Nhiều dân buôn hay chủ doanh nghiệp cho biết, chưa bao giờ cần vốn như cuối năm, thời điểm phải đảo nợ ngân hàng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, lo lương thưởng nhân viên..., đấy là chưa kể có những chủ doanh nghiệp còn chơi chứng khoán. Bí vốn, nhiều người phải "cắn răng" tìm đến "tín dụng đen" dù lãi suất trên trời.
Chị Hải, trọ ở ngõ 110 Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết, mới đây chị mua chiếc xe Honda Lead trả góp ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, với lãi suất lên tới 2,2% một tháng (tương đương 26,4% một năm).
Theo chị Hải, tại cửa hàng này, khi mua xe trả góp, khách hàng chỉ cần trả trước tối thiểu 30% giá trị xe, còn lại có thể vay với thủ tục rất đơn giản. Chị Hải vay 20 triệu đồng, thời hạn 6 tháng, trả gốc và lãi chia đều hàng tháng.
Như vậy, tính ra mỗi tháng chị Hải phải trả cho cửa hàng 3.770.000 đồng. “Gần như tiền lương hàng tháng của tôi nướng hết vào việc trả nợ xe, nghĩ thấy xót lắm. Tôi định vay bạn để trả trước hạn, nhưng cửa hàng yêu cầu nếu trả trước hạn thì lãi suất lên tới cắt cổ 4,5% một tháng”.
Chị Hải, trọ ở ngõ 110 Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết, mới đây chị mua chiếc xe Honda Lead trả góp ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, với lãi suất lên tới 2,2% một tháng (tương đương 26,4% một năm).
Theo chị Hải, tại cửa hàng này, khi mua xe trả góp, khách hàng chỉ cần trả trước tối thiểu 30% giá trị xe, còn lại có thể vay với thủ tục rất đơn giản. Chị Hải vay 20 triệu đồng, thời hạn 6 tháng, trả gốc và lãi chia đều hàng tháng.
Như vậy, tính ra mỗi tháng chị Hải phải trả cho cửa hàng 3.770.000 đồng. “Gần như tiền lương hàng tháng của tôi nướng hết vào việc trả nợ xe, nghĩ thấy xót lắm. Tôi định vay bạn để trả trước hạn, nhưng cửa hàng yêu cầu nếu trả trước hạn thì lãi suất lên tới cắt cổ 4,5% một tháng”.
Tín dụng "chợ đen" đang ngày càng nở rộ, từ vay tiêu dùng tới buôn bán, kinh doanh chứng khoán, DN vay đảo nợ ngân hàng... |
Thông thường, khi khách hàng mua xe máy tại các đại lý ủy quyền của các hãng, nếu không đủ tiền, khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua trả góp. Tuy nhiên, không phải đại lý nào cũng liên kết với ngân hàng để cho khách hàng vay vốn, có đại lý chỉ liên kết với các công ty tài chính nhỏ lẻ, nên lãi suất khách hàng phải chịu rất cao.
Khi lãi suất ngân hàng tăng nóng như thời gian qua thì tín dụng “chợ đen” lại càng được đà “leo thang”. Còn với các cửa hàng xe máy tự do có áp dụng hình thức mua xe trả góp, ngoài một số điểm liên kết với ngân hàng trong việc cho vay, thì có cửa hàng tự bỏ vốn cho vay, và tất nhiên, lãi suất cao “cắt cổ”.
Theo anh Thắng, nhân viên đại lý kinh doanh và bảo dưỡng của hãng Yamaha trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), khách hàng khi mua xe máy trả góp nên tìm hiểu kỹ xem điểm bán xe liên kết với đơn vị nào để cho vay vốn, và trong hợp đồng phải thỏa thuận rõ việc trả tiền trước hạn thì chịu lãi suất bao nhiêu. “Tốt nhất nếu có đủ tiền thì hãy mua xe ga, còn không mua xe số cũng tốt, có phải mua đất hay nhà để ở đâu mà phải chạy vay tín dụng chợ đen cho khổ”, anh Thắng nói.
Lãi suất “chợ đen” thời gian gần đây ngày càng tăng "nóng" do biến động lãi suất trên thị trường ngân hàng, có nhiều trường hợp phản ánh đã phải vay ngoài với mức lãi lên tới hơn 30%, thậm chí 35% một năm.
Theo chị Linh, chủ cửa hàng quần áo trên phố Trần Điền, bà cô chị bán hàng ở chợ Đồng Xuân kể, vừa rồi phải vay nóng 200 triệu đồng nhập hàng về trữ để bán Tết, với lãi suất 32% một năm. Bà này còn cho hay, thời gian gần đây có nhiều người tới chợ “gạ” các tiểu thương vay vốn với mức lãi 3 – 3,5% một tháng, thế mà vẫn có người “cắn răng” vay, vì tiểu thương vay vốn ngân hàng rất khó.
Theo ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng An Bình, “tín dụng đen” cần được hiểu rộng hơn, không chỉ là việc một khách hàng cá nhân vay vốn bên ngoài các tổ chức tín dụng, mà còn là việc doanh nghiệp vay vốn từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư ủy thác đầu tư cho các công ty chứng khoán bằng hợp đồng cá nhân, hay như việc nhà đầu tư vay tiền theo hình thức đòn bẫy tài chính để mua chứng khoán, hoặc vay mượn chứng khoán để bán khống.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang phải “vắt chân lên cổ” để chạy vạy, thu hồi tiền nhằm đáo hạn ngân hàng. Chủ một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ tại Hà Nội cho biết, chưa bao giờ cần tiền như thời điểm cuối năm nay. “Thời điểm cuối năm phải lo nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, lương thưởng cho nhân viên, trả nợ ngân hàng, trong khi chứng khoán đang sôi động tôi cũng muốn dốc tiền vào. Trăm khoản cần đến tiền, có lúc tôi đã nghĩ phải vay tạm từ các doanh nghiệp bạn hoặc trên chợ đen”, vị này nói.
Còn Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Tân Tiến, ông Dương Bá Tân cho hay: “Thời điểm này ngân hàng đòi nợ ghê lắm, trong khi các khoản nợ của khách hàng thì cuối năm rồi vẫn chưa trả, nên doanh nghiệp rơi vào thế bí vốn và có thể phải vay ngoài ngân hàng".
Thông thường nếu một doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn dài hạn với ngân hàng, thì khoản tiền sẽ được chia ra và giải ngân vào từng thời điểm nhất định. Cứ cuối mỗi năm doanh nghiệp phải trả nợ gốc và lãi một lần, sau đó qua năm mới lại tiếp tục vay.
Thời điểm cuối năm 2008, doanh nghiệp Tân Tiến từng phải vay “chợ đen” với lãi suất 4,5% một tháng, kỳ hạn hai tháng để đảo nợ ngân hàng. Sau đó, qua năm, khi đến thời điểm được vay mới từ ngân hàng, doanh nghiệp lại dùng một phần khoản tiền này hoàn trả lại cho “chợ đen”.
Ông Tân cho biết, rất nhiều doanh nghiệp phải dùng tới hình thức này và thường chỉ cuối năm doanh nghiệp mới phải "cầu cứu" tín dụng "chợ đen".
Theo một chuyên gia chứng khoán trước đây làm việc cho Công ty chứng khoán Kenanga, để thu hút và giữ chân khách hàng, đồng thời tăng thêm nguồn thu, nhiều công ty chứng khoán vẫn có dịch vụ cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán khống trước ngày giao dịch T+3, hoặc công ty chứng khoán làm trung gian để các nhà đầu tư vay chứng khoán lẫn nhau, hoặc vay từ các quỹ đầu tư có dịch vụ cho mượn cổ phiểu để bán khống.
Những trường hợp như thế này đều được gọi là tín dụng chợ đen trên thị trường chứng khoán và loại hình tín dụng này đang ngày càng nở rộ, thu hút nhà đầu tư khi thị trường sôi động.
Hiện lãi suất huy động tại các ngân hàng tuy có giảm hơn so với thời điểm xảy ra “sự cố Techcombank”, song mặt bằng lãi suất chung vẫn khá cao so với mức đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng. Hiện hầu hết ngân hàng đều công bố mức lãi suất tiền gửi khoảng 14% một năm, song mức lãi suất thực tế thường được cộng thêm từ 1% đến 1,5%.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), khách hàng gửi tiền ngoài hưởng lãi suất 14% còn được thưởng nóng tiền mặt 1,5% trên tổng số tiền gửi, khách hàng được lĩnh trước số tiền này. Như vậy tính ra, lãi suất tại Ngân hàng này lên đến 15,5% một năm. Tại một số ngân hàng khác như Techcombank và PG Bank, lãi suất huy động hiện là 14%, song khách hàng được thưởng thêm 1% lãi suất.
Các ngân hàng cam kết trần lãi suất huy động 14% một năm
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, chiều 14.12, tại Ngân hàng Nhà nước, đại diên hơn 50 ngân hàng thương mại trên cả nước và Hiệp hội Ngân hàng đã họp thống nhất nội dung về điều hành lãi suất, chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Theo đó, các Ngân hàng cam kết đồng thuận trần lãi suất huy động là 14%/năm. Lãi suất này cũng bao gồm cả phần khuyến mại, thưởng tiền cho khách hàng gửi tiền, đồng thời những ngân hàng nào thực hiện các chương trình khuyến mại phải công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại diện các ngân hàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm trọng tài giám sát và xử lý nghiêm túc những trường hợp vượt rào, huy động vốn vượt quá mức 14%/năm trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Tổng giám đốc Techcombank đã có văn bản yêu cầu dừng ngay chương trình huy động lãi suất 17%/năm nhưng đến trưa 10.12 Techcombank chi nhánh Phú Mỹ Hưng vẫn huy động với lãi suất 16,8%/năm. Khi Ngân hàng Nhà nước cử đoàn xuống kiểm tra nơi này lại có thái độ bất hợp tác. Trước đó, ngày 13.12 Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nghiêm khắc cảnh cáo của Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Techcombank vì đã làm ảnh hưởng đến thị trường lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. TTXVN
|
Theo Đông Nhiên
Đất Việt