Lòng trắc ẩn luôn là những giá trị còn mãi
Thời gian qua, “Tin ở hoa hồng” là tác phẩm kịch được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1986, được làm mới lại bởi những người trẻ, bởi những giá trị tư tưởng và thông điệp trong vở kịch có đời sống hơn 30 năm vẫn còn nguyên vẹn, bắt kịp với thời đại 4.0.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một viên chức nhà nước lương thiện, khi chuẩn bị nghỉ hưu thì bị thủ trưởng cơ quan đổ vấy cho tội danh lạm dụng công quỹ. Là người “thấp cổ, bé họng”, lại bị đẩy vào tình thế “quýt làm, cam chịu”, ông uất ức ngã bệnh đến mức có ý định quyên sinh. Chứng kiến sự bất công, có niềm tin vào điều tốt đẹp, một nhóm bạn trẻ đã vào cuộc để đi tìm sự thật.
“Tôi tin thông điệp: Hãy tin vào những điều tốt đẹp, hãy làm tất cả những điều tốt đẹp, những điều ấy sẽ được lan tỏa đến mọi người. Lý tưởng là cố gắng làm tất cả những gì mình tin là tốt đẹp nhưng vở diễn vẫn thổi điều gì đó để giới trẻ biết rằng, không nên sống an phận mà nên nghĩ cho người khác. Ở xã hội hiện nay, để sống được như vậy cũng khó nhưng mong các bạn trẻ hãy nghĩ tới những lý tưởng tốt đẹp và có những cách làm riêng của mình”, nhà báo Lưu Minh Vũ nói.
Có thể nói, họ chỉ là những người bình thường như bao người khác, nhưng khi chứng kiến những giờ khắc bi thảm của đồng loại, hoặc không thể bất lực trước sự ngạo nghễ của cái ác…, lương tri của họ bỗng thức tỉnh. Và cũng trong chính giây phút ấy, họ trở thành những người hùng vĩ đại của đời thường. Điện ảnh đã có vô số bộ phim khơi lên niềm cảm hứng bất tận về những người hùng bình dị như thế.
Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler), tác phẩm đã chiến thắng 7 giải Oscar năm 1994, trong đó có giải phim và đạo diễn xuất sắc nhất. Câu tagline của bộ phim lấy từ một câu nói của người Do Thái: “Ai cứu được một mạng người thì người đó cứu được cả thế giới”.
Bản danh sách của Schindler là một bộ phim đen trắng dài tới 195 phút và bóp nghẹt trái tim người xem bởi sức nặng của câu chuyện có thật này qua ngôn ngữ điện ảnh mang tính biểu tượng bậc thầy của đạo diễn Steven Spielberg.
Phim nói về sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của cái ác và cả sự tuyệt vọng đến tận cùng của tình thế con người trước cái ác. Nhưng đồng thời, bộ phim sáng lên khi một người hùng của đời thường xuất hiện.
Oskar Schindler (Liam Neeson đóng) - một doanh nhân người Đức tham lam và hiếu chiến, rất đáng ghét ở phần đầu phim, nhưng khi chứng kiến hàng triệu người Do Thái bị giết chết thảm thương trong các trại tập trung của phát xít Đức, ông đã thay đổi. Đó là một cuộc lột xác của tâm hồn, một kẻ từ bóng tối bước ra ánh sáng khiến người xem xúc động vô bờ.
Schindler đã cứu được hơn 1.100 người Do Thái khỏi các trại tập trung ở Auschwitz và từ 1.100 người Do Thái đó sau chiến tranh phát triển thành một cộng đồng hơn 6.000 người. 6.000 người Do Thái được cứu sống đó mãi nhiều năm về sau vẫn xếp đá lên mộ của Oskar Schindler để bày tỏ lòng biết ơn trước một con người chính trực, một con người vĩ đại.
Thế nhưng ở đoạn kết bộ phim, Schindler vẫn giày vò và ân hận vì không thể cứu thêm được vài mạng sống của người Do Thái nữa. Người đàn ông vĩ đại ấy, trong giây phút ân hận, đã khuỵu xuống và khóc nức nở như một đứa trẻ. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đã nâng tầm Schindler’s List lên một tầm cao mới trong những đỉnh núi của nghệ thuật thứ 7.
Khác với những bộ phim tiểu sử hoặc dựa theo các sự kiện có thật, Accidental Hero (Người hùng tình cờ) là một bộ phim hư cấu hoàn toàn của đạo diễn Stephen Frears. Trong bộ phim này, diễn viên kỳ cựu Dustin Hoffman đóng vai Bernie, một gã đàn ông thất bại và làm nghề móc túi để kiếm sống.
Anh ta bị vợ ly hôn, mất quyền nuôi con trai và đang bị cảnh sát truy lùng để tìm dấu vết buộc tội. Thế nhưng, trong một giây phút tình cờ của số mệnh, anh ta lại trở thành người hùng giải cứu cho vài nạn nhân còn sống sót trong một tai nạn máy bay.
Tuy nhiên, bên cạnh hành động nghĩa hiệp đó, anh ta vẫn không quên… thó vài món đồ có giá trị của những nạn nhân trên chuyến bay và làm rớt lại một chiếc giày tại hiện trường. Trong khi số tiền thưởng lớn được đưa ra để tặng cho người hùng ẩn danh thì Bernie đã bị cảnh sát bỏ tù; một tay cựu binh vất vưởng khác, nhờ có chiếc giày còn lại của anh ta, lại trở thành người hùng được cả xã hội tôn vinh và thần tượng.
Nhưng cuối cùng, thông điệp cốt lõi về “người hùng tình cờ”, về tinh thần hướng thượng, về lòng trắc ẩn, thậm chí sự vĩ đại, được bột phát trong phút nguy nan mới là những giá trị cuối cùng mà bộ phim hướng tới…
Nghĩ tốt và sống tốt từ những điều bé mọn
Có thể nói, suốt một năm qua, khi chúng ta sống chậm lại bởi Covid-19, những hành động dũng cảm, những nghĩa cử cao đẹp tương tự như thế đã, đang và sẽ luôn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Đó là các y, bác sĩ đang ngày ngày không ngại nguy hiểm trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những chiến sĩ biên phòng, lực lượng chức năng nơi biên cương Tổ quốc không chỉ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới mà còn trở thành tuyến đầu ngăn chặn sự xâm nhập mầm dịch...
Họ lặng lẽ không quản hiểm nguy vì sự an toàn của xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Họ coi những việc mình đang làm là rất đỗi bình thường và trong sự tất bật lo toan cuộc sống mà vô tình, có thể mỗi chúng ta không nhận ra, chưa trân trọng đúng mức mà thôi!
Người có hành động dũng cảm là người sẵn sàng đối diện với nguy hiểm, dũng cảm làm việc tử tế, vì sự an toàn của cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực để những hành động dũng cảm, nghĩa cử cao đẹp không trở thành vô nghĩa trong đời sống xã hội hiện nay.
Đó là trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, ai khen chê, mặc, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn cứ ngày đêm chở bệnh nhân nghèo như lời hứa của ông. Ai bảo ông Đoàn Ngọc Hải “làm màu” cũng được, nhưng thà có người “làm màu” như ông còn hơn chẳng ai làm gì. Một mình ông Đoàn Ngọc Hải “làm màu” đã quá tốt, nhưng nhiều người cùng chung tay “làm màu” thì tốt hơn nữa…
Ở góc độ khác, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: Tôi rất tâm đắc với khái niệm Hạnh Bố Thí của nhà Phật. Bố Thí đơn giản là chia sẻ rộng, là làm điều tốt giúp người khác. Có nhiều cách để chia sẻ: Tâm thí, trí thí, công thí, tài thí... Tùy theo khả năng của mình mà đóng góp chia sẻ. Quan trọng là có hướng tâm hay không thôi.
Xả thân vì người khác là sự hy sinh, xuất phát từ lòng vị tha, tức chính là “nghĩ tốt cho người khác” cộng với lòng dũng cảm thôi. Không nghĩ tốt thì không có hành động cao cả. Làm được điều tốt hay không còn phụ thuộc nhiều thứ, kể cả may mắn nữa. Nhưng không nghĩ tốt thì sẽ không làm gì cả. Hình như đó là tâm thế “tùy hỉ thí”, ai cũng có thể có.
Có chịu nuôi dưỡng (để) phát huy nó hay không thôi. Thường xuyên, thường trực suy nghĩ bình thường hướng thiện và chia sẻ, với chính từng con người cũng đã là phi thường, là thắng chính mình rồi. Đó là anh. Nếu làm được việc nhiều người khác không thể làm, đó chính là “siêu quần” - vượt qua nhiều người - đó chính là hùng. Thắng mình, vượt người là anh hùng, giản dị có thế thôi.
Trong nhiều trường hợp, sự anh hùng đó bột phát và bất ngờ tới mức khó tin, khiến người ta có thể lợi dụng, về hùa theo số đông để ca ngợi nó thái quá, hay ở một thái cực khác, mổ xẻ và phân tích nó để vùi dập. Chúng ta quên mất bản chất của anh hùng: Những người bình thường bất ngờ hành động một cách phi thường, và quên mình trong một khoảnh khắc. Và vì vậy, “người hùng” của chúng ta cứ nằng nặc bảo đừng gọi anh ta là anh hùng là điều hoàn toàn tự nhiên, rất con người.
Đành rằng, khi đi qua cửa, chúng ta lịch sự giữ cửa cho người đi sau, bao lần như một, không một lời cảm ơn, liệu chúng ta có tiếp tục muốn giữ cửa nữa không? Từng chút, từng chút một, chúng ta quên đi những hành động đơn giản giữa con người với con người. Và sự chính trực, lòng tốt ngày càng thu nhỏ, hiếm hoi. Bởi thế, trở lại câu chuyện của anh Mạnh, hành động của anh gây xúc động mạnh bởi những bàn tay nghĩa hiệp đang dần vắng bóng trong đời thường…
Văn hào Nga Solzhenitsyn (được trao giải Nobel Văn chương năm 1970) từng nói: “Ranh giới giữa thiện và ác đi qua trái tim con người”. Rất có thể, những ngã rẽ giữa thiện và ác, chỉ mình ta biết! Những việc làm tốt đẹp cũng vậy.
Bởi dường như, từ lâu lắm, trong cuộc sống ngày thường bụi bặm, suy nghĩ tốt, nhìn người khác ở mặt tích cực, không suy diễn là điều dường như rất khó với không ít người. Suy nghĩ không tích cực, là bạn đang tự gieo những độc hại cho chính mình!
Và một sự thật giản dị là, có thể chúng ta, suốt cả đời mình, không thể một lần quả cảm, giơ tay đỡ cháu bé trong gang tấc như anh Mạnh! Nhưng việc chúng ta có thể làm được, đó là nghĩ tốt, sống tốt từ những điều bé mọn. Đó luôn là sự cảm thông, lòng trắc ẩn, một cái nắm tay trong hoạn nạn, cô độc… Lòng tốt, gần lắm, trong cuộc sống của mỗi người…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu