Về đền Hạ chiêm bái Mẫu Thượng ngàn

Lễ hội đền Hạ hàng năm đều thu hút rất nhiều du khách.
Lễ hội đền Hạ hàng năm đều thu hút rất nhiều du khách.
(PLVN) - Mang trong mình lối kiến trúc độc đáo, tọa lạc ngay bên cạnh dòng sông Lô lịch sử, đền Hạ tại TP Tuyên Quang trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc. 

Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh có từ lâu trong lịch sử và gắn bó mật thiết với người dân Tuyên Quang ở các di tích đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La hàng năm thu hút hàng triệu du khách bốn phương. 

Tương truyền “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả”

Đền Hạ còn có rất nhiều tên gọi khác nhau, bắt đầu từ thời Lý được gọi là đền Tam Kỳ, vì lúc đó Tam Kỳ là nơi hội tụ buôn bán của khách Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ tập trung tại đây. Tới thời Trần, đề được đổi tên thành Hiệp Thuận, theo tên thôn Hiệp Thuận thuộc xã Ỷ La, huyện Hàm Yên trước kia. Đền Hạ là tên gọi cuối thời hậu Lê cho đến ngày nay, vì lúc này có hai đền cùng được lập một lúc bên bờ tả và bờ hữu sông Lô. Trong nhân dân vẫn còn lưu truyền câu “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả”, ý là trên thác Ghềnh có đền Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ.

Đền Hạ là nơi thờ Đức thánh Mẫu Thượng thiên (được đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh), là vị đứng trong bộ Tam toà Thánh Mẫu (gồm Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải) của Đạo Mẫu Việt Nam. Bà còn được người dân yêu kính, gọi với nhiều tên khác nhau: Mẫu Đệ nhất, Mẫu Thiên hay Tiên Thiên Thánh Mẫu. 

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, quyển XXIII, mục Đền miếu chép “Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có hai Công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai Công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung Công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La. Đền thờ Ngọc Lân Công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc”. Theo lý giải, “đời trước” ở đây là thời nhà nước Văn Lang, nhân ngày đẹp trời, hai công chúa Phương Dung và Ngọc Lân đều là con của vua Hùng. 

Đền Hạ gây ấn tượng ở lối kiến trúc nổi bật và cuốn hút. Đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với mặt tiền hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô.  Cổng tam quan, gồm 3 cửa sơn màu đỏ, chỉ được mở vào những ngày lễ hội và những ngày rước Mẫu; hai cửa phụ mở hàng ngày cho nhân dân địa phương và khách thập phương đến lễ và dự hội; mái trên tam quan đắp nổi chữ “Hiệp Thuận linh từ” (đền thiêng Hiệp Thuận). 

Hệ thống cổng phụ gồm bốn trụ hướng ra bờ sông với nhiều hình trang trí, trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của Đền Hạ là ở phần chạm khắc gỗ. Tất cả cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo. Đề tài chính là tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Trên thân cột chạm hình Long Giáng thuỷ cung. 

Đặc biệt, những hình cây, hoa đục rỗng trên cửa võng có nét mềm mại như tranh vẽ. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của đền là chạm khắc gỗ công phu; các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp đều được chạm trổ tinh xảo. Trong khuôn viên đền có Lầu Cô, Lầu Tế, Tam Phủ, đền Kiếp Bạc, tượng Hưng Đạo Đại Vương… 

Ngoài ra, đền còn lưu giữ được rất nhiều bảo vật lâu đời. Hiện nay, các bảo vật này có giá trị rất cao. Nổi bật như quả chuông đồng hay khánh cỡ to cùng với 3 pho tượng cổ. Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ cũng rất đáng chú ý. Gương mặt các pho tượng thờ đều toát lên vẻ thanh tao. Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ như: chuông, khánh, đỉnh đồng… đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động như một tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Trong số các hiện vật cổ của đèn không thể không kể tới 20 đạo sắc phong từ thời Lê cổ xưa. Trong đó phải kể đến là sắc phong ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1877). Trước khi phong, thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận, Minh Khiết, Tĩnh Uyên, Nhàn Uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có nhiều sắc phong từ trước và đến năm Đồng Khánh thần được tặng thêm 2 cặp mĩ tự là: Dực Bảo, Trung Hưng. Các sắc phong tại đền đều mang đậm dấu ấn của thời gian với nội dung tính chất văn chương, ca ngợi các phẩm chất cao quý của các nương thần đã phù trợ cho dân cho nước được thịnh trị, bình an.

Đền Hạ là nơi thờ Đức thánh Mẫu Thượng thiên.
Đền Hạ là nơi thờ Đức thánh Mẫu Thượng thiên. 

Lễ hội rước Mẫu đậm bản sắc Tuyên Quang

Tương truyền rằng, từ khi đền Hạ được dựng lên người dân cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm. Về sau, thế sự trong nước loạn lạc, phải đưa tượng thần đi lánh nạn nơi đồng xa khuất nẻo. Đất nước yên bình, định rước tượng thần về thì chỉ thấy gò đất nhỏ hao hao dáng người. Thêm chuyện lạ kỳ, bèn dựng một ngôi đền thứ ba tại đó là đền Ỷ La.

Đến thời nhà Nguyễn, Tổng đốc Lê Văn Đức cầm quân đánh dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân vào đền cầu đảo. Thắng trận, hồi kinh, tổng đốc Lê Văn Đức đem việc tâu lên vua Minh Mạng. Vua xuống chiếu sắc phong cho thần làng Ỷ La là Hiệp Thuận chi thần, sắc phong thần đền Tình Húc là Hiệp Linh chi thần và ban cho tế lễ hội từ ngày 11 đến 16/2 Âm lịch. Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La bắt đầu từ đó. Sau này, lễ hội có bị mai một do chiến tranh nhưng bắt khôi phục từ năm 2007 và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017. 

Mấy ngày trước lễ, không khí chuẩn bị đã rộn rịp. Nào sắm sửa đồ lễ, trang phục, tắm gội cho thanh sạch, thơm tho. Tại đền, thủ từ làm lễ Mộc dục (tắm tượng), lễ Cáo yết. Sáng sớm ngày 12, chiêng, trống nổi lền dồn dã. Tiền đội là hai chú kỳ lân sắng sởi nhào lộn gây không khí tưng bừng ngay khi đoàn rước xuất phát. 

Đi đầu là kiệu Long đình, sơn son thếp vàng rực rỡ, đặt bài vị Mẫu đền Ỷ La choàng áo đỏ, che khăn lụa đỏ. Kiệu đặt trên vai bốn thiếu nữ xinh tươi quần là áo lượt. Hai mươi thanh niên trong đội hộ vệ đầu đội nón dấu, mặc áo đậu nẹp đỏ, người che lọng, người cầm cờ đi hai bên kiệu.

Theo sau là kiệu Nhang án   do bốn thiếu nữ khiêng, khói trầm nghi ngút, với mâm ngũ quả, cùng nón ba tầm, khay trầu, gương, lược. Đây là những vật dụng Mẫu thường dùng được đặt bên bình nhang. Chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi, áo dài, quần the, khăn xếp đi cùng kiệu. Kiệu Võng đào rước sau cùng, chân kiệu là bốn thiếu nữ. Xen giữa các kiệu có những thanh niên dáng bộ oai nghiêm cầm biển, biểu, lỗ bộ, chấp kích, bát bửu.  

Đoàn rước đi trong rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống hòa cùng tiếng kèn, nhị do phường bát âm tấu liên hồi và chỗ nào cũng phấp phới cờ tiết, cờ mao, cờ ngũ hành. Sau cùng là các bà, các chị mặc áo mớ ba, mớ bảy cùng khách thập phương nô nức kéo theo tống giá. Dọc hai bên đường các bàn đặt mâm lễ bày thành hàng, khi kiệu Mẫu rước tới, người người già trẻ nét mặt rạng rỡ thành kính bái lạy.

Thứ tự giống như thế, cùng thời điểm, đoàn rước Mẫu đền Thượng khởi hành. Chỉ khác ở chỗ, bài vị Mẫu choàng áo trắng, che khăn lụa trắng. Khi hai đoàn rước đến, chủ tế đền Hạ ra nghênh đón rồi Bài vị Thánh Mẫu đền Ỷ La đưa vào đặt bên phải cung, Bài vị thánh Mẫu đền Thượng đặt bên trái. Chủ tế mặc màu đỏ, bồi tế, nội tán mặc áo màu tím. Tất cả đội mũ kiểu phốc đầu, áo màu xanh lam tay thụng, quần trắng kiểu ống sớ, đi hia.

Đây là lễ hội cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và người người nhà nhà ấm no. Do đó, lễ hội đền Hạ có sức hút rất lớn đối với du khách và người dân địa phương. Vào mỗi dịp lễ hội có tới hàng nghìn người tham gia. Bởi ngoài việc tới cầu phúc, cầu bình an cho gia đình, đến đây tham quan, vãn cảnh chùa cũng sẽ giúp cho con người cảm thấy thư giãn và tĩnh tâm hơn.

Đoàn rước Mẫu đi đến đâu cũng có nhân dân nô nức ra xem, nhiều gia đình còn sắp một mâm lễ, đinh tiền, nén nhang chờ đoàn rước đi qua, cầu Mẫu mang phước lộc đến gia đình mình. Không chỉ xem, ngắm, hàng ngàn người từ trung niên, những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé cũng tự nguyện ngồi thành hàng dọc đường để được chui qua kiệu Mẫu.

Người xưa quan niệm được chui qua kiệu Mẫu, người già sẽ có sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, người người ăn nên làm ra… Đoàn đi mỗi lúc một đông, không chỉ có người dân địa phương tham gia mà còn rất đông du khách thập phương đến tham gia lễ hội đền Hạ. 

Sau phần lễ là phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian như đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn… kéo dài suốt ba ngày 13, 14, và 15. Đến ngày 16, mọi người cùng làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.