Nghe thầy phán nếu chết đúng ngày x, giờ y, tháng z, ông bố sẽ phù trợ để các con làm ăn tấn tới, hai anh con trai quyết định "phát tang" bố theo đúng lời thầy phán, nào ngờ ông cụ lại khỏe ra...
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Cụ Lễ quê ở Đầm Dơi, Cà Mau có ba ông con trai. Hai ông làm ăn buôn bán trên thành phố H. thuộc diện khá giả. Còn ông út ở lại quê làm lúa nuôi tôm. Trước cụ ở quê với ông út nhưng từ năm cụ bà mất và trong người đã thấy yếu, cụ Lễ lên thành phố ở với ông Hai.
Năm 2010 cụ lâm bệnh, ông Hai và ông Ba cũng tích cực chạy chữa cho bố nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Thật ra, cụ Lê không mắc bệnh gì trầm trọng nan y mà chỉ là bệnh già như cái cây cổ thụ lâu năm hết nhựa.
Vốn là dân làm ăn buôn bán nên hai ông con rất tin ở thần thánh bói toán. Ông Hai đã thuê hẳn một ông thầy phong thủy địa lý chuyên coi việc đất đai vườn ao, hướng cổng hướng nhà, mồ mả, ban thờ cho gia đình. Việc bố ốm lâu không khỏi, ông Hai cũng nhờ thầy xem.
Sau khi hỏi cặn kẽ tên họ, ngày tháng năm sinh quê quán, thời gian lâm bệnh của cụ Lễ, thầy gieo quẻ, bấm độn rồi phán: “Ông cụ không thể qua khỏi được, nội trong năm Mão (2011) sẽ qua đời nhưng nếu được chết vào giờ...., ngày..., tháng này là cực tốt, con cháu sẽ được hưởng lộc cha ông, ăn nên làm ra, tiền bạc vào nhà như nước”. Thầy còn phán: “Khi cụ mất, gia đình phải mua một rẻo đất gò xơ xác cách xa đường lộ để lập mộ thay vì đem về Cà Mau đặt cạnh mộ cụ bà theo nguyện vọng trong di chúc của ông”.
Phần thì tin thầy đến sái cổ, phần thì muốn giàu có vinh hoa phú quý tiền của, mà thời gian để cụ mất như lời thầy phán bảo lại sắp đến gần nên ông Hai đã bàn với ông Ba “Đằng nào thì trước sau bố cũng mất, vậy ta cứ để cho bố chết trước ít bữa cốt để được ngày tốt giờ tốt cho con cháu sau này cậy nhờ…”.
Nghe vậy ông Ba gật đầu ngay. Và hai ông con đã nghĩ ra cách thuê xe đưa bố về quê Cà Mau kèm theo sáu triệu đồng để nhờ ông em út trông nom thuốc thang. Sau đó, đúng giờ G, ngày N như thầy phán bảo, ông Hai đăng cáo phó tung tin buồn trên mấy mặt báo.
Tiếp theo là lễ tang giả được tổ chức ở nhà ông Hai – con trưởng cũng thuê gần chục người đến khóc mướn sụt sùi thê thảm trước cái quan tài sơn son thiếp vàng đỏ chót bên trong có hai chục viên gạch chỉ, phường bát âm kèn trống đàn nhị cũng họat động rình rang ầm ĩ trước ban thờ, đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút. Riêng tấm bia gắn trên mộ cụ Lễ, ông Hai đích thân đi đặt thợ đá làm cao 1m80, rộng 1m20 vừa chạm rồng phượng, vừa có câu đối hai bên nom rất bề thế uy nghi. Khách xa gần nườm nượp đến chia buồn, thăm hỏi phúng viếng đều tin là cụ ông đã chết thật.
Cụ Lễ về quê được hưởng không khí trong lành của vùng sông nước, được vợ chồng ông út chăm sóc chu đáo bỗng nhiên lại khỏe ra. Nhưng cũng không may cho cụ sau đó ít lâu có người cùng ấp lên thành phố kiếm sống về quê chơi thật thà báo tin cụ biết đám tang của cụ đã được tổ chức linh đình cách đây 3 tháng ở nhà ông Hai trên Sài Gòn rồi.
Nghe tin, cụ giận hai ông con đã nhẫn tâm “chôn sống mình” uất quá thành ra “đi” thật luôn. Được tin bố mất thật, hai ông vịn cớ bận công chuyện không về chịu tang cha được. Trong lễ tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, cụ Lễ có 3 con trai mà chỉ có ông út chống gậy đi sau quan tài, còn bà con lối xóm nửa đùa nửa thật nói với nhau, nhờ các con mà cụ được chết hai lần, phúng viếng hai lần, được có hai ngôi mộ và hai ngày giỗ cách nhau hẳn 3 tháng.
Thật là chuyện cười ra nước mắt. Chỉ vì ham giàu lại mê tín đến mức mù quáng, hai ông con lớn cụ Lễ đã làm điều nhẫn tâm thất đức bất hiếu chưa từng có. Về mặt luật pháp, họ cũng phạm tội khai gian trá vì theo qui định của nhà nước thì việc khai chứng tử cho người qua đời thì phải chính xác, đúng ngày,tháng, năm, để đảm bảo về mặt quản lý hành chính, chính sách.
Thế Trường