Sau khi cậu em trai đi học ở Trung Quốc nhắn tin qua Internet gửi 10 triệu đồng, chị Nguyễn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đến phố Hà Trung, vào một tiệm vàng nổi tiếng, đưa địa chỉ, số điện thoại và số tiền theo yêu cầu của cậu em. 3 tiếng đồng hồ sau, chị nhận được tin nhắn của em mình rằng đã nhận được đủ tiền – Tín dụng đen phi biên giới kiểu này đã và đang tồn tại trong cuộc sống, nhưng lại là vấn đề phức tạp của luật pháp.
Hình minh họa |
“Tín dụng đen” công khai
Đối với những người có người nhà đi du học, chữa bệnh hay có thân nhân đi công tác, làm việc, cư trú ở nước ngoài, thị trường “tín dụng đen” là một vấn đề gì đó không quá xa lạ.
Sau khi cậu em trai đi học ở Trung Quốc nhắn tin qua Internet gửi 10 triệu đồng, chị Nguyễn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đến phố Hà Trung, vào một tiệm vàng nổi tiếng, đưa địa chỉ, số điện thoại và số tiền theo yêu cầu của cậu em. 3 tiếng đồng hồ sau, chị nhận được tin nhắn của em mình rằng đã nhận được đủ tiền.
“Suốt 3 năm qua, tôi đều gửi tiền cho em theo cách này. Hồi đầu tôi vừa gửi vừa lo, vì chẳng có giấy tờ biên nhận gì rằng buộc giữa tôi và người chuyển. Nhưng về sau, thấy lần nào cũng nhanh và đúng hẹn, tôi quyết định lựa chọn cách gửi tiền này, để vừa không phải đến quầy ngân hàng trình bày và em tôi cũng không mất công đi làm thủ tục nhận. Chuyển tiền đường “tín dụng đen” đơn giản, nhanh chóng, không giới hạn số tiền, chi phí lại rất chừng mực”, chị Bình cho biết.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, trong đó có quy định “Người cư trú là cá nhân thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của Chính phủ” được coi là một động thái mạnh bạo. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này đươc nhắc đến. Nhu cầu chuyển tiền ra – vào là có thực, và làm sao để quản lý được vấn đề này một cách minh bạch là câu chuyện mà tới đây Chính phủ phải tính toán thấu đáo. |
Thậm chí, có đôi khi, khoản tiền gửi lớn, chị còn được bên chuyển giảm phí tới mức… tượng trưng.
Các cửa hàng vàng ở phố Hà Trung cũng là địa chỉ được những người có nhu cầu rỉ tai nhau, bất kể số tiền họ cần chuyển đến các nước châu Á hay châu Âu, miễn là nơi đó có người Việt Nam sinh sống.
Chị Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lựa chọn chu cấp thêm cho cậu con trai đang học ở Anh theo cách này. Tuy nhiên, ngoài Hà Trung, giờ đây, khắp Hà Nội có rất nhiều “đại lý” chuyển tiền. Đều có điểm chung là không giấy tờ ràng buộc, giữa “bên A” và “bên B” chỉ có niềm tin và lời nói miệng để làm ăn với nhau.
“Chị bảo, bọn em không giữ chữ tín thì bọn em chết ngay, theo đúng nghĩa đen ấy”, một đại lý chuyên chuyển tiền cho "dân buôn" quần áo chặng Hà Nội – Quảng Đông nói với phóng viên. “Mình đem tiền đi theo sợ bị người Trung Quốc đánh thuốc mê cướp mất, nên toàn đi người không rồi nhờ bọn em chuyển. Bọn em không làm ăn nghiêm chỉnh, bọn em bị “thịt” ngay ấy chứ”.
Trước khi lên xe đi lấy hàng, "dân buôn" Việt Nam đem tiền đến gửi đại lý, và số tiền đó họ sẽ nhận lại ngay ở cổng chợ bên Quảng Đông, thậm chí ngay tại cửa hàng họ mua buôn, vừa nhanh gọn, kịp thời vừa an toàn.
Tại sao luật chưa đi vào cuộc sống?
Nhu cầu chuyển tiền ra vào biên giới là có thực, và ắt cơ quan chức năng đều biết rõ điều đó. Ngay cả quy định cá nhân được vay – trả nợ nước ngoài cũng đã từng được nhắc đến tại Điều 17, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005.
Tuy nhiên, 8 năm trôi qua, chưa có cá nhân nào thực hiện được việc vay nước ngoài, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.
Ngay cả trong quá trình sửa đổi pháp lệnh, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng cho phép cá nhân vay, trả nợ nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, địa vị pháp lý của cá nhân không đảm bảo tính pháp lý để thực hiện nghĩa vụ vay và trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài. Ngay cả việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay vốn ngắn hạn nước ngoài cũng chưa được quản lý chặt chẽ, khiến dòng vốn ngắn hạn từ nước ngoài có thể được chuyển về Việt Nam không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chủ yếu để đầu cơ, hưởng chênh lệch lãi suất.
Đây chính là lý do mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất rút cá nhân khỏi danh sách các đối tượng được vay vốn nước ngoài và trên thực tế trong một dự thảo trước khi đưa ra dự thảo cuối cùng, Điều 17 đã không còn đối tượng này.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dù tán thành việc không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, nhưng cũng thừa nhận việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế Pháp lệnh bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.
Một chuyên gia tài chính độc lập – ông Nguyễn Quang Vinh - cũng bày tỏ với PLVN sự băn khoăn của mình trước những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện quy định này.
"Hiện nay dù là tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp hay ngân hàng khi vay nước ngoài trung và dài hạn đều phải thực hiện việc đăng ký khoản vay và báo cáo định kỳ tình hình rút vốn và trả nợ với Ngân hàng Nhà nước. Mọi hoạt động rút vốn và trả nợ đều phải thực hiện qua một tài khoản vốn chuyên dùng để thống nhất quản lý", ông Vinh nói, “Nếu cho cá nhân tự vay tự trả, nguyên tắc quản lý vốn chặt chẽ này có thể bị phá vỡ”.
Điều 17, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005: “Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký khoản vay trong phạm vi tổng hạn mức vay vốn nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm. Người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài và sử dụng các hình thức bảo lãnh, tái bảo lãnh và các hình thức bảo đảm khoản vay khác”. |
Lê Minh