự ngờ vực hay nỗi nghi hoặc cũng có lúc cần phải được giải toả.

Khi cái điện thoại - vào một ngày kia rối rít rung lên trong túi áo, kèm theo đó là một khúc nhạc chuông khá réo rắt. Phản xạ đầu tiên của anh - khá buồn cười so với ngày trước, đó là sợ hãi. Là nhớn nhác nhìn quanh. Là sống lưng buốt lạnh. Rồi mới rút được cái điện thoại ra. Màn hình sáng bừng. Không có số hiện lên trên cái vùng sáng nhỏ nhoi ấy. Nhưng có dòng chữ báo hiện “Cuộc gọi đến” - OK? No?

Anh bần thần nhìn cái điện thoại. Nó run bần bật trên tay anh. Run như một đứa trẻ lâu ngày không được ẵm bồng. Nó khiến anh trở nên bối rối khôn xiết. Bối rối đến mức không biết chọn OK hay No. Và khi anh tĩnh trí lại, dù chỉ trong giây lát ngắn ngủi thì đứa trẻ - điện thoại đang thổn thức trên tay anh cũng đã đột ngột tắt lịm. Màn hình xám lạnh. Im lìm.

Anh cuống quýt vào mục Các cuộc gọi, hòng tìm được số vừa gọi đến. Thư mục trống rỗng. Anh tìm sang mục Tin nhắn, rồi mục Danh bạ điện thoại. Tất cả đều trống rỗng.

Trống rỗng và lạnh lẽo.

*

Một ngày nọ, anh bỗng sực nhớ. Trí nhớ đến theo kiểu một tia sáng loé lên bất chợt.

Màu hồng đào.

Vết sẹo mờ nơi gò má.

Cách cô ta nhìn.

Nó khiến anh bàng hoàng. Và không thể lý giải nổi. Tại sao có thể quên được người con gái ấy. Bộ nhập dữ liệu trong não anh đã delete cô ra khỏi hệ thống từ khi nào?

Người anh chuyển từ nóng sang lạnh.

Từ bấn loạn sang tê tái.

Một lời hứa của mười năm trước!

Anh hối hả lục tìm chiếc điện thoại của cô.

Thật kỳ lạ, nó đã biến mất từ lúc nào.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.