Ít ai biết rằng, ngay tại Thủ đô Hà Nội lại có những khu vực gần như trắng về y tế. Nơi đó, có những câu chuyện, tình huống, thực tế đắng lòng, tưởng chừng khó xảy ra…
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
“Anh chị đến sớm một chút, bạn em sẽ không chết...”
Đó là lời trách móc của những nữ công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội khi đoàn cán bộ y tế địa phương đến thị sát về tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực này.
Theo lời kể của những cô gái, một nữ công nhân chung phòng với các cô do không được ai chia sẻ và tháo nút thắt trong chuyện tình ái đã ôm mối hận tình nhảy xuống Sông Hồng tự vẫn. Cùng cảnh ngộ với nữ công nhân trên, không biết bao nhiêu cô gái nữa đã phải nghỉ việc giữa chừng để về quê khám chữa bệnh, sinh con, thậm chí phải phá bỏ thai nhi vì lỡ… có thai ngoài ý muốn.
Đó là chưa kể đến vô số các trường hợp bị lạm dụng tình dục; bị bạo hành giới… “Tôi thực sự cảm thấy đau xót khi chứng kiến những thảm cảnh này” – TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Y tế Hà Nội, một trong những thành viên của đoàn thị sát không giấu được sự xót xa khi chia sẻ.
Theo TS. Vân Anh, kết quả khảo sát 1.120 nữ công nhân tại 12 nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cho thấy: Họ còn rất mù mờ về kiến thức SKSS (nhiều người không muốn đặt vòng tránh thai và uống thuốc tránh thai vì sợ biến chứng, bù lại họ thường sử dụng các biện pháp như tính vòng kinh, xuất tinh ngoài âm đạo…; tỷ lệ phụ nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn và nạo hút thai nhiều lần trong nhóm này cũng khá cao).
Ngoài ra, thực trạng bạo lực về tình cảm, bạo hành thể chất, kinh tế và tình dục diễn ra khá phổ biến trong nhóm nữ công nhân đang làm việc tại đây. Nạn nhân của bạo lực giới, theo TS Vân Anh, thường là những cô gái trẻ không có kinh nghiệm trong chuyện tình dục, vì thế họ không đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng và không có khả năng làm anh ta thỏa mãn.
“Đêm tân hôn em như sống dở, chết dở… chị không biết em đau kinh khủng, cảm giác như bị dao xé thịt ra…”, một nữ công nhân 28 tuổi đang làm việc tại một nhà máy bên Đông Anh thổ lộ với TS. Vân Anh. Hậu quả của “đêm tân hôn kinh hoàng” đó là nỗi ám ảnh, sự sợ hãi đến tột cùng của cô gái mỗi khi gần gũi với chồng…
Họ cần được chia sẻ và giúp đỡ…
“Bên cạnh những nữ công nhân từng bị “đau đớn” trong đêm tân hôn, có những cô gái đã lấy chồng và từng quan hệ nhiều lần nhưng chưa bao giờ đạt được khoái cảm, không biết khoái cảm là gì. Hỏi ra mới biết, lần đầu tiên quan hệ tình dục, cô bị ép buộc. Và đây chính là hậu quả của lần bị cưỡng bức tình dục đó. Đây là một thách thức vô cùng nặng nề về mặt tâm lý!”, Bác sỹ Phạm Vũ Thiên, GĐ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số khẳng định.
Đầy rẫy những rủi ro, đầy rẫy những cạm bẫy và vô vàn những nguy cơ mất an toàn về sức khỏe và tính mạng, nhưng theo bà Vũ Thị Thanh Hương, GĐ Trung tâm Chăm sóc SKSS Hà Nội cho hay, Trung tâm rất muốn hỗ trợ chị em công nhân hiện đang sống và làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội, nhưng họ lại “nằm ngoài vùng phủ sóng” của Chương trình.
Bởi vậy, họ không hề được trang bị những kiến thức về SKSS, bị bạo hành tình dục, bạo lực tình cảm…; những nguy cơ tai biến về sản khoa, sơ sinh về sau này cũng rất khó lường. Tuy nhiên, nếu Chương trình, Dự án hỗ trợ về lĩnh vực này cũng khó lòng mà tiếp cận được với họ vì những “rào cản” từ phía chủ doanh nghiệp, nhà máy…
Đề cập đến những “rào cản” này, đại diện một công ty có chủ đầu tư là người nước ngoài lý giải, là do các chính sách của chúng ta chưa rõ ràng, không yêu cầu phía chủ doanh nghiệp phải thực hiện các chương trình, hoạt động cụ thể trong việc hỗ trợ, cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS cho đối tượng công nhân, đặc biệt là nữ công nhân hiện đang sống, sinh hoạt và làm việc trong các doanh nghiệp này.
Thực tế trên có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế của họ mà quên đi trách nhiệm của họ đối với những người lao động đang chịu sự quản lý của họ, mang lại lợi ích kinh tế cho họ. Và vô hình chung có một nhóm dân cư không nhỏ trong xã hội bị “bỏ quên” nhiều quyền lợi, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS.
Trước thực trạng đau xót này, một Chương trình mang tên “Thúc đẩy quyền SKSS và tình dục cho thanh niên công nhân các khu công nghiệp tại Hà Nội” do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số sẽ được triển khai thí điểm tại 03 khu công nghiệp là Bắc Thăng Long, Sóc Sơn và Gia Lâm (Hà Nội) trong thời gian tới, với mục tiêu chính là: Nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS của thanh niên công nhân ở các khu công nghiệp nêu trên.
Các mục tiêu đưa ra của Chương trình là khá rõ ràng, những hoạt động hướng tới cũng rất nhân văn mang tính thực tiễn rất cao. Tuy nhiên, kết quả của Chương trình lại phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các chủ doanh nghiệp.
Đoan Trang