Bốn tháng đầu rỗi rãi, bốn tháng dễ thở và giờ nhân viên tín dụng NH tới thời cật lực tìm nguồn huy động tiền gửi cũng như cật lực giải thích về việc điều chỉnh LS cho vay.
“Giờ cứ như kinh doanh trong thời chiến”, phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét về tình hình kinh doanh hiện nay. Không ít ngân hàng không còn mặn mà tìm người cho vay, vì ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo thanh khoản, giữ chân khách hàng tăng huy động khi lãi suất cho vay với một số đối tượng lên đến 18 - 19%/năm.
Xoay như chong chóng
Quý 1 là thời gian mà anh Nh., một nhân viên tín dụng ngân hàng rỗi rãi nhất, nhưng cũng là thời điểm mệt mỏi nhất. Do chỉ số giá tiêu dùng trong ba tháng đầu năm tăng cao, lãi suất huy động tăng mạnh đẩy lãi suất cho vay cũng tăng.
Để kích thích sản xuất, Ngân hàng Nhà nước can thiệp dựa trên mức lãi suất trần 10,5% rồi tới 11,5%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị “nén” từ 38% năm 2009 xuống 25% trong năm nay.
Anh Nh. kể: “Lúc đó lãi suất vay áp dụng cho tiêu dùng được thoả thuận lên đến 16%/năm, người ta chê lãi suất cao không chịu vay”.
Khách hàng cứ đòi giảm lãi suất, họ cho rằng lãi suất sắp tới sẽ giảm theo lộ trình đề ra của Ngân hàng Nhà nước. Mức độ sụt giảm quá nhanh của mức tăng dư nợ tín dụng đã khiến ban giám đốc chi nhánh ngân hàng anh đứng ngồi không yên, lo sốt vó không đạt chỉ tiêu năm.
Không riêng gì chi nhánh của Nh., các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi cả quý 1, tốc độ tín dụng chỉ tăng 3,52%, trong đó dư nợ tín dụng bằng tiền đồng tăng 0,57% so với đầu năm.
Thời điểm Nh. “dễ thở” hơn, vui hơn dù phải làm việc có khi tới 9 - 10 giờ đêm mới về nhà là từ cuối tháng 5 - 6, và bắt đầu vào quý 3. Khi đó, yêu cầu lãi suất “vào 10 - ra 12 (%)” giẫm chân tại chỗ, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND lần thứ hai trong năm khiến người vay cũng chấp nhận lãi suất cao do họ dần hiểu rằng lãi suất khó lòng giảm.
Đây cũng là lúc doanh nghiệp đẩy mạnh vay USD, bởi chênh lệch vay tiền đồng gấp hai lần vay bằng đồng USD. “Năm nay chỉ có quý 3 là làm cật lực, còn những quý còn lại làm lai rai”, anh nói.
Chi nhánh của Nh. cũng đã điều chỉnh lãi suất vay thêm 1 - 2%/năm, lên mức 18 - 19%/năm. “Nghe tin tăng lãi suất khách hàng buồn lắm, nhưng họ phải chấp nhận thôi”, anh kể. Theo anh, khách hàng vẫn vay vì nhu cầu kinh doanh hay tiêu dùng cuối năm nhưng họ cân nhắc nhiều về số lượng phải vay.
Lo khan tiền, khép cửa cho vay
Đúng vào thời điểm cuối năm, cao điểm của nhu cầu vay vốn, thì không ít ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay. Một nhân viên tín dụng cho hay, thời gian này anh không phải đi tìm khách hàng nữa, bởi lãnh đạo dự đoán sắp tới sẽ khan tiền, nguồn vốn không dư dả, phải phòng ngừa nên giảm cho vay ra.
“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo thanh khoản”, ông Lê Hồng Nam, Giám đốc chi nhánh Tp.HCM Ngân hàng Tiên Phong nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thuộc loại lớn cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay với các đợt sóng giá khiến quý 4 là thời điểm khó khăn với người điều hành hoạt động ngân hàng.
Ông nói: “Tôi như đang kinh doanh trong thời chiến khi mà lãi suất biến động nhanh, ngân hàng khó khăn trong duy trì tăng trưởng và giữ chân khách hàng, cơ cấu nguồn thu biến động và không ổn định”. Ông phải cân nhắc nguồn vốn cho doanh nghiệp này vay, từ chối doanh nghiệp kia trong khi phải tính toán trên nguồn vốn huy động.
Ông thừa nhận rằng, trong hệ thống ngân hàng, vẫn có một số đơn vị xem thời gian này là thời điểm dễ cho vay nhất khi nhiều ngân hàng thu hẹp cho vay, nên khách hàng ít có sự lựa chọn nên phải chịu vay với lãi suất cao.
Lãi suất tiết kiệm đã lên 13% ở ngân hàng SeaBank kỳ hạn 12 - 13 tháng, các kỳ hạn còn lại 12%, Sacombank 1 tháng 12,2%, lãi suất tiết kiệm ở ACB thẳng tắp ở mức 12%/năm các kỳ hạn và số tiền gửi, một việc hiếm thấy ở ngân hàng này. Lãi suất đã được các ngân hàng từ nhỏ đến lớn nhạy bén điều chỉnh ngay, cho thấy sức ép lớn của việc giữ khách hàng, huy động đảm bảo thanh khoản trong lúc này.
Những ngân hàng có lượng lớn khách hàng là cán bộ công nhân viên, cán bộ hưu trí đã ngay lập tức điều chỉnh lãi suất, vì khách hàng sẵn sàng rút tiền gởi sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Ngược lại, khách hàng là doanh nghiệp thì không quan tâm nhiều lắm đến chênh lệch lãi suất, mà họ yêu cầu cao ở các dịch vụ tài chính cung cấp…
Nhân viên tín dụng của một ngân hàng kể, đích thân giám đốc lại một lần nữa đêm hôm đi gặp khách hàng lớn thuyết phục không rút tiền ra như hồi tháng 4 - 5 năm 2008, khi lãi suất lên ngưỡng 20%.
Theo Hồng Sương
SGTT