Chính phủ Mỹ đã phải tái điều tra hàng nghìn nhân viên mỗi năm để giảm thiểu nguy cơ những cá nhân có liên hệ với Al Qaeda và các nhóm thù địch khác tìm cách xâm nhập vào cộng đồng tình báo và gây ảnh hưởng đến các tài liệu mật của nước này.
Ảnh minh họa. |
Theo những tài liệu mật do cựu nhà thầu Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Edward Snowden cung cấp, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phát hiện một nhóm những người xin việc làm có lai lịch đáng nghi vấn. Theo tài liệu này, cứ 1 trong 5 hồ sơ xin việc vào các cơ quan tình báo bị phát hiện có các mối liên hệ tình báo với các phần tử khủng bố hay những nhóm có thái độ thù địch với Mỹ như Hamas, Hezbollah, Al Qaeda và các chi nhánh của tổ chức khủng bố này.
Trước những lo ngại này, NSA đã lên kế hoạch để tiến hành ít nhất 4.000 cuộc điều tra về những hành vi đáng ngờ hay bất bình thường của các nhân viên. Theo 2 nguồn tin được tiếp cận với phần mềm được sử dụng để theo dõi hoạt động của các nhân viên, những hành vi bất thường có thể gây sự chú ý gồm có việc tải về nhiều văn bản hay xâm nhập vào các hệ thống dữ liệu mật mà họ thường không sử dụng cho phần công việc của họ.
Cuộc tìm kiếm những mối đe dọa nội bộ này được tiến hành bí mật và tốn kém nhiều triệu USD. Nhưng chúng đã bị trì hoãn một cách nghiêm trọng trong những năm gần đây và được triển khai thực hiện không đồng đều giữa các cơ quan của chính phủ Mỹ.
Chính vì vậy nên hệ thống phát hiện bất thường tại các cơ quan tình báo của Mỹ đã không hề chú ý đến việc Snowden đã sao chép những văn bản tuyệt mật từ nhiều bộ phận khác nhau trong hệ thống của NSA.
Phản hồi các thông tin nói trên, một người phát ngôn của NSA cho hay, những nhà thầu như Snowden không nằm trong 4.000 dự án tái điều tra kẽ hở an ninh của cơ quan này. Trong khi đó, các quan chức CIA nói rằng số hồ sơ xin việc có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố hay các chính phủ nước ngoài có thái độ thù địch chỉ chiếm một bộ phận “nhỏ”.
“Trong vài năm qua, một bộ phận nhỏ trong toàn bộ các hồ sơ xin việc của CIA đã bị đánh dấu vì nhiều vấn đề khác nhau” – một quan chức cho hay nhưng từ chối tiết lộ con số chính xác.
Cộng đồng tình báo Mỹ đã đặc biệt chú trọng tới các mối đe dọa nội bộ sau vụ tiết lộ hàng nghìn tập tin tình báo của WikiLeaks hồi năm 2010. Nhóm phản đối bí mật này đã nhận được hàng trăm nghìn văn bản quân sự và ngoại giao từ binh nhất Bradley Manning, hiện đã đổi tên thành Chelsea Manning.
Quốc hội Mỹ cũng đã đặt vấn đề an ninh là một trong những ưu tiên hàng đầu và trong năm 2011 đã yêu cầu Giám đốc tình báo quốc gia James R. Clapper Jr. lập một “chương trình tự động phát hiện nguy cơ nội bộ hiệu quả” để phòng tránh những tổn thất về an ninh tương tự. Chương trình này được kỳ vọng nhận dạng những điệp viên 2 mang và ngăn chặn những vụ rò rỉ thông tin tình báo nhưng đã bị trì hoãn vài lần vì cộng động tình báo Mỹ còn “bận” xử lý hậu quả rò rỉ do Manning gây ra.
Theo tài liệu về ngân sách hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ do Snowden cung cấp, Quốc hội Mỹ đã ra thời hạn tháng 10/2012 để ông Clapper khởi động hệ thống tự động này và đến tháng 10/2013 phải tổ chức để hệ thống hoạt động một cách toàn diện. Nhưng các đề nghị này đều đã bị lùi lại một năm.
Tháng 11/2012, tổng thống Obama đã ban hành chính sách đe dọa nội bộ quốc gia, trong đó vạch rõ một số vấn đề như những nguy cơ mà những người trong tổ chức có thể sử dụng khả năng tiếp cận các bí mật của chính phủ, vô tình hay cố ý làm tổ hại đến an ninh của nước Mỹ.
Những thiệt hại này có thể đến từ hoạt động “gián điệp, khủng bố, công bố bất hợp pháp các thông tin an ninh quốc gia, hoặc làm mất mát và hay suy biến nhân lực hay năng lực của tổ chức”. Chính sách này đặt những người tiết lộ các thông tin tình báo của Mỹ ngang bằng với những kẻ khủng bố, điệp viện 2 mang về mức độ đáng quan ngại.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)